Khi hơn 1 triệu phụ nữ và trẻ em chạy trốn qua biên giới Ukraine, họ trở thành những người dễ bị tổn thương nhất. Không chỉ là nạn nhân của cuộc xung đột, họ còn trở thành mục tiêu của những kẻ buôn người, hoặc trở thành nạn nhân của các hình thức bóc lột khác.

Hiểm họa buôn người đe dọa người tị nạn từ Ukraine

Đan Thuỳ | 13/03/2022, 13:23

Khi hơn 1 triệu phụ nữ và trẻ em chạy trốn qua biên giới Ukraine, họ trở thành những người dễ bị tổn thương nhất. Không chỉ là nạn nhân của cuộc xung đột, họ còn trở thành mục tiêu của những kẻ buôn người, hoặc trở thành nạn nhân của các hình thức bóc lột khác.

Một người đàn ông bị giam giữ ở Ba Lan bị tình nghi cưỡng hiếp một cô gái tị nạn 19 tuổi mà anh ta đã dụ dỗ với những lời đề nghị về nơi trú ẩn sau khi người này chạy trốn khỏi Ukraine khi bị chiến tranh tàn phá. Một cô gái 16 tuổi khác cũng bị dụ dỗ với lời đề nghị công việc ổn định và nơi ở trước khi nhà chức trách can thiệp. Và một trường hợp khác bên trong trại tị nạn ở biên giới Medyka của Ba Lan đã làm dấy lên nghi ngờ khi một người đàn ông chỉ giúp đỡ phụ nữ và trẻ em. Khi bị cảnh sát thẩm vấn, anh ta đã thay đổi câu chuyện của mình.

Khi nhiều phụ nữ và trẻ em phải chạy trốn qua biên giới Ukraine khi chiến tranh xảy ra, mối quan tâm ngày càng tăng về biện pháp bảo vệ những người tị nạn - đối tượng dễ bị tổn thương nhất - khỏi những kẻ buôn người, hoặc trở thành nạn nhân của các hình thức bóc lột khác.

screen-shot-2022-03-13-at-12.19.15.png
Một người tị nạn Ukraine - Ảnh: AP 

Joung-ah Ghedini-Williams, Trưởng bộ phận truyền thông toàn cầu của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), người đã đến thăm các biên giới ở Romania, Ba Lan và Moldova, cho biết: "Rõ ràng tất cả những người tị nạn đều là phụ nữ và trẻ em. Bạn phải đề phòng về bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào không chỉ với nạn buôn người mà còn cả bóc lột và lạm dụng tình dục. Đây là những cơ hội để những kẻ buôn người tìm cách lợi dụng".

UNHCR cho biết, hơn 2.5 triệu người, trong đó có hơn 1 triệu trẻ em, đã chạy trốn khỏi Ukraine khi bị chiến tranh tàn phá trong cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có ở châu Âu và là cuộc di cư lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai.

Tại các quốc gia trên khắp châu Âu, bao gồm các quốc gia có biên giới với Ukraine như Romania, Ba Lan, Hungary, Moldova và Slovakia, các công dân và tình nguyện viên đã chào đón và giúp đỡ người dân tị nạn. Họ được giúp đỡ từ nơi ở, phương tiện di chuyển miễn phí đến các cơ hội việc làm và các hình thức hỗ trợ khác.

Cảnh sát ở Wrocław (Ba Lan), hôm 10.3 cho biết họ đã bắt giữ một nghi phạm 49 tuổi với cáo buộc hiếp dâm sau khi anh ta bị tố cáo hành hung một người tị nạn Ukraine 19 tuổi. Người đàn ông này đã dụ dỗ nạn nhân bằng những lời đề nghị giúp đỡ qua internet. Nhà chức trách cho biết, nghi phạm có thể phải đối mặt với 12 năm tù giam vì “tội ác tàn bạo”.

"Anh ta đã gặp cô gái bằng cách đề nghị giúp đỡ qua internet. Cô ấy đã trốn thoát khỏi Ukraine và cô không nói được tiếng Ba Lan. Cô đã tin tưởng một người đàn ông hứa sẽ giúp đỡ và che chở cho cô. Thật không may, tất cả là dối trá".

Cảnh sát ở Berlin (Đức) đã cảnh báo phụ nữ và trẻ em trong một bài đăng trên mạng xã hội bằng tiếng Ukraine và tiếng Nga rằng không nên chấp nhận lời đề nghị ở lại qua đêm, đồng thời kêu gọi họ báo cáo bất cứ điều gì đáng ngờ.

screen-shot-2022-03-13-at-12.20.17.png
Lực lượng cảnh sát túc trực để đề phòng các phần tử tội phạm - Ảnh: AP

Tamara Barnett, Giám đốc hoạt động của Tổ chức chống buôn người, một tổ chức từ thiện có trụ sở tại Anh, được phát triển từ Nhóm nghị sĩ toàn đảng về buôn bán người, nói rằng lượng người di tản hàng loạt nhiều như vậy có thể là "điều dẫn đến thảm họa".

"Khi đột nhiên có một số lượng lớn người thực sự dễ bị tổn thương cần tiền và hỗ trợ ngay lập tức, điều đó giống như một nơi sinh sôi cho sự bóc lột và lạm dụng tình dục", Tamara Barnett cho biết. 

Cổng dữ liệu di cư lưu ý rằng các cuộc khủng hoảng nhân đạo như khủng hoảng liên quan đến xung đột “có thể làm trầm trọng thêm các xu hướng buôn người đã có từ trước và làm phát sinh các xu hướng mới”. Những kẻ buôn người có thể phát triển do “sự bất lực của các gia đình và cộng đồng trong việc bảo vệ bản thân và con cái của họ”.

Các quan chức an ninh ở Romania và Ba Lan nói với hãng tin AP rằng, các sĩ quan tình báo mặc thường phục đang đề phòng các phần tử tội phạm. Tại thị trấn biên giới Siret của Romania, nhà chức trách cho biết những người đàn ông cung cấp dịch vụ di chuyển miễn phí cho phụ nữ đã bị đuổi đi.

Buôn bán người là một hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có thể liên quan đến một loạt các vấn nạn bóc lột. Từ lạm dụng tình dục chẳng hạn như mại dâm đến lao động cưỡng bức như việc bị bắt làm nô lệ trong gia đình đến mổ lấy nội tạng, những kẻ buôn người thường gây ra bằng cách cưỡng bức và lạm dụng quyền lực.

Một báo cáo về nạn buôn người năm 2020 của Ủy ban châu Âu (EC), ước tính lợi nhuận toàn cầu hàng năm từ tội phạm này là 29.4 tỷ euro (32 tỷ USD). Cơ quan này nói rằng bóc lột tình dục là hình thức buôn bán người phổ biến nhất trong khối 27 quốc gia EU và gần 3/4 số nạn nhân là nữ trong đó có cả trẻ em.

Madalina Mocan, Giám đốc ủy ban tại ProTECT, một tổ chức quy tụ 21 nhóm chống buôn người, cho biết “đã có những dấu hiệu đáng lo ngại”, với việc một số người tị nạn được cung cấp nơi trú ẩn song phải đổi lại bằng cách dọn dẹp và trông trẻ, điều này có thể dẫn đến sự bóc lột.

"Những kẻ buôn người sẽ cố gắng đưa các nạn nhân từ Ukraine qua biên giới. Phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương, đặc biệt là những người không có mối liên hệ gia đình, bạn bè và các mạng lưới hỗ trợ khác", Madalina Mocan nói và nhấn mạnh rằng xung đột tiếp diễn sẽ có nghĩa là “ngày càng nhiều người dễ bị tổn thương” chạy đến biên giới.

screen-shot-2022-03-13-at-12.19.23.png
UNHCR cho biết hơn 2,5 triệu người, trong đó có hơn 1 triệu trẻ em, đã chạy trốn khỏi Ukraine - Ảnh: AP

Tại ga xe lửa ở thị trấn biên giới Zahony của Hungary, Dayrina Kneziva (25 tuổi), đến từ Kyiv với người bạn thân. Kneziva cho biết, chạy trốn khỏi vùng chiến sự khiến họ không còn nhiều thời gian để cân nhắc những mối nguy hiểm tiềm tàng khác.

Kneziva hy vọng sẽ đến được thủ đô Bratislava của Slovakia cùng với bạn của mình.

Một phần lớn những người tị nạn chuyển đến với bạn bè hoặc gia đình của họ ở những nước khác ở châu Âu, những người không có mối quan hệ thân thích phải dựa sự giúp đỡ của người lạ.

Cristina Minculescu, nhà tâm lý học tại Next Steps Romania, người cung cấp sự hỗ trợ cho các nạn nhân của vấn nạn buôn người, cho biết: “Những người rời Ukraine đang phải chịu căng thẳng về tinh thần, chấn thương, sợ hãi và bối rối. Không chỉ là buôn bán người, họ còn có nguy cơ bị bắt cóc, hãm hiếp… các điểm yếu của họ bị khai thác dưới nhiều hình thức khác nhau”.

Tại biên giới Siret của Romania, sau chuyến hành trình 5 ngày bằng ô tô từ thành phố lịch sử Chernihiv (Ukraine) bị đánh bom, Iryna Pypypenko (44 ​​tuổi), đã trú ẩn bên trong một căn lều cùng với hai đứa con của mình để tránh khỏi cái lạnh. Cô cho biết một người bạn ở Berlin đang tìm chỗ ở cho cô đã cảnh báo rằng nên cẩn thận với những lời đề nghị đáng ngờ có thể xảy ra.

Pypypenko chia sẻ: “Bạn tôi khuyên rằng có rất nhiều lời đề nghị giúp đỡ, rất nguy hiểm. Tôi chỉ được giao tiếp với những người đáng tin cậy và chỉ tin vào những thông tin mà họ cung cấp cho tôi”.

Ionut Epureanu, cảnh sát trưởng hạt Suceava (Romania), nói với AP tại biên giới Siret rằng cảnh sát đang hợp tác chặt chẽ với cơ quan quốc gia chống buôn người và các cơ quan thực thi pháp luật khác của đất nước để cố gắng ngăn chặn tội phạm.

Ông nói: “Chúng tôi đang cố gắng kiểm soát mọi phương tiện rời khỏi khu vực. Cả trăm người chạy phương tiện giao thông đều có mục đích tốt, nhưng chỉ cần một người xấu có ý định là đủ… và bi kịch có thể ập đến.”

Vlad Gheorghe, một thành viên Romania của Nghị viện châu Âu, người đã thành lập một nhóm Facebook có tên United for Ukraine với hơn 250.000 thành viên và cung cấp các nguồn lực để giúp đỡ những người tị nạn, bao gồm cả chỗ ở, cho biết ông đang hợp tác chặt chẽ với chính quyền để ngăn chặn bất kỳ hành vi lạm dụng nào.

"Chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ trước khi bất kỳ lời đề nghị trợ giúp nào được chấp nhận", Vlad Gheorghe nói.

Tại biên giới Medyka của Ba Lan, 7 cựu thành viên của Quân đoàn Ngoại giao Pháp, một lực lượng quân sự tinh nhuệ, đang tự nguyện cung cấp dịch vụ an ninh của riêng họ cho những người tị nạn để đề phòng những kẻ buôn người.

"Sáng nay, chúng tôi tìm thấy 3 người đàn ông đang cố gắng đưa một loạt phụ nữ vào một chiếc xe tải. Tôi không thể 100% nói rằng họ đang cố gắng thực hiện việc buôn người, nhưng khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện và tiếp cận họ thì họ tỏ ra lo lắng và rời đi ngay lập tức. Chúng tôi chỉ muốn cố gắng đưa phụ nữ và trẻ em đến nơi an toàn. Rủi ro là rất cao vì có rất nhiều người mà bạn không biết họ là ai và họ đang làm gì", một cựu thành viên cho biết.

Quay trở lại căn lều của mình ở biên giới Siret, Pypypenko cho biết có rất nhiều người đang đề nghị giúp đỡ nhưng cô không chắc mình có thể tin tưởng ai.

"Mọi người chỉ vào và nói với chúng tôi rằng họ có thể đưa chúng tôi đến Pháp miễn phí. Hôm nay, chúng tôi đã ở đây 3 tiếng đồng hồ… và chúng tôi đã nhận một vài đề nghị như vậy. Tôi thậm chí không thể tưởng tượng được tình huống như vậy lại có thể là một thảm kịch lớn", Pypypenko nói. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiểm họa buôn người đe dọa người tị nạn từ Ukraine