Giáo trình của Học viện Mỹ thuật Quảng Châu (Trung Quốc) đề cập đồng tính như hiện tượng “tình dục đồi trụy”. Nó trở thành vấn đề gây tranh cãi trong cộng đồng mạng Trung Quốc.
Học viện Mỹ thuật Quảng Châu (Trung Quốc) vừa phải hứng chịu làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận vì giáo trình có nội dung đề cập đồng tính là biểu hiện của “tình dục đồi trụy”.
Giáo trình này nằm trong bài giảng Giáo dục sức khỏe cho sinh viên. Tác giả coi LGBT là “căn bệnh không thể chữa trị” và cho rằng đây là vấn đề về tâm lý.
Cùng đó, cuốn sách hướng dẫn các “bệnh nhân” cách hòa nhập với người khác giới và tránh mơ mộng về chuyện tình đồng tính khi thủ dâm.
Bức ảnh chụp trang sách được lan truyền trên Weibo và nhanh chóng trở thành tâm điểm, nhất là từ cộng đồng LGBT.
“Đồng tính là xu hướng tình dục, không phải căn bệnh. Họ có quyền bình đẳng như tất cả người khác”, một tài khoản bình luận.
Cư dân mạng cho rằng chắc chắn tác giả cuốn sách phải sống ở triều đại nhà Thanh mới có thể suy nghĩ cổ hủ như vậy.
Một nhân viên của nhà xuất bản cuốn sách cho biết họ nhận được rất nhiều khiếu nại và phản hồi tiêu cực sau khi nội dung cuốn sách được đăng tải.
Hiện, Học viện Mỹ thuật Quảng Châu từ chối đưa ra bình luận.
Trước đó, nhiều sách tại Trung Quốc đề cập đồng tính là căn bệnh về tâm lý. Không có luật cấm giảng dạy về LGBT tại các trường học nhưng cộng đồng LGBT rất phẫn nộ. Họ đã biểu tình nhiều năm để thay đổi nội dung trong sách. China Renmin University Press từng phải lên tiếng xin lỗi về việc nội dung sách nhạy cảm khi viết về LGBT.
Năm 2018, một báo cáo cho thấy 45 cuốn sách xuất bản tại Trung Quốc có cái nhìn sai lệch về người đồng tính. Các tác giả đều coi đây là một loại bệnh, biểu hiện của tình dục đồi trụy.
Những cuốn sách không chính xác này vẫn được xuất bản và lưu hành mà không phải chịu bất kỳ chế tài nào. Yang Yi, thành viên một tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ quyền của cộng đồng LGBT, cho biết đây không chỉ là vấn đề về kiến thức của đội ngũ biên tập mà còn là từ phía Bộ giáo dục. Chính họ cũng không hiểu chính xác về LGBT, cẩu thả trong phê duyệt chương trình giảng dạy.
Theo Zing