Chiều nay (13.8), cao trình thượng lưu hồ Hòa Bình giảm, lưu lượng nước đến hồ cũng thấp hơn lưu lượng xả, lúc 18 giờ hôm nay sẽ đóng nốt cửa xả còn lại.
Lúc 13 giờ ngày 13.8, mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở cao trình 100,56m, lưu lượng đến hồ 3.361m3/giây, lưu lượng xả 3.851m3/giây. Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn lệnh cho Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình:
Đóng cửa xả đáy còn lại hồ thủy điện Hòa Bình vào hồi 18 giờ ngày 13.8. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng lưu, hạ lưu hồ chứa, kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai) và các cơ quan liên quan theo quy định.
Như vậy sau 18 giờ hôm nay, hồ thủy điện Hòa Bình đóng hết các cửa xả điều tiết lũ sau các đợt mưa lớn cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua.
Dự báo từ cuối tháng 8 miền Bắc sẽ qua giai đoạn mưa lũ chính vụ, tổng lượng mưa sẽ giảm bớt. Các hồ chứa sẽ chuyển sang vận hành theo quy trình trong thời kỳ lũ muộn.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu các đơn vị chủ động, tập trung ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét. Công điện được gửi các công ty thủy điện: Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Huội Quảng - Bản Chát; Công ty Nhiệt điện Thái Bình; Ban Quản lý dự án điện 1; các tổng công ty phát điện 1, 2, 3; Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia; các tổng công ty điện lực: Miền Bắc, TP.Hà Nội; Công ty Viễn thông điện lực và công nghệ thông tin; Trung tâm Thông tin điện lực.
Theo đó, EVN yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó với tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, mưa lớn, lũ, sạt lở đất và ngập úng có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản.
Thường xuyên theo dõi các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết qua các phương tiện thông tin đại chúng và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia để chủ động có các biện pháp ứng phó kịp thời; chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất.
EVN cũng yêu cầu các đơn vị không được chủ quan và cần tiếp tục kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó, khẩn trương khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn cho con người, thiết bị.
Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết từ ngày 13 đến sáng 14.8 là thời điểm mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30 - 60mm, cục bộ có nơi trên 150mm; mưa lớn tập trung vào sáng, chiều tối và đêm.
Từ chiều 14.8, mưa lớn ở Bắc Bộ có xu hướng giảm dần. Do ảnh hưởng của mưa lớn, trong những giờ tới, nhiều khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất như Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên (Lai Châu); Điện Biên Đông, Mường Ảng, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Tuần Giáo (Điện Biên); Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng); Bắc Yên, Mai Sơn, Mộc Châu, Mường La, Phù Yên, Quỳnh Nhai, thành phố Sơn La, Sông Mã, Sốp Cộp, Thuận Châu, Vân Hồ, Yên Châu (Sơn La); Cao Phong, Đà Bắc, thành phố Hòa Bình, Kim Bôi, Mai Châu, Tân Lạc (Hòa Bình); Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Lào Cai, Mường Khương, Sa Pa, Si Ma Cai, Văn Bàn (Lào Cai); Lục Yên, Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên, thành phố Yên Bái, Yên Bình (Yên Bái); thành phố Hà Giang, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần, Yên Minh (Hà Giang); Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang, Yên Sơn (Tuyên Quang); Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Lâm Thao, thị xã Phú Thọ, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Ba, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Việt Trì, Yên Lập (Phú Thọ); Ngân Sơn, Pác Nặm (Bắc Kạn); Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên).
Cảnh báo độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: cấp 1.