Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới (WAIC) thường niên diễn ra tại thành phố Thượng Hải trong tuần này để giới thiệu tham vọng AI của Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ ngày càng sâu sắc với Mỹ.

Hội nghị AI lớn nhất Trung Quốc sắp khai mạc, Qualcomm là nhà tài trợ duy nhất từ Mỹ

Sơn Vân | 03/07/2023, 22:51

Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới (WAIC) thường niên diễn ra tại thành phố Thượng Hải trong tuần này để giới thiệu tham vọng AI của Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ ngày càng sâu sắc với Mỹ.

Được tổ chức bởi một số Bộ của chính phủ, WAIC đã thu hút các công ty và tổ chức AI hàng đầu Trung Quốc.

Kéo dài từ ngày 6.7 đến 8.7, WAIC chủ yếu có các công ty và diễn giả Trung Quốc. Một số tên tuổi quốc tế lớn không tham gia WAIC, trong đó có OpenAI - công ty khởi nghiệp Mỹ tạo ra ChatGPT.

Với các cơ quan quản lý trong nước đề cập đến những rủi ro liên quan đến generative AI, việc cho phép ChatGPT và các dịch vụ tương tự như Google Bard vào thị trường Trung Quốc không khả thi, tạo nên một “khu vườn kín” khác trong Great Firewall (Tường lửa vĩ đại) có thể mang lại lợi ích cho các hãng công nghệ lớn địa phương.

Theo chính quyền Thượng Hải, sự kiện này đã thu hút hơn 400 doanh nghiệp, ít nhất 30 trong số đó là nhà phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn của riêng họ, công nghệ thúc đẩy các sản phẩm như ChatGPT.

Một số hãng công nghệ lớn nằm trong số 10 “đối tác chiến lược” hoặc nhà tài trợ chính của sự kiện. Alibaba, Ant Group (đơn vị công nghệ tài chính của Alibaba) và Tencent Holdings đều có tên trong danh sách đó. Huawei và SenseTime (đều bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt) cũng tài trợ cho hội nghị này.

Các đối tác chiến lược khác trong danh sách là Bank of Communications (Ngân hàng Truyền thông), Citic Group (công ty đầu tư), Transwarp (nhà phát triển phần mềm cơ sở hạ tầng dữ liệu lớn), China Telecom và China Mobile (nhà khai thác viễn thông nhà nước).

Dù không phải là đối tác chiến lược, gã khổng lồ thiết kế chip di động Qualcomm là công ty Mỹ duy nhất tài trợ cho sự kiện này với tư cách 1 trong 22 “đối tác ưu tú”. Đây là sự thay đổi đáng chú ý so với trước đại dịch COVID-19.

Tại WAIC năm 2019, IBM, Microsoft và Amazon Web Services đều là đối tác chiến lược, trong khi Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla) là một trong những diễn giả nổi tiếng nhất.

Các công ty bán dẫn lo ngại về những hạn chế leo thang của Mỹ với việc xuất khẩu chip sang Trung Quốc. Thế  nhưng, sự lo lắng về việc tài trợ cho một hội nghị AI ở quốc gia châu Á cho thấy các công ty Mỹ đang bước đi thận trọng xung quanh những gì đã trở thành lĩnh vực chính trị - quân sự.

Chính quyền Biden có kế hoạch thắt chặt kiểm soát xuất khẩu từng được triển khai trước đó vào tháng 10.2022, để hạn chế việc bán một số chip AI cho Trung Quốc. Các hạn chế mới sẽ khiến việc bán hàng sang Trung Quốc mà không có giấy phép sẽ trở nên khó khăn hơn và một phần nhắm vào chip A800 của Nvidia.

A800 là phiên bản giảm hiệu suất được Nvidia cung cấp cho khách hàng ở Trung Quốc, sau khi Mỹ vào tháng 9.2022 ra lệnh cho Nvidia ngừng xuất khẩu hai loại chip tiên tiến nhất của họ là A100 và H100 sang quốc gia châu Á. 

Dù tránh tài trợ cho WAIC 2023, một số hãng công nghệ lớn của Mỹ vẫn tham gia sự kiện, gồm cả Apple, Amazon, Microsoft và Tesla. Họ sẽ thảo luận về các chủ đề bao gồm mô hình ngôn ngữ lớn, chất bán dẫn, trí tuệ khoa học, robot, metaverse, lái xe tự động và blockchain.

hoi-nghi-ai-lon-nhat-trung-quoc-sap-khai-mac-voi-qualcomm-la-nha-tai-tro-duy-nhat-tu-my.jpg
Nữ nhân viên tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới ở Thượng Hải nhìn vào robot - Ảnh: Reuters

WAIC đã được tổ chức hàng năm tại thành phố Thượng Hải kể từ 2018, nơi các hãng công nghệ có cơ hội giao lưu với các quan chức Trung Quốc. Ông Lưu Hạc, cựu Phó thủ tướng Trung Quốc, là người phát biểu khai mạc sự kiện khai mạc 5 năm trước.

WAIC 2023 liệt kê 8 cơ quan chính phủ với tư cách là nhà đồng tài trợ, gồm chính quyền nhân dân thành phố Thượng Hải; Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia; Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin; Bộ Khoa học và Công nghệ; Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc; Viện Khoa học Trung Quốc; Học viện Kỹ thuật Trung Quốc; Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.

Trong bối cảnh cuộc chạy đua AI được khơi mào bằng việc OpenAI giới thiệu ChatGPT vào tháng 11.2022, Thượng Hải đã tìm cách trở thành trung tâm trong các mục tiêu của Trung Quốc với ngành này với một kế hoạch đầy tham vọng nhằm thu hút hàng chục ngàn nhân viên công nghệ.

Trong Hội nghị các nhà phát triển AI toàn cầu kéo dài hai ngày vào tháng 2, các quan chức Thượng Hải đã tái cam kết thu hút 20.000 đến 30.000 nhân viên và 500 doanh nghiệp liên quan đến AI vào năm 2025.

Động thái này diễn ra khi Thượng Hải cố gắng hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chính của ngành AI Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với Mỹ và cuộc chạy đua công nghệ được kích hoạt bởi ChatGPT.

Mục tiêu này đã được Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, một trong những cơ quan quản lý lớn của ngành công nghiệp công nghệ của Trung Quốc, ủng hộ.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Thượng Hải, phát huy đầy đủ những ưu thế của nó và duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu", Ren Aiguang, Phó giám đốc Khoa học và Công nghệ của Bộ, nói.

Li Zheng, Phó thị trưởng Thượng Hải, cho biết: “Thành phố chân thành chào đón các doanh nghiệp hạng nhất, đội ngũ sáng tạo và tài năng xuất sắc trong lĩnh vực AI ở Trung Quốc và nước ngoài chọn Thượng Hải làm ngôi nhà của họ”.

Thượng Hải hiện có số lượng doanh nghiệp thiết kế chip thông minh lớn nhất cả nước, đặt nền móng cho việc phát triển các công nghệ tạo nội dung bằng AI (AIGC) có thể được kiểm soát, theo Zhang Ying, Phó giám đốc Ủy ban Kinh tế và Công nghệ Thông tin Thượng Hải do nhà nước hậu thuẫn. Tuy nhiên, Thượng Hải cần đẩy nhanh sự phát triển của ngành vì thành phố này vẫn thua xa nước ngoài về công nghệ AIGC cốt lõi, Zhang Ying cho biết. Theo E Weinan, học giả tại Học viện Khoa học Trung Quốc, việc thiếu tài năng thuật toán hàng đầu và một hệ thống đổi mới hoàn chỉnh cũng đang làm chậm quá trình phát triển.

Sở hữu 1/3 tài năng AI ở Trung Quốc, Thượng Hải đã vạch ra kế hoạch chi tiết vào tháng 8.2022 để thúc đẩy ngành công nghiệp AI của mình, phác thảo các biện pháp khác nhau để thúc đẩy tinh thần kinh doanh và củng cố chuỗi cung ứng.

Khoảng 100 hãng công nghệ, gồm cả SenseTime (nhà cung cấp phần mềm AI được niêm yết tại Hồng Kông), Enflame Technology và Horizon Robotics (hai công ty khởi nghiệp chip AI), TuSimple (hãng vận chuyển bằng xe tải tự động đến từ thành phố San Diego, Mỹ), mang lại tổng sản lượng ước tính tương đương 2,85 tỉ nhân dân tệ (410 triệu USD) vào năm 2021, theo chính quyền địa phương.

Vào tháng 1.2022, SenseTime cho biết đã mở một trung tâm dữ liệu AI trong khu vực, cơ sở lớn nhất thuộc loại này ở châu Á, giúp mở rộng sức mạnh tính toán của công ty lên gấp 4 lần.

Bài liên quan
OpenAI bị kiện vi phạm quyền riêng tư vì thu thập bí mật 300 tỉ từ trên internet huấn luyện AI
Hãng luật Clarkson đang tiến hành vụ kiện tập thể chống lại OpenAI, cáo buộc công ty này vi phạm nghiêm trọng bản quyền và quyền riêng tư của vô số người khi sử dụng dữ liệu thu thập được từ internet để huấn luyện công nghệ của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nghị AI lớn nhất Trung Quốc sắp khai mạc, Qualcomm là nhà tài trợ duy nhất từ Mỹ