Với giới hạn COVID-19 và lệnh cấm té nước, khách du lịch sẽ giảm chi tiêu làm nền kinh tế Thái Lan thêm suy yếu.

Hủy lễ hội té nước Songkran vì sợ lây lan COVID-19, nền kinh tế Thái Lan thêm suy yếu

Nhân Hoàng | 09/04/2021, 14:22

Với giới hạn COVID-19 và lệnh cấm té nước, khách du lịch sẽ giảm chi tiêu làm nền kinh tế Thái Lan thêm suy yếu.

Thái Lan chuẩn bị bước vào ngày lễ Songkran để chào mừng năm mới của vương quốc vào 13.4. Song cũng giống như năm ngoái, tâm trạng một lần nữa dịu lại khi COVID-19 bùng phát mang theo những hạn chế cấm té nước. Sự thiếu vắng của các lễ kỷ niệm sẽ đè nặng lên nền kinh tế vốn đang suy yếu.

Chính phủ Thái Lan đã hủy bỏ tất cả sự kiện công cộng liên quan đến lễ hội Songkran để ngăn người dân tụ tập đùa giỡn với nước, tiệc tùng và uống rượu bên ngoài. Việc bắn nước để tẩy rửa cơ thể theo nghi lễ có thể trực tiếp truyền chất lỏng giữa người với người và dẫn đến một số lượng lớn ca bệnh COVID-19 mới.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng: “Mọi người sẽ tích đức và chào mừng lễ Songkran ở nhà một cách thận trọng hơn”.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha khẳng định rằng luật về tình trạng khẩn cấp vẫn được áp dụng để đối phó với dịch COVID-19 và tất cả các thống đốc tỉnh được phép ban hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nếu cần. Do đó, năm nay sẽ không còn tiếng cười nói vui vẻ tại sự kiện té nước thường được tổ chức ở các địa điểm nổi tiếng trên khắp Thái Lan, buộc người dân phải ăn mừng lễ Songkran trong im ắng từ 13.4 đến 15.4.

Lễ hội Songkran thường bắt đầu vào ngày 13.4 và kết thúc 2 ngày sau đó. Đầu năm nay, Chính phủ Thái Lan đã chấp thuận thêm một ngày nghỉ vào ngày 12.4 để cho phép người dân có kỳ nghỉ kéo dài gần một tuần, nhằm khuyến khích họ đi du lịch và tiêu tiền để thúc đẩy nền kinh tế. Thế nhưng, sự bùng phát trở lại của COVID-19 đã phá hỏng cơ hội vực dậy nền kinh tế trong thời gian diễn ra lễ hội.

huy-le-hoi-te-nuoc-songkran-vi-so-lay-lan-covid-19-nen-kinh-te-thai-lan-them-suy-yeu3.jpg
Đường Khao San, địa điểm nổi tiếng với lễ hội té nước thu hút người nước ngoài, dự kiến ​​sẽ vắng lặng trong dịp Songkran năm nay, vì không có sự kiện công cộng nào được phép diễn ra

Trong nhiều thế kỷ, Thái Lan đã phát triển dọc theo các bờ sông và điều đó làm cho nước trở thành một biểu tượng quan trọng trong một số nghi lễ quốc gia.

Vào thời xa xưa, Thái Lan tổ chức lễ hội Songkran thông qua hoạt động tích đức dựa trên Phật giáo, với các thế hệ trẻ đổ nước thơm lên tượng Phật để cầu may cũng như đổ nước lên tay người cao tuổi để bày tỏ lòng biết ơn họ.

Kể từ khi lễ hội Songkran rơi vào tháng nóng nhất (tháng 4), một số nhà điều hành kinh doanh khoảng 3 thập kỷ trước đã nhìn thấy cơ hội kiếm tiền bằng cách tổ chức các sự kiện lễ hội liên quan đến té nước. Điều đó đã biến lễ hội truyền thống thành những sự kiện vui nhộn ở một số thành phố. Các sự kiện thường thu hút không chỉ người Thái mà còn cả du khách nước ngoài, tạo ra doanh thu hàng triệu USD mỗi năm.

Tổng cục Du lịch Thái Lan dự báo rằng sự bùng phát COVID-19 có thể cắt giảm chi tiêu của khách du lịch trong lễ hội Songkran năm nay khoảng 2,4 tỉ baht (75 triệu USD), vì nhiều người đã hủy chuyến đi và chỗ ở của họ.

Pisoot Saekool, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Thái Lan, cho biết: “Khoảng 20% ​​số phòng ở các thành phố lớn như Phuket, Pattaya và Hua Hin, những điểm đến nổi tiếng của đất nước, đã bị hủy bỏ.

Thế nên Hiệp hội Khách sạn Thái Lan và Cơ quan Du lịch dự kiến ​​chi tiêu của khách du lịch trong lễ Songkran sẽ giảm xuống còn 9,6 tỉ baht, so với dự báo trước đó là khoảng 12 tỉ baht.

Dù hơn 300.000 liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm cho người Thái, các cụm bệnh đang trỗi dậy đã xuất hiện ở Thủ đô Bangkok và dự kiến ​​sẽ lan rộng khắp đất nước trong kỳ nghỉ lễ Songkran, khi nhiều người thường về quê.

Hiện Thái Lan ghi nhận 30.869 ca mắc COVID-19 với 96 người chết và 28.128 trường hợp phục hồi.

Nhiều quán rượu và nhà hàng ở các thành phố lớn ở Thái Lan tạm thời đóng cửa để duy trì sự giãn cách xã hội nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19.

Theo Trung tâm Quản lý Tình huống COVID-19, chỉ những hoạt động truyền thống như đổ nước thơm lên tượng Phật được cho phép, nhưng ngay cả những việc đó cũng phải duy trì khoảng cách xã hội ít nhất 1,5 mét.

Không có các sự kiện và lễ kỷ niệm công cộng, chi tiêu cho lễ hội từng được kỳ vọng sẽ giúp vực dậy triển vọng kinh tế kém, nay dự báo sẽ giảm đáng kể.

Một cuộc thăm dò do Đại học Phòng Thương mại Thái Lan thực hiện cho thấy lễ Songkran năm nay sẽ ít náo nhiệt hơn vì nhiều người Thái dự định ở nhà. Chi tiêu cho kỳ nghỉ dự kiến ​​sẽ giảm xuống dưới 100 tỷ baht (3,1 tỉ USD).

Con số đó tốt hơn nhiều so với lễ Songkran vào năm 2020 khi hầu như không có chi tiêu do Thái Loan bị phong tỏa, nhưng thấp hơn nhiều so với mức trong những năm bình thường là hơn 135 tỉ baht.

huy-le-hoi-te-nuoc-songkran-vi-so-lay-lan-covid-19-nen-kinh-te-thai-lan-them-suy-yeu33.jpg
Nhiều người chơi súng nước trong lễ Songkran mừng năm mới của người Thái ở Bangkok năm 2014

Đường Khao San ở Bangkok, địa điểm nổi tiếng với lễ hội té nước thu hút người nước ngoài, dự kiến sẽ vắng lặng vì không có sự kiện công cộng nào được phép diễn ra. Các nhà khai thác kinh doanh và thương nhân ở đó dự kiến sẽ mất rất nhiều tiền.

Sa-nga Ruangwattanakul, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh đường Khao San, cho biết lượng khách du lịch dự kiến sẽ giảm mạnh trong năm nay do các hoạt động vui chơi như té nước, bôi bột và tiệc bọt đều bị cấm.

"Trước đại dịch COVID-19, doanh thu trong thời kỳ Songkran là khoảng 100 triệu baht mỗi ngày", Sa-nga nói. Ông dự kiến chỉ khoảng 10 triệu baht sẽ được chi ở đường Khao San trong năm nay.

Bài liên quan
COVID-19 bùng phát ở Thái Lan, Thủ tướng được tín nhiệm cao hơn, kinh tế thiệt hại nặng nề
Đợt tăng đột biến ca mắc COVID-19 của Thái Lan gần đây đang gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á (sau Indonesia) và cuộc sống của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hủy lễ hội té nước Songkran vì sợ lây lan COVID-19, nền kinh tế Thái Lan thêm suy yếu