Intel đã trình bày chi tiết về phiên bản mới chip trí tuệ nhân tạo (AI) Gaudi 3 tại sự kiện Vision hôm 9.4 nhắm vào vị thế thống trị của Nvidia trong lĩnh vực bán dẫn cung cấp năng lượng cho AI.
Thế giới số

Intel trình bày chi tiết về chip AI Gaudi 3 thách thức sự thống trị của Nvidia

Sơn Vân 10/04/2024 11:00

Intel đã trình bày chi tiết về phiên bản mới chip trí tuệ nhân tạo (AI) Gaudi 3 tại sự kiện Vision hôm 9.4 nhắm vào vị thế thống trị của Nvidia trong lĩnh vực bán dẫn cung cấp năng lượng cho AI.

Các hãng công nghệ đang săn lùng một nguồn thay thế chip khan hiếm cần thiết cho AI. Intel cho biết chip mới Gaudi 3 của hãng có khả năng đào tạo một mô hình ngôn ngữ lớn cụ thể nhanh hơn 50% so với chip Nvidia H100.

Gaudi 3 cũng có khả năng tính toán các phản hồi AI tạo sinh, quá trình được gọi là suy luận, nhanh hơn so với Nvidia H100 với một số mẫu mà Intel đã thử nghiệm.

Tuy nhiên vào tháng trước, Nvidia đã trình làng chip AI mới B200 Blackwell có tốc độ xử lý một số tác vụ nhanh hơn 30 lần so với H100. Nvidia thông báo B200 Blackwell dự kiến ​​sẽ xuất xưởng vào cuối năm 2024. Ông Jensen Huang, Giám đốc điều hành Nvidia, nói với trang CNBC rằng B200 Blackwell sẽ có giá từ 30.000 đến 40.000 USD (gần 1 tỉ đồng). Song sau đó, ông nói rằng Nvidia sẽ đưa B200 Blackwell vào các hệ thống máy tính lớn hơn và giá sẽ thay đổi tùy theo giá trị mà chúng mang lại.

Jeni Barovian, Phó chủ tịch phụ trách chiến lược và quản lý sản phẩm của Intel, nói: “Ưu tiên hàng đầu của khách hàng chúng tôi là yêu cầu có sự lựa chọn trong ngành. Họ đang tìm đến chúng tôi và mong đợi rằng Intel, với tư cách là nhà tiên phong về điện toán, sẽ đi theo làn sóng AI tạo sinh và cung cấp các giải pháp đáp ứng nhu cầu của họ. Họ đang tìm kiếm một cách tiếp cận cởi mở".

Intel và AMD đã phải vật lộn để tạo ra một chip hấp dẫn và phần mềm cần thiết để xây dựng các ứng dụng AI có thể trở thành giải pháp thay thế khả thi cho Nvidia. Nvidia kiểm soát khoảng 83% thị trường chip trung tâm dữ liệu vào năm 2023, phần lớn trong số 17% còn lại thuộc về các bộ xử lý tensor (TPU) tùy chỉnh của Google mà hãng này không bán trực tiếp.

Intel đã sử dụng quy trình 5 nanomet của TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới của Đài Loan) để chế tạo chip.

Gaudi 3 gồm hai chip xử lý chính được hợp nhất với nhau và nhanh hơn gấp đôi phiên bản trước đó. Gaudi 3 được thiết kế để kết hợp với hàng ngàn chip khác và khi thực hiện như vậy có thể tạo ra một lượng sức mạnh tính toán khổng lồ.

Gaudi 3 sẽ có sẵn cho các nhà xây dựng máy chủ như Supermicro và Hewlett Packard Enterprise vào quý 2/2024.

intel-trinh-bay-chi-tiet-ve-chip-ai-gaudi-3-thach-thuc-su-thong-tri-cua-nvidia.jpg
Intel cho biết chip Gaudi 3 có khả năng đào tạo một mô hình ngôn ngữ lớn cụ thể nhanh hơn 50% so với Nvidia H100 - Ảnh: Intel

Cố bắt kịp TSMC trong lĩnh vực sản xuất chip theo hợp đồng

Hôm 2.4, Intel tiết lộ khoản lỗ ngày càng tăng với hoạt động kinh doanh sản xuất chip của mình, một đòn giáng mạnh vào công ty Mỹ khi đang cố gắng giành lại vị trí dẫn đầu đã mất những năm gần đây vào tay TSMC.

Intel cho biết đơn vị sản xuất chip lỗ 7 tỉ USD trong hoạt động kinh doanh vào năm 2023, lớn hơn mức lỗ 5,2 tỉ USD của năm 2022. Đơn vị sản xuất chip của Intel có doanh thu 18,9 tỉ USD vào năm 2023, giảm 31% so với mức 27,49 tỉ USD của 2022.

Trong buổi thuyết trình với các nhà đầu tư, Pat Gelsinger (Giám đốc điều hành Intel) cho biết 2024 sẽ là năm thua lỗ tồi tệ nhất với hoạt động kinh doanh sản xuất chip của họ và hãng dự kiến sẽ hòa vốn trên cơ sở hoạt động vào khoảng năm 2027.

Ông nói hoạt động kinh doanh sản xuất chip của Intel đang bị ảnh hưởng bởi những quyết định sai lầm, gồm cả việc không sử dụng máy in thạch bản cực tím (EUV) từ công ty ASML. Máy EUV của ASML (Hà Lan) không thể thiếu để sản xuất những chip cao cấp nhất. Dù có giá hơn 150 triệu USD nhưng máy EUV sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn so với các công cụ sản xuất chip trước đây.

Một phần hậu quả của những sai lầm này khiến Intel phải thuê các nhà sản xuất hợp đồng, gồm cả TSMC, gia công khoảng 30% tổng số wafer (đĩa bán dẫn), Pat Gelsinger nói. Intel đặt mục tiêu giảm tỷ lệ này xuống khoảng 20%.

Intel hiện đã chuyển sang sử dụng máy EUV, công cụ này sẽ đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu sản xuất hơn khi các máy cũ bị loại bỏ.

Pat Gelsinger nói: “Trong kỷ nguyên hậu EUV, chúng tôi thấy rằng đang rất cạnh tranh về giá cả, hiệu suất và trở lại vị trí dẫn đầu. Trong thời kỳ tiền EUV, chúng tôi phải chịu rất nhiều chi phí và không có tính cạnh tranh".

Intel đã đầu tư rất nhiều để bắt kịp các đối thủ sản xuất chip chính của mình là TSMC và Samsung Electronics.

Cuối tháng 3, Tổng thống Mỹ - Joe Biden thông báo cấp cho Intel gần 20 tỉ USD dưới hình thức trợ cấp 8,5 tỉ USD và cho vay 11 tỉ USD lãi suất thấp để tăng sản lượng chip ở Mỹ. Đây là khoản chi lớn nhất của chính phủ Mỹ hỗ trợ ngành sản xuất chip.

Một phần kinh phí sẽ được sử dụng để Intel xây hai nhà máy mới và mở rộng quy mô của nhà máy hiện có. Ông Joe Biden cho biết khoản đầu tư này sẽ "cho phép ngành sản xuất chất bán dẫn tiên tiến quay trở lại Mỹ sau 40 năm".

"Đó là sự đầu tư thông minh, là một trong những khoản đầu tư lớn nhất từ ​​trước đến nay của khu vực tư nhân trong lịch sử bang Ohio và Arizona. Nguồn tài trợ lịch sử này sẽ được sử dụng để xây dựng các cơ sở sản xuất chất bán dẫn mới, hiện đại hoá và mở rộng các cơ sở hiện có. Kết hợp lại, nó sẽ tạo ra gần 20.000 việc làm trong ngành xây dựng, 10.000 việc làm thuộc lĩnh vực sản xuất, trong đó có 3.000 việc làm ngay tại thành phố Pheonix (bang Arizona), với mức lương trung bình trên 100.000 USD/năm”, ông Biden thông báo.

Sau khi nhận được khoản trợ cấp trên, Intel cho biết có kế hoạch đầu tư 100 tỉ USD vào các dự án xây mới và mở rộng nhà máy ở 4 bang của Mỹ. Kế hoạch xoay chuyển tình thế kinh doanh này phụ thuộc vào việc thuyết phục các công ty bên ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất chip của Intel.

Trọng tâm kế hoạch phát triển của Intel trong 5 năm tới là biến những cánh đồng hoang gần thành phố Columbus (bang Ohio, Mỹ) thành “nhà máy sản xuất chip AI lớn nhất thế giới” bắt đầu từ năm 2027.

Intel cũng đặt mục tiêu nâng cấp các nhà máy ở bang New Mexico và Oregon, đồng thời mở rộng hoạt động ở Arizona.

Theo giới phân tích, khoản chi kỷ lục cho ngành sản xuất chip cho thấy chính quyền Biden đang đặt cược vào Intel trong cuộc đua phát triển chip.

Khoản chi này là một phần của Đạo luật Chips and Science (chips và khoa học) được Tổng thống Joe Biden ban hành năm 2022, nhằm thúc đẩy sản lượng chip trong nước. Đạo luật bao gồm khoản trợ cấp 52,7 tỉ USD, trong đó có 39 tỉ USD cho hoạt động sản xuất chip và 11 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển.

Dù dẫn đầu về thiết kế chip và phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn làm nền tảng cho ứng dụng AI, Mỹ không tự sản xuất hoặc đóng gói các chip tiên tiến cần thiết để AI vận hành, kể cả những chip cần thiết cho lĩnh vực quốc phòng.

Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nêu rõ Mỹ sẽ không thể dẫn đầu thế giới với tư cách quốc gia hàng đầu về công nghệ và đổi mới nếu không thể tự sản xuất chip.

Chính phủ Mỹ kỳ vọng chương trình trợ cấp sẽ giúp tăng thị phần chip tiên tiến của Mỹ lên 20% vào cuối thập kỷ này, từ mức 0% hiện nay.

Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kế hoạch tài trợ trực tiếp cho nhà sản xuất chip GlobalFoundries 1,5 tỉ USD để thúc đẩy sản xuất chip trong nước.

Hôm 8.4, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ trao cho đơn vị tại Mỹ của TSMC khoản trợ cấp 6,6 tỉ USD để hoạt động sản xuất chất bán dẫn tiên tiến ở thành phố Phoenix (bang Arizona) và khoản vay lên tới 5 tỉ USD của chính phủ với lãi suất thấp.

TSMC đã đồng ý mở rộng khoản đầu tư theo kế hoạch của mình từ 40 tỉ USD thêm 25 tỉ USD lên 65 tỉ USD và bổ sung nhà máy thứ ba ở Arizona vào năm 2030, Bộ Thương mại Mỹ tiết lộ khi công bố về khoản trợ cấp sơ bộ.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết TSMC sẽ sản xuất chip công nghệ 2 nanomet tiên tiến nhất thế giới tại nhà máy thứ hai ở Arizona, dự kiến bắt đầu vào năm 2028.

TSMC, nhà cung cấp chip chính cho các công ty Mỹ như Apple, Nvidia và AMD, trước đó từng công bố kế hoạch đầu tư 40 tỉ USD vào bang Arizona. Tập đoàn Đài Loan dự kiến ​​sẽ bắt đầu sản xuất số lượng lớn chip tại nhà máy đầu tiên của mình ở bang Arizona vào nửa đầu năm 2025, theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ.

Bộ này cho biết khoản đầu tư trị giá hơn 65 tỉ USD của TSMC là khoản đầu tư bên ngoài lớn nhất vào một dự án hoàn toàn mới trong lịch sử Mỹ.

TSMC ở Arizona cũng đã cam kết hỗ trợ phát triển khả năng đóng gói tiên tiến thông qua các đối tác ở Mỹ để cho phép khách hàng mua chip tiên tiến được sản xuất hoàn toàn trên đất Mỹ. Bộ Thương mại cho biết 70% khách hàng của TSMC là các công ty Mỹ.

C.C. Wei, Giám đốc điều hành TSMC, nói tập đoàn Đài Loan sẽ giúp các hãng công nghệ Mỹ “kích hoạt những đổi mới của họ bằng cách tăng cường năng lực cho công nghệ tiên tiến thông qua TSMC ở Arizona”.

Bộ Thương mại Mỹ kỳ vọng các dự án sẽ tạo ra 6.000 việc làm sản xuất chip trực tiếp và 20.000 công việc xây dựng. Ngoài ra, Bộ này cho biết 14 nhà cung cấp trực tiếp của TSMC có kế hoạch xây dựng hoặc mở rộng các nhà máy ở Mỹ.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, khi hoạt động hết công suất, ba nhà máy của TSMC ở Arizona sẽ sản xuất hàng chục triệu chip hàng đầu trong smartphone 5G/6G, ô tô tự hành và máy chủ trung tâm dữ liệu AI.

"Thông qua 3 nhà máy ở Arizona, TSMC sẽ hỗ trợ các khách hàng Mỹ quan trọng như Apple, Nvidia, AMD và Qualcomm bằng cách giải quyết nhu cầu năng lực hàng đầu của họ, giảm thiểu các vấn đề về chuỗi cung ứng và cho phép họ cạnh tranh hiệu quả trong kỷ nguyên chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra”, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố.

Theo các nguồn tin của Reuters, Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ công bố khoản trợ cấp dành cho Samsung Electronics (Hàn Quốc) ngay trong tuần tới. Samsung Electronics (hãng sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới) không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.

Bài liên quan
Intel thách thức Qualcomm, Nvidia bằng chip AI dùng cho ô tô
Hãng Reuters dẫn lời Intel ngày 9.1 thông báo hãng sẽ ra mắt SoC trí tuệ nhân tạo (AI) phiên bản dùng cho ô tô mới nhất, cạnh tranh với Qualcomm và Nvidia ở thị trường sản phẩm bán dẫn đang phát triển mạnh mẽ này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
10 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Intel trình bày chi tiết về chip AI Gaudi 3 thách thức sự thống trị của Nvidia