Bloomberg nhận định hệ thống thanh toán của Trung Quốc (CIPS) khó có thể cứu được các ngân hàng Nga khi bị cắt khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Hệ thống thanh toán của Trung Quốc khó có thể là 'phao cứu sinh' cho ngân hàng Nga

Hoàng Vũ (theo Bloomberg) | 16/03/2022, 10:28

Bloomberg nhận định hệ thống thanh toán của Trung Quốc (CIPS) khó có thể cứu được các ngân hàng Nga khi bị cắt khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Các nước phương Tây đã áp hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga vì mở cuộc “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, loại nhiều ngân hàng nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Động thái ấy đã đặt ra câu hỏi là liệu Trung Quốc - quốc gia muốn có quan hệ chặt chẽ với Moscow - có thể cung cấp cho nước láng giềng một chiếc phao cứu sinh tài chính để giúp Nga vượt qua đòn trừng phạt từ phương Tây hay không. Đặc biệt, nhiều người vẫn băn khoăn rằng liệu hệ thống thanh toán của Trung Quốc có tên CIPS có thể làm được những gì? Tuy nhiên, câu trả lời dường như là “không nhiều”.

CIPS là gì?

Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) được thành lập vào tháng 10.2015 để cung cấp các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ. CIPS kết nối cả thị trường thanh toán trong và ngoài nước, cũng như các ngân hàng tham gia.

Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) được thiết lập vào tháng 10.2015 như một hệ thống thanh toán và thanh toán bù trừ cho các giao dịch sử dụng đồng nhân dân tệ. CIPS kết nối cả thị trường thanh toán trong và ngoài nước, cũng như các ngân hàng tham gia. Hệ thống này được giám sát bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), được điều hành bởi Công ty CIPS có trụ sở tại Thượng Hải. Quyền sở hữu được trải rộng giữa hàng chục cổ đông bao gồm các tổ chức tài chính nhà nước của Trung Quốc, các sàn giao dịch và các ngân hàng phương Tây. Việc sử dụng CIPS đã tăng đều đặn, với giá trị giao dịch trung bình hằng ngày là 388,8 tỉ nhân dân tệ (61,3 tỉ USD) tính đến tháng 2, tăng khoảng 50% so với một năm trước.

CIPS có phải là đối thủ của SWIFT không?

CIPS và SWIFT không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. SWIFT là một hệ thống nhắn tin để các ngân hàng toàn cầu liên lạc, còn CIPS chủ yếu là một hệ thống thanh toán cho các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ cũng cung cấp một số chức năng giao tiếp. Hầu hết các ngân hàng sử dụng CIPS vẫn giao tiếp qua SWIFT, do thói quen hoặc do họ không cài đặt công cụ nhắn tin dành riêng cho CIPS, hoặc cả hai, theo Viện Nghiên cứu tài chính xuyên biên giới, một công ty tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc năm ngoái đã thực sự thiết lập một liên doanh với SWIFT để cung cấp các dịch vụ mạng cục bộ và lưu trữ thông tin tin nhắn ở Trung Quốc. Theo quy mô, CIPS rất nhỏ so với SWIFT, có hơn 11.000 thành viên và xử lý hơn 42 triệu giao dịch mỗi ngày. Tính đến tháng 2, CIPS đã có khoảng 1.300 đơn vị tham gia, chủ yếu ở Trung Quốc và xử lý khoảng 13.000 giao dịch mỗi ngày.

Tại sao CIPS được tạo ra?

Việc tạo ra CIPS là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm khuyến khích sử dụng đồng nhân dân tệ trên toàn cầu. Đây cũng được coi là một cách mà Trung Quốc đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính phương Tây và việc sử dụng đồng USD, đặc biệt là sau khi Mỹ gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran vào năm 2010 và sau đó trừng phạt Nga do sáp nhập Crimea vào năm 2014. Dữ liệu của SWIFT cho thấy đồng tiền Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 3,2% giao dịch toàn cầu trong tháng 1.2022.

CIPS có thể được sử dụng để giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây không?

Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới CIPS chỉ có thể hỗ trợ Nga với các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, với điều kiện Nga và Trung Quốc giải quyết các giao dịch trực tiếp, và cả hai bên đều là thành viên của CIPS. Tuy nhiên, số lượng giao dịch thỏa mãn điều kiện trên không nhiều, giao dịch bằng nhân dân tệ giữa Nga - Trung chỉ đạt 2% tổng giao dịch tiền tệ vào năm 2013 và tăng lên 6% vào năm 2020. Trên thực tế, ngay cả khi hai quốc gia đã tìm cách chuyển dịch việc sử dụng đồng USD trong thương mại sang sử dụng đồng euro thì nền kinh tế của Nga vẫn bị ảnh hưởng do quốc gia này đã cắt đứt với đồng tiền của châu Âu.

Bên cạnh đó, không rõ các đối tác xuất nhập khẩu của Nga có sẵn sàng chấp nhận thanh toán bằng đồng dân tệ. Do đó, để CIPS có thể giúp ích được Moscow vượt qua các lệnh trừng phạt, Nga sẽ phải gia nhập hệ thống tài chính lấy đồng nhân dân tệ làm trung tâm. Điều đó dường như khó xảy ra khi Trung Quốc chủ trương hạn chế dòng tiền vào và ra khỏi đất nước.

Vai trò hiện nay của Trung Quốc đối với Nga

Trung Quốc đã không tham gia cùng các nước phương Tây trong việc trừng phạt Moscow và đã cam kết sẽ tiếp tục quan hệ thương mại bình thường với Nga. Tuy vậy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 10.3 đã chỉ ra rằng bà không thấy “bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang cung cấp cho Nga bất kỳ giải pháp quan trọng nào đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ”. Ít có khả năng các ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc sẽ tìm cách lách các lệnh trừng phạt của phương Tây vì các hoạt động quốc tế của họ yêu cầu quyền truy cập vào các giao dịch bằng USD có thể bị cắt nếu tìm cách lách luật. Hai trong số các ngân hàng lớn nhất, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Trung Quốc (BOC) hiện đã hạn chế tài trợ cho việc mua hàng hóa của Nga, đặc biệt là bằng USD.

Những cách nào khác để Trung Quốc có thể giúp Nga?

Một số công ty cho vay của Nga đang tìm cách bắt đầu sử dụng hệ thống điều hành thẻ tín dụng UnionPay của Trung Quốc sau khi Visa và Mastercard tạm ngừng hoạt động tại Nga. Điều đó có thể cho phép người Nga thực hiện một số khoản thanh toán ở nước ngoài vì UnionPay hoạt động ở 180 quốc gia và khu vực.

Khoảng 13% dự trữ của Nga, ước tính 77 tỉ USD, hiện nằm ở Trung Quốc, theo số liệu tháng 6.2021 từ ​​Ngân hàng Trung ương Nga. Việc bán bớt tài sản này sẽ mang lại cho Nga tính thanh khoản rất cần thiết nhằm giúp giải quyết các vấn đề trước mắt.

Ngoài ra, ngân hàng trung ương của Trung Quốc có giao dịch hoán đổi tiền tệ trị giá hàng tỉ USD với ngân hàng trung ương của Nga, có khả năng cho phép hai quốc gia cung cấp thanh khoản cho các doanh nghiệp để họ có thể tiếp tục các giao dịch. Các ngân hàng nhỏ hơn của Trung Quốc không tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế vẫn sẽ tiếp tục kinh doanh với Nga do họ ít bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc cũng có thể sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (CBDC) cho các giao dịch với Nga để lách trừng phạt từ phương Tây. Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đang được phát triển bởi Viện Nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nhằm thay thế tiền giấy và tiền xu đang được lưu hành. Song, một ghi chú nghiên cứu từ Natixis (ngân hàng đầu tư và doanh nghiệp của Pháp) lưu ý rằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số non trẻ của Trung Quốc khó có thể được sử dụng nhiều vì nó “chưa cung cấp các giao dịch xuyên biên giới về bất kỳ mức độ liên quan nào và Nga cũng chưa đăng ký” để sử dụng.

Bài liên quan
Nga quyết tâm phá vỡ phòng tuyến Ukraine bằng tên lửa xuyên lục địa, Kyiv đáp trả kiên cường với nguồn lực kiệt quệ
Theo New York Times, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã bước sang một giai đoạn mới, khốc liệt hơn, với việc Nga tăng cường các cuộc tấn công dọc các mặt trận ở miền đông và miền nam Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hệ thống thanh toán của Trung Quốc khó có thể là 'phao cứu sinh' cho ngân hàng Nga