Dự kiến Threads sẽ trình làng vào ngày 6.7 tới.
Mới đây, một số người phát hiện ra ứng dụng mới có tên Threads được liệt kê trên cửa hàng ứng dụng Google Play dành cho Android. Alessandro Paluzzi (nhà phát triển di động người Ý đảo ngược mã Instagram để tiết lộ các thử nghiệm nội bộ) đã đăng thông tin về ứng dụng này.
Threads dường như chỉ khả dụng ở các quốc gia châu Âu như Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Đức.
Hiện tại, ứng dụng Threads được mô tả như sau: “Threads là nơi các cộng đồng cùng nhau thảo luận về mọi thứ, từ những chủ đề bạn quan tâm hôm nay cho đến những chủ đề sẽ thịnh hành vào ngày mai. Dù quan tâm đến vấn đề gì, bạn có thể theo dõi và kết nối trực tiếp với những nhà sáng tạo yêu thích và những người khác có cùng sở thích, hoặc xây dựng một cộng đồng người hâm mộ trung thành của riêng bạn để chia sẻ ý tưởng, quan điểm và sự sáng tạo của bạn với thế giới”.
Theo trang Insider, Threads trông rất giống với Twitter. Threads sẽ hoạt động tương tự Twitter, với các bài đăng dựa trên văn bản có thể thích, nhận xét và chia sẻ. Mọi người sẽ có thể theo dõi các tài khoản từng theo dõi trên Instagram và giữ nguyên tên người dùng của họ.
Vào tháng 6, trang The Verge đã đăng tải các ảnh chụp màn hình bị rò rỉ của Threads, cũng như thông tin chi tiết từ cuộc họp nội bộ của Chris Cox - Giám đốc sản phẩm Meta Platforms.
Theo The Verge, Threads đã được phát triển từ tháng 1. Threads sẽ tích hợp một giao thức phi tập trung tương tự như Bluesky và Mastodon, hai đối thủ cạnh tranh với Twitter.
Instagram được cho đang mời người nổi tiếng như nữ hoàng truyền thông Oprah cùng những người có ảnh hưởng để đưa họ vào nhóm dùng thử sớm Threads.
Hồi tháng 5, Giám đốc điều hành Meta Platforms - Mark Zuckerberg đã hé lộ về sự xuất hiện của ứng dụng này trong một phiên hợp tác với Giám đốc điều hành Instagram - Adam Mosseri trên Broadcast Channel, bằng cách gửi một tin nhắn thoại rằng: "Không có ứng dụng văn bản bí mật nào mà bạn muốn nói đến hôm nay sao?".
Theo trang Platformer, Adam Mosseri đang giám sát việc ra mắt Threads.
Threads của Instagram khác với ứng dụng cùng tên trước đó, được ra mắt như công cụ nhắn tin vào năm 2019 và ngừng hoạt động hồi 2021.
Meta Platforms có lịch sử tung ra các ứng dụng độc lập tồn tại trong thời gian ngắn, cựu Giám đốc sản phẩm Instagram - Eric Wei nói với trang Insider trong cuộc phỏng vấn gần đây.
"Chúng tôi chưa bao giờ làm cho các ứng dụng riêng lẻ này thành công", Eric Wei nhấn mạnh, sử dụng ứng dụng giúp tải lên và xem video dài IGTV của Instagram làm ví dụ.
IGTV được Instagram ra mắt vào năm 2018 với mục đích là cạnh tranh với YouTube. Chưa đầy một năm sau, nội dung IGTV đã được quảng cáo rầm rộ trong Instagram, với các video hiển thị trên trang Khám phá và các bản xem trước. Năm 2020, Instagram đã loại bỏ nút đưa người dùng đến nội dung IGTV trong ứng dụng chính, với lý do rất ít người sử dụng nó. Cuối năm 2021, công ty đã thông báo rằng IGTV đã được đổi tên thành Instagram TV rồi thành IGTV. Hồi tháng 3.2022, Instagram thông báo sẽ không còn hỗ trợ IGTV.
Song có một cơ hội rất rõ ràng cho Meta Platforms và Instagram ở đây (khi tung ra Threads), Eric Wei nói thêm.
Daniel Morgan, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại công ty Synovus Trust, nói với Insider: “Đó là ý tưởng tốt hơn rất nhiều thứ khác đã xuất hiện gần đây trên Meta Platforms. Đó là cơ hội tuyệt vời để họ lấp đầy khoảng trống đó khi Twitter đang trải qua quá trình chuyển đổi như vậy".
Theo hãng tin Bloomberg, Threads dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 6.7.
Threads sẽ tách biệt với Instagram nhưng cho phép người dùng kết nối tài khoản, theo Lia Haberman, người dạy tiếp thị xã hội và có ảnh hưởng tại Đại học California ở thành phố Los Angeles (Mỹ). Cuối tháng 5, bà Lia Haberman đã đăng ảnh chụp màn hình mô tả sơ bộ về ứng dụng này. Threads có thể tương thích với các ứng dụng cạnh tranh với Twitter, gồm cả Mastodon, theo ảnh chụp màn hình của Lia Haberman.
Việc Elon Musk tiếp quản Twitter và gây ra sự hỗn loạn khiến một số người dùng tìm kiếm các lựa chọn thay thế, đồng thời tạo ra cơ hội trên thị trường.
Lia Haberman cho biết: “Từ trước đến nay, chúng tôi biết Meta thích thử nghiệm và tái tạo các tính năng từ các ứng dụng cùng công cụ bên thứ ba dựa trên những gì họ dự đoán sẽ được người dùng yêu thích”.
Bà lưu ý rằng Elon Musk đã nói về việc biến Twitter thành “ứng dụng tất cả trong một”, với rất nhiều tính năng ngoài đăng thông tin (tweet).
“Dựa trên lịch sử của Meta vay mượn tính năng từ các nền tảng khác, nhiều khả năng họ sẽ đạt được mục tiêu đó bằng cách kết hợp tất cả trải nghiệm đang xây dựng”, Lia Haberman nói thêm.
Vào tháng 3, trang Platformer đưa tin Meta Platforms đang lên kế hoạch phát triển mạng xã hội tập trung vào văn bản nhằm cạnh tranh với Twitter.
"Chúng tôi đang nghiên cứu mạng xã hội phi tập trung độc lập, chuyên về chia sẻ thông tin dưới dạng văn bản. Chúng tôi tin có cơ hội xây dựng không gian tách biệt, cho phép người sáng tạo nội dung và người nổi tiếng đăng thông tin một cách kịp thời", phát ngôn viên Meta Platforms nói.
Theo trang CNBC, dự án mang tên mã P92, được phát triển thành ứng dụng riêng biệt, nhưng cho phép người dùng đăng nhập bằng tài khoản Instagram. Động thái này có thể giúp Meta Platforms thu hút một phần người dùng Twitter. Nhiều người đang rời bỏ mạng xã hội của Elon Musk do có nhiều thay đổi về quy định trên nền tảng.
Đây là một phần trong nỗ lực của Meta Platforms nhằm mở rộng các sản phẩm ngoài Facebook, WhatsApp và Instagram, đồng thời thâm nhập lĩnh vực do Twitter thống trị.
Facebook, Instagram và Twitter đều là mạng xã hội. Tuy nhiên, Facebook ra đời với mục đích giúp kết nối người dùng, có nhiều tính năng đa dạng như viết status, đăng ảnh, video, chơi game.
Instagram thiên về chia sẻ ảnh, còn Twitter được xây dựng xung quanh việc đăng những thông điệp ngắn.
Hôm 21.4, Elon Musk bình luận châm biếm Mark Zuckerberg sau tin đồn Meta Platforms có thể sớm ra mắt một phiên bản cạnh tranh với Twitter mang tên Threads.
Tỷ phú công nghệ viết trên Twitter rằng việc Meta Platforms ra mắt một nền tảng như vậy sẽ dẫn đến Trái đất "hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Mark Zuckerberg mà không có sự lựa chọn khác".
Một người dùng Twitter đã bình luận tweet này rằng: "Hãy cẩn thận @elonmusk, tôi nghe nói cậu ta giờ đang học jiu jitsu đấy". Elon Musk liền đáp: "Tôi sẵn lòng tham gia trận đấu trong lồng sắt nếu cậu ta muốn".
Jiu jitsu là nhu thuật, dùng sự khéo léo, uyển chuyển của cơ thể để chế ngự sức mạnh của đối thủ. Jiu jitsu không phải là một môn võ riêng lẻ mà tổng hợp các kỹ năng đỉnh cao trong nhiều môn phái võ thuật cổ truyền của người Nhật Bản.
Không lâu sau đó, Mark Zuckerberg đã đăng thông điệp trên Instagram chấp nhận lời thách đấu từ Elon Musk và đề nghị "gửi địa điểm cho tôi".
Dana White, ông chủ của công ty tổ chức các trận đấu tay đôi UFC (Ultimate Fighting Championship), cho biết Mark Zuckerberg và Elon Musk "hoàn toàn nghiêm túc" về việc đấu võ sau khi nói chuyện với cả hai qua điện thoại. Ông dự đoán trận đấu tay đôi này sẽ phá vỡ mọi kỷ lục về số tiền cho mỗi lượt xem và sẽ tạo ra doanh thu hàng tỉ USD.
“Đây sẽ là trận đấu lớn chưa từng có trong lịch sử thế giới về quy mô và doanh thu so với bất cứ trận so găng nào. Elon Musk và Mark Zuckerberg sẽ phá vỡ mọi kỷ lục về tiền bản quyền cho mỗi lượt xem”, Dana White nhận định.
Dana White cho biết kỷ lục về vé xem một trận UFC đắt nhất từ trước đến nay là cặp đấu thế kỷ giữa Conor McGregor và Floyd Mayweather diễn ra vào năm 2017, mang lại doanh thu hơn 600 triệu USD cho công ty.
Hiện một vé xem tiêu chuẩn của UFC có giá 80 USD. Với trận so găng giữa hai tỷ phú công nghệ, Chủ tịch UFC dự kiến sẽ nâng mức giá lên đến 100 USD cho mỗi lượt xem.
“Tôi đã nói chuyện với Mark và Elon, cả hai đều nghiêm túc về việc này. Không có giới hạn về hiệu ứng truyền thông mà trận đấu này có thể tạo ra", Dana White tiết lộ.