Vẫn còn một số công ty phương Tây nổi tiếng duy trì hoạt động kinh doanh tại Nga trong khi hàng trăm công ty khác đã công bố kế hoạch ngừng hoạt động.

Những công ty phương Tây vẫn còn hoạt động tại Nga

Cẩm Bình | 12/03/2022, 14:36

Vẫn còn một số công ty phương Tây nổi tiếng duy trì hoạt động kinh doanh tại Nga trong khi hàng trăm công ty khác đã công bố kế hoạch ngừng hoạt động.

Chuỗi tiệm thức ăn nhanh Burger King vẫn mở cửa, hãng dược Eli Lilly tiếp tục cung cấp thuốc, tập đoàn thực phẩm và nước giải khát PepsiCo đang bán sữa cùng thực phẩm trẻ em.

Tốc độ doanh nghiệp rời khỏi Nga tăng nhanh trong tuần qua khi bạo lực chết người và khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine trở nên tồi tệ hơn, còn phương Tây đẩy mạnh trừng phạt. Công ty dầu khí lớn như BP hay Shell đều chấp nhận bỏ đi nhiều khoản đầu tư hàng tỷ USD, chuỗi thức ăn McDonald’s cùng chuỗi tiệm cà phê Starbucks đã ngừng phục vụ.

Số công ty còn hoạt động tại Nga cho biết họ còn phải cân nhắc đến nhân viên và chủ những cửa hàng nhượng quyền, họ không muốn trừng phạt người Nga bằng cách ngừng cung cấp thực phẩm hay thuốc men, hoặc họ cung cấp phần mềm hoặc dịch vụ tài chính không dễ thay thế cho nhiều doanh nghiệp phương Tây.

Thế nhưng theo nhà phân tích Mary Lovely thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson: “Đây chỉ là tính toán làm ăn mà thôi. Tính toán về cơ bản là: Họ kiếm được bao nhiêu doanh thu ở Nga? Họ có cung cấp dịch vụ thiết yếu không? Tuy nhiên, tính toán sẽ thay đổi khi mỗi ngày trôi qua. Loạt biện pháp trừng phạt Nga sẽ kéo dài”.

1000.jpeg
3 tuần qua chứng kiến làn sóng rút khỏi Nga của doanh nghiệp phương Tây - Ảnh: AP

Một số công ty hoạt động ở ngành ít tên tuổi hơn (chẳng hạn như nông nghiệp) có thể tránh được áp lực công chúng mà loạt tên tuổi lớn như McDonald's, Uniqlo, Starbucks phải chịu. Thế nhưng duy trì hoạt động kinh doanh tại Nga đem lại rủi ro danh tiếng bị tổn hại.

Lấy chuỗi cửa hàng Uniqlo làm ví dụ. Thương hiệu này thu hút sự chú ý tiêu cực khi giám đốc điều hành của công ty mẹ nói rằng lý do để giữ cho gần 50 cửa hàng ở Nga mở cửa là vì “quần áo là hàng thiết yếu”. Không lâu sau phát ngôn gây tranh cãi, Uniqlo tuyên bố đóng cửa các cửa hàng.

Nhiều công ty đa quốc gia không rời khỏi Nga lúc xung đột quân sự tại Ukraine mới nổ ra. Mọi chuyện thay đổi sau khi xung đột làm bạo lực gia tăng, hơn 2 triệu người tị nạn phải tháo chạy khỏi Ukraine.

Một nhóm nghiên cứu thuộc đại học Yale xác định hiện có hơn 300 công ty ngừng hoạt động tại Nga. Apple ngừng vận chuyển hàng, Google ngừng dịch vụ quảng cáo, các hãng ô tô ngừng sản xuất, các hãng phim Hollywood ngừng phát hành phim, Netflix ngừng cung cấp dịch vụ xem phim.

Quyết định ngừng hoạt động được thúc đẩy bởi sự cần thiết phải tuân thủ trừng phạt, vì vài vấn đề trong chuỗi cung ứng hoặc vì lo sợ ảnh hưởng danh tiếng.

Một số công ty có kế hoạch cắt đứt quan hệ với Nga cho biết làm vậy không hề đơn giản. Citigroup gặp khó trong rao bán 11 chi nhánh ngân hàng vì nền kinh tế Nga bị loại bỏ khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Cho đến lúc bán được, Citigroup phải duy trì hoạt động một cách hạn chế và giúp nhiều khách hàng dừng hoạt động kinh doanh tại Nga.

Tương tự như vậy, Amazon cho biết các khách hàng lớn sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của họ tại Nga đều đặt trụ sở ở nơi khác. Tập đoàn cho biết đã ngừng nhận khách hàng ở Nga muốn dùng dịch vụ và chuẩn bị ngừng hoạt động vận chuyển hàng mua trực tuyến đến Nga.

Các công ty thức ăn nhanh thường ký thỏa thuận nhượng quyền với đơn vị tại chỗ nên việc rút khỏi phức tạp hơn, vì họ không hề sở hữu cửa tiệm. Đây là lý do khiến Restaurant Brands International - chủ sở hữu thương hiệu Burger King - vẫn mở cửa 800 tiệm tại Nga, Yum Brands - nắm trong tay thương hiệu KFC và Pizza Hut - thông báo đóng cửa 70 tiệm KFC thuộc sở hữu công ty nhưng duy trì gần 1.000 tiệm KFC nhượng quyền cùng 50 tiệm Pizza Hut. McDonald’s dễ dàng hơn: họ sở hữu hầu hết 85 cửa tiệm tại Nga.

Hệ thống khách sạn Marriott cũng cho biết các cơ sở lưu trú của họ tại Nga thuộc về bên thứ ba. Tập đoàn đang đánh giá khả năng duy trì hoạt động.

Một số duy trì hoạt động với lý do sản phẩm họ cung cấp là hàng thiết yếu, chẳng hạn như Eli Lilly.

“Chúng tôi tiếp tục phân phối thuốc tại Nga vì bệnh nhân ung thư, tiểu đường và các bệnh tự miễn ở khắp nơi đều trông cậy vào chúng tôi hỗ trợ họ”, Eli Lilly tuyên bố. Công ty cũng lưu ý trừng phạt của Mỹ cùng EU không áp dụng với dược phẩm.

PepsiCo ngừng bán soda nhưng còn bán sữa và thực phẩm trẻ em. Unilever vẫn bán thực phẩm cùng sản phẩm vệ sinh sản xuất tại Nga cho người dân Nga, nhưng ngừng xuất khẩu và quảng cáo số sản phẩm này.

Hãng thực phẩm Bunge thông báo tiếp tục vận hành nhà máy sản xuất dầu ăn từ các loại hạt có dầu tại Nga phục vụ thị trường nội địa, không xuất khẩu. Đơn vị sản xuất thiết bị nông nghiệp John Deere đã ngừng chuyển máy móc sang Nga, tuy nhiên họ còn vận hành một nhà máy sản xuất thiết bị gieo hạt và mạng lưới đại lý tại Nga vẫn hoạt động. Theo giáo sư kinh tế Vincent Smith thuộc đại học bang Montana: “Các công ty này không muốn chính phủ Nga thu giữ tài sản của họ nếu họ đóng cửa cơ sở kinh doanh”.

Sinh kế của nhân viên cũng là một lý do khác. Ban đầu Starbucks bày tỏ lo ngại về 2.000 nhân viên người Nga của mình nhưng sau đó vẫn đóng cửa 1.300 cửa hàng (vẫn trả lương cho nhân viên). Hãng thuốc lá British American Tobacco tuyên bố tiếp tục sản xuất và bán thuốc lá tại Nga vì nghĩa vụ chăm lo cho nhân viên.

Bài liên quan
New York Times: Người Ukraine coi việc đồng minh phương Tây bảo vệ Israel là ‘đạo đức giả’
Quân đội Mỹ, Anh và Pháp đã giúp đánh chặn tên lửa và UAV của Iran, nhưng người Ukraine nói rằng họ chưa nhận hỗ trợ tương tự trước các cuộc tấn công của Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những công ty phương Tây vẫn còn hoạt động tại Nga