Phiên tòa dự kiến mở ngày 4.7 phải tạm hoãn do 1 bị cáo xin hoãn phiên tòa.

Hoãn phiên tòa xét xử cựu lãnh đạo SMES trong vụ lừa đảo hơn 300 tỉ đồng

Nhã Thanh | 04/07/2023, 12:41

Phiên tòa dự kiến mở ngày 4.7 phải tạm hoãn do 1 bị cáo xin hoãn phiên tòa.

Theo dự kiến, ngày 4.7, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán SME (SMES) và các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, phiên tòa hôm nay phải tạm hoãn do 1 bị cáo xin hoãn phiên tòa.

Trong 10 bị cáo phải hầu tòa, có 6 người bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong đó có Phan Huy Chí (cựu Chủ tịch SMES). 4 người còn lại bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo tìm hiểu của PV, đây là vụ án từng trải qua nhiều lần điều tra bổ sung. Ngày 10.5.2022, sau gần 2 ngày xét xử, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án lừa đảo xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán SME (SMES) và các đơn vị liên quan.

Cả HĐXX và VKS đều đề nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an làm rõ nội dung liên quan đến nguồn gốc, hiện trạng số cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI) mà bị cáo Phan Huy Chí (cựu Chủ tịch SMES) đang nắm giữ; nguồn tiền để SMES nhận chuyển nhượng số cổ phiếu này có liên quan thế nào đến số tiền hơn 79 tỉ đồng mà SMES nhận từ PVFI?

Về nội dung này, theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, kết quả điều tra và điều tra bổ sung xác định tổng số hơn 3,1 triệu cổ phần PVFI mà SMES nắm giữ đã được SMES cầm cố cho PVFI từ thời điểm tháng 8.2010 và tháng 9.2010 nên không liên quan đến nguồn tiền hơn 79 tỉ đồng.

Trên cơ sở kết luận điều tra bổ sung này, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố như trước đây.

ck-1648639766327928347628.jpg
Vụ án này xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán SME (SMES) và các đơn vị liên quan - Ảnh: Internet

Chiếm đoạt gần 300 tỉ đồng

Theo cáo trạng, từ tháng 4.2010 đến tháng 3.2011, do cần tiền để sử dụng cá nhân và thanh toán các khoản nợ cũ, ông Phan Huy Chí (cựu Chủ tịch SMES) và ông Phạm Minh Tuấn (cựu Tổng giám đốc SMES) cùng các thuộc cấp đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối, như tạo dựng khách hàng, xác nhận, phong tỏa khống số dư chứng khoán có tính thanh khoản cao trong tài khoản giao dịch chứng khoán của các khách hàng.

VKS xác định hành vi này nhằm tạo niềm tin và chiếm đoạt của PVI, PVFI và Ngân hàng Thương mại CP Habubank (nay là Ngân hàng SHB) với tổng số tiền gần 300 tỉ đồng.

Trong đó, thông qua các Hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết số 15 và 16, Phan Huy Chí và Phạm Minh Tuấn chiếm đoạt của Tổng công ty CP bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) số tiền hơn 107 tỉ đồng. Trong đó, số tiền Tuấn chiếm đoạt là hơn 36 tỉ đồng, Phan Huy Chí chiếm đoạt cá nhân hơn 44 tỉ đồng. Số tiền còn lại, hai người này cùng các cá nhân liên quan tại SMES đều khai được chuyển khoản nội bộ tại SMES để sử dụng chung cho công ty. 

Liên quan đến hành vi này, trước khi bị khởi tố, ông Chí đã trả cho PVI hơn 65 tỉ đồng; sau khi khởi tố, ông và gia đình nộp 15,1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Trong khi đó, ông Phạm Minh Tuấn vẫn chưa bồi thường cho PVI. VKS cũng ghi nhận việc làm trên của ông Chí và gia đình là biện pháp khắc phục hậu quả, được xem xét khi quyết định hình phạt và trách nhiệm dân sự.

Ngoài ra, thông qua 6 Hợp đồng, Phan Huy Chí và Phạm Minh Tuấn cùng đồng phạm đã chiếm đoạt của Công ty CP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI) hơn 111 tỉ đồng.

Thông qua Hợp đồng ủy thác đầu tư vốn số 95, Tuấn đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt 70 tỉ đồng của Habubank. Sau đó, Tuấn bàn bạc với Nguyễn Thanh Nam (cựu Giám đốc SMES chi nhánh TP.HCM) dùng thủ đoạn gian dối thông qua Hợp đồng số 36, rút 80 tỉ đồng của Habubank để Tuấn sử dụng hơn 70 tỉ đồng trả cho Hợp đồng số 95 và để cho Nam chiếm đoạt 7 tỉ đồng; số tiền còn lại, Tuấn đã chiếm đoạt.

Như vậy, VKS xác định thông qua 2 hợp đồng, Tuấn đã chiếm đoạt của Habubank 80 tỉ đồng, Nam đóng vai trò giúp sức cho Tuấn hoàn tất quá trình chiếm đoạt và trực tiếp chiếm đoạt 7 tỉ đồng ở Hợp đồng số 36.

Trước khi khởi tố, ông Tuấn đã trả cho phía ngân hàng hơn 8 tỉ đồng; số tiền còn lại, VKS buộc ông Tuấn và đồng phạm liên đới bồi thường cho Habubank.

Bài liên quan
Tạm giam Chủ tịch Công ty CP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương
Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương vừa bị Cơ quan ANĐT Công an TP.Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoãn phiên tòa xét xử cựu lãnh đạo SMES trong vụ lừa đảo hơn 300 tỉ đồng