Indonesia và Nga chuẩn bị hợp tác ở nhiều dự án, dù phương Tây áp nhiều mức trừng phạt Nga.
Một trong các dự án là xây nhà máy lọc dầu ở tỉnh Đông Java của Indonesia. Đây là cuộc hợp tác giữa hai công ty dầu khí nhà nước Pertamina của Indonesia và Rosneft của Nga, để sản xuất nhiên liệu và nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp hóa dầu, theo lời một quan chức cấp cao chính phủ Indonesia nói với báo The Straits Times hôm 1.7.
Quan chức này giám sát dự án và đề nghị giấu tên, nói phía Nga đang đàm phán để được miễn thuế. Trước đó, hai công ty đã lập liên doanh PT Pertamina Rosneft Pengolahan dan Petrokimia, đặt trụ sở ở Jakarta và sẽ quản lý nhà máy New Grass Refinery Root (NGRR) ở Đông Java, với dự kiến mỗi ngày đạt sản lượng 229.000 thùng gasoline, dầu diesel và xăng máy bay.
Dự án này có kinh phí 16 tỉ USD, với Rosneft sở hữu 45 % và 55 % của Pertamina. Khi xây xong, dự án sẽ giúp Indonesia giảm lệ thuộc nguồn nhiên liệu nhập khẩu vốn đang có giá tăng cao.
Thời gian qua, chính phủ Indonesia áp dụng kế hoạch trợ giá xăng dầu để giữ giá bán phải chăng ở các trạm xăng trong nước. Theo các nhà quan sát, đấy là một động thái để duy trì ổn định chính trị- xã hội, vào lúc nhiều người trong tổng số 270 triệu dân Indonesia vẫn còn phải chịu tác động của dịch COVID-19.
Ngày 1.7, Sứ quán Nga ở Jakarta cũng cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã đề nghị công ty đường sắt Russian Railways của Nga đầu tư vào thủ đô mới của Indonesia ở vùng Kalimantan. Thủ đô mới có tên Nusantara sẽ khởi công xây dựng trong tháng 8 tới, sau những trì hoãn vì dịch COVID-19.
Các công ty năng lượng Nga cũng muốn đến Indonesia để đầu tư, nhất là phát triển điện hạt nhân để cung cấp điện. Indonesia thường bị thiếu điện, nhất là ở các vùng Kalimantan và Sulawesi.
Nga đã xoay trục sang châu Á và châu Phi, sau khi phương Tây trừng phạt Nga với cớ Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Gần đây, Tổng thống Putin đã có cuộc gặp Tổng thống Joko Widodo của Indonesia hôm 30.6. Nhà lãnh đạo Indonesia cũng đã gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 29.6, và đã chuyển thông điệp của ông Zelensky gửi ông Putin.
Tổng thống Widodo không cho biết chi tiết thông điệp này, nói Indonesia mong đợi cuộc chiến ở Ukraine sẽ sớm kết thúc. Ông cũng kêu gọi “tất cả các nhà lãnh đạo phục hồi tinh thần xây dựng”.
Indonesia đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên G-20 trong năm 2022, sẽ tổ chức hội nghị của 20 nền kinh tế lớn tại Bali vào tháng 11 tới. Indonesia sẽ tìm cách cân bằng các quyền lợi của từng thành viên, nhất là vào lúc các nước phương Tây dọa tẩy chay cuộc gặp thượng đỉnh này và vận động tẩy chay Nga, đòi loại ông Putin khỏi hội nghị thượng đỉnh.
Ông Putin tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome vào tháng 10 năm ngoái, qua hình thức trực tuyến do đại dịch COVID-19.