Khi xã hội hiện đại vẫn chưa cảm thông đúng nghĩa với hoạt động mua bán dịch vụ tình dục, những người hành nghề bán hoa đang mưu cầu quyền lợi gì cho riêng họ? Bút ký ‘Camgirl’, viết bởi văn sĩ – biên kịch Isa Mazzei, cũng là một phụ nữ trẻ từng làm công việc thoát y mua vui qua internet, giúp truyền tải thông điệp thẳng thắn và bình đẳng hơn về ngành dịch vụ sex.
Issa Mazzei là một nhà văn, diễn viên và nhà làm phim. Cô tốt nghiệp khoa Ngữ văn tại đại học công lập Berkeley California. Tại đây, Mazzei cũng đảm trách vị trí tổng biên tập một tạp chí sinh viên chuyên giới thiệu về văn hóa Á Âu, đồng thời thử sức với công việc thiết kế website. Tuy nhiên, trong số nhiều trải nghiệm, ấn tượng hơn cả có lẽ là khoảng thời gian Mazzei làm một camgirl* (nghề mua vui cho đám đông thường bằng những hành động khiêu gợi được truyền phát trực tuyến qua máy quay).
Ở tác phẩm bút ký vừa ra mắt, ‘Camgirl’, việc Mazzei từng thoát y, chơi game hay mua vui cho vô số người xa lạ qua chiếc camera nhằm kiếm thêm thu nhập – được nữ văn sĩ thuật lại theo cách gần như tẻ nhạt, như thể cô đang mô tả bất kì công việc nào khác đã trải qua. Và thiết nghĩ, đây chính là mấu chốt vấn đề.
Isa Mazzei và đạo diễn Daniel Goldhaber, 2 nhà làm phim đứng sau dự án phim ‘Cam’ (Ảnh: Drew Levin)
Thời điểm còn là sinh viên đến sau khi tốt nghiệp, Mazzei viết cô “đã thử đủ mọi công việc, với hy vọng tìm thấy thứ phù hợp cho bản thân”. Cô từng làm thủ thư, nhân viên thiết kế web, giáo viên tiếng Anh, trợ lý studio nghệ thuật, người viết quảng cáo,.. Tuy nhiên, không nghề nào ‘giữ chân’ cô lâu hơn vài tháng.
Thế nhưng, Mazzei tìm đến ngành dịch vụ tình dục không phải vì hứng thú. Cô chọn nó vì cùng một lý do như không ít người khác: cô cho rằng mình có thể làm được. Sự thật đáng ngạc nhiên là, Mazzei thừa nhận bản thân có lúc “sợ hãi sex”. Cô viết, “tôi đơn giản giỏi cuốn hút người đối diện, có lẽ tôi sẽ không phải thấy ghét bỏ tình dục nếu tôi được trả tiền để mua vui cho mọi người”.
Những gì Mazzei tiếp cận khi là camgirl hẳn nhiên không ‘êm ả’ như ý niệm ban đầu cô đặt ra. Dẫu vậy, nhận thức ấy lại tạo nên trải nghiệm sâu sắc và thú vị về thế giới của những phụ nữ hành nghề mua vui trực tuyến, ‘đúc kết’ từ chính một người từng dấn thân vào công việc lắm thị phi này.
Madeline Brewer (Alice Ackerman) trong ‘Cam’ (2018) (Ảnh: Netflix)
Hiện tại, không còn là camgirl, Mazzei tường thuật qua trang sách câu chuyện của cô, hy vọng có thể tạo nên mối cảm thông tốt hơn đối với người hành nghề dịch vụ tình dục. Trước đây, vào năm 2018, nữ văn sĩ đã hoàn thành ‘Cam’ - dự án phim tâm lý kinh dị gây chú ý do chính cô chuyển thể dựa trên trải nghiệm quá khứ.
Bộ phim, phát hành bởi Netflix, xoay quanh Alice Ackerman, một camgirl nổi tiếng luôn ám ảnh trước mục tiêu giữ vị trí số 1 trên website mua vui trực tuyến. Khi tài khoản của Alice bất ngờ bị một nhân vật bí ẩn trông giống hệt cô chiếm đoạt, người phụ nữ trẻ bắt đầu cuốn vào cuộc đấu trí ma quái để tìm ra ai – hay thứ gì – đứng sau vụ trộm danh tính. Alice, đồng thời, buộc phải học cách đánh đổi nhằm tự giải vây cho bản thân.
‘Cam’ với thông điệp về nỗi đau và sự trả đũa, đã ‘tái định hình’ phần nào tư duy manh tính định kiến phổ biến lâu nay liên quan đến ngành dịch vụ sex. Dự án, trên hết, đề cao một thông điệp nghệ thuật thú vị.
(Ảnh: Netflix)
Dàn dựng từ chính trải nghiệm công việc camgirl của Mazzei, ‘Camgirl’ có thể gợi lên một số ấn tượng trùng lấp giữa sách và tác phẩm điện ảnh. Tuy nhiên, trên thực tế, phim chỉ phác họa giai đoạn gần cuối trong câu chuyện về Mazzei. Điều này đồng nghĩa, vẫn còn phần lớn diễn biến nội dung duy nhất được đề cập qua dự án hồi ký, vốn gồm nhiều chi tiết lôi cuốn, thậm chí có thể gây choáng ngợp với những bạn đọc hoàn toàn lạ lẫm trước ngành dịch vụ tình dục.
Chẳng hạn, ở một phân cảnh trên phim, nhân vật nữ chính chăm chú theo dõi ‘show’ trình diễn của những camgirl khác. Với ánh nhìn tập trung, Alice đẩy con mèo cô nuôi xa khỏi màn hình máy tính trong lúc lẩm nhẩm ‘tao phải nghiên cứu’. Chi tiết nhỏ nhưng đủ minh chứng sự nghiêm túc, tận tâm cho công việc nơi Alice.
Với bút ký ‘Camgirl’, tuy nhiên, độc giả được chứng kiến Mazzei tính toán thận trọng ra sao khi quyết định tham gia dịch vụ sex trực tuyến. Cô đã bỏ ra hàng tuần liền quan sát những phụ nữ khác mua vui qua màn hình webcam, ‘đong đếm’ từng ưu - nhược điểm của mỗi camgirl một cách tỉ mỉ.
Điểm nhấn nổi bật trong ‘Camgirl’ nằm ở 2 trang đoạn kết, khi Mazzei thừa nhận, trải qua công việc camgirl và nhiều giờ trị liệu tâm lý, cô cuối cùng đã đủ khả năng đối mặt ký ức từng bị xâm hại tình dục, xảy đến với Mazzei trước đây khá lâu.
Bìa tác phẩm bút ký ‘Camgirl’ (Ảnh: Collider)
Khoảnh khắc cô tiết lộ kỷ niệm đầy khó khăn có thể giúp chúng ta ‘xâu chuỗi’ và thấu hiểu những định kiến ‘xấu xí’ áp đặt lên người hành nghề dịch vụ tình dục – điều nữ văn sĩ đã tiên đoán từ trước. Dẫu vậy, Mazzei nhấn mạnh, dù bản thân có vẻ trông vừa vặn với ‘khuôn mẫu’ định kiến, cô không trở thành camgirl nhằm thách thức tư tưởng kỳ thị. Trên hết, với Mazzei, công việc đặc thù này cho phép cô tạo nên một ‘không gian’ an toàn để khám phá và giải tỏa nỗi ám ảnh về tình dục lâu nay cô phải chịu đựng. Kèm theo đó là một trải nghiệm thuần túy thúc đẩy dấu ấn sáng tạo ở nữ văn sĩ.
Mặt khác, Mazzei nhận xét: không có camgirl nào cô tiếp xúc có cùng một quá khứ, cùng một hoàn cảnh ‘cuốn’ họ vào ngành dịch vụ tình dục. Cũng như cách rất nhiều người chọn gắn bó với công việc đang làm vì vô số lý do khác nhau, một người có lý do của họ khi tìm tới việc mua bán dịch vụ sex, dù là tự nguyện hay bất đắc dĩ.
Mazzei, tuy nhiên, vẫn tin rằng dịch vụ tình dục “là loại hình công việc đầy rẫy sự hy sinh và chịu đựng”, và rằng cô luôn hiểu bản thân vẫn may mắn khi có đặc quyền dừng lại mọi lúc cô muốn, để kiểm soát theo cách cô muốn những gì diễn ra trước camera. Đặc quyền ấy, lặp lại nhiều lần nơi bút ký ‘Camgirl’, gợi nhắc về tinh thần tự chủ phản ánh qua nhân vật cô gái bán hoa trong bộ phim hài lãng mạn nổi tiếng ‘Pretty Woman’ do Julia Roberts thủ vai: “Tôi chọn người tôi muốn. Tôi chọn thời gian. Tôi chọn cách thức”.
Sau cùng, giá trị quan trọng hàng đầu ở ‘Camgirl’ là nỗ lực truyền tải hình ảnh ngành dịch vụ tình dục như bao ngành nghề khác – một công việc về căn bản tương tự như mọi công việc.
Cho dẫu rất ít trong số chúng ta mường tượng bản thân tham gia vào nghề mua vui thể xác, hẳn cũng có ít người muốn sắm vai bác sĩ phẩu thuật hay chính khách. Mazzei đương nhiên không trông đợi độc giả của cô hứng thú trước loại hình công việc bị bủa vây bởi định kiến, nhưng cô càng không mong chúng ta nghĩ đến dịch vụ sex như kiểu ngành nghề cần ‘tái điều chỉnh’. Hơn tất cả, Mazzei kỳ vọng từ công chúng một ánh nhìn bao dung hơn.
Như Ý (dịch từ Observer)