Bộ Thương mại Mỹ hôm 8.4 thông báo sẽ trao cho đơn vị tại Mỹ của TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới) khoản trợ cấp 6,6 tỉ USD để hoạt động sản xuất chất bán dẫn tiên tiến ở thành phố Phoenix (bang Arizona) và khoản vay lên tới 5 tỉ USD của chính phủ với lãi suất thấp.
Thế giới số

Hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới nhận 11,6 tỉ USD trợ cấp và khoản vay từ Mỹ cho 3 nhà máy

Sơn Vân 08/04/2024 17:25

Bộ Thương mại Mỹ hôm 8.4 thông báo sẽ trao cho đơn vị tại Mỹ của TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới) khoản trợ cấp 6,6 tỉ USD để hoạt động sản xuất chất bán dẫn tiên tiến ở thành phố Phoenix (bang Arizona) và khoản vay lên tới 5 tỉ USD của chính phủ với lãi suất thấp.

TSMC đã đồng ý mở rộng khoản đầu tư theo kế hoạch của mình từ 40 tỉ USD thêm 25 tỉ USD lên 65 tỉ USD và bổ sung nhà máy thứ ba ở Arizona vào năm 2030, Bộ Thương mại Mỹ tiết lộ khi công bố về khoản trợ cấp sơ bộ.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết TSMC (Đài Loan) sẽ sản xuất chip công nghệ 2 nanomet tiên tiến nhất thế giới tại nhà máy thứ hai ở Arizona, dự kiến bắt đầu vào năm 2028.

Bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, nói: “Đây là những chip làm nền tảng cho tất cả trí tuệ nhân tạo (AI) và là thành phần cần thiết cho những công nghệ mà chúng ta cần để củng cố nền kinh tế của mình, nhưng thành thật mà nói là chúng hỗ trợ cho cả bộ máy quân sự và an ninh quốc gia của thế kỷ 21”.

TSMC, nhà cung cấp chip chính cho các công ty Mỹ như Apple, Nvidia và AMD, trước đó từng công bố kế hoạch đầu tư 40 tỉ USD vào bang Arizona. Tập đoàn Đài Loan dự kiến ​​sẽ bắt đầu sản xuất số lượng lớn chip tại nhà máy đầu tiên của mình ở bang Arizona vào nửa đầu năm 2025, theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ.

Bộ này cho biết khoản đầu tư trị giá hơn 65 tỉ USD của TSMC là khoản đầu tư bên ngoài lớn nhất vào một dự án hoàn toàn mới trong lịch sử Mỹ.

Vào năm 2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật Chips and Science (chips và khoa học) để thúc đẩy sản lượng bán dẫn trong nước với 52,7 tỉ USD trợ cấp cho nghiên cứu và sản xuất. Các nhà làm luật Mỹ còn phê duyệt khoản vay của chính phủ trị giá 75 tỉ USD.

TSMC ở Arizona cũng đã cam kết hỗ trợ phát triển khả năng đóng gói tiên tiến thông qua các đối tác ở Mỹ để cho phép khách hàng mua chip tiên tiến được sản xuất hoàn toàn trên đất Mỹ. Bộ Thương mại cho biết 70% khách hàng của TSMC là các công ty Mỹ.

C.C. Wei, Giám đốc điều hành TSMC, nói tập đoàn Đài Loan sẽ giúp các hãng công nghệ Mỹ “kích hoạt những đổi mới của họ bằng cách tăng cường năng lực cho công nghệ tiên tiến thông qua TSMC ở Arizona”.

Bộ Thương mại Mỹ kỳ vọng các dự án sẽ tạo ra 6.000 việc làm sản xuất chip trực tiếp và 20.000 công việc xây dựng. Ngoài ra, Bộ này cho biết 14 nhà cung cấp trực tiếp của TSMC có kế hoạch xây dựng hoặc mở rộng các nhà máy ở Mỹ.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, khi hoạt động hết công suất, ba nhà máy của TSMC ở Arizona sẽ sản xuất hàng chục triệu chip hàng đầu trong smartphone 5G/6G, ô tô tự hành và máy chủ trung tâm dữ liệu AI.

"Thông qua ba nhà máy ở Arizona, TSMC sẽ hỗ trợ các khách hàng Mỹ quan trọng như Apple, Nvidia, AMD và Qualcomm bằng cách giải quyết nhu cầu năng lực hàng đầu của họ, giảm thiểu các vấn đề về chuỗi cung ứng và cho phép họ cạnh tranh hiệu quả trong kỷ nguyên chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra”, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố.

tsmc-hang-san-xuat-chip-theo-hop-dong-so-1-the-gioi-nhan-11-6-ti-usd-tro-cap-va-khoan-vay-tu-my-cho-3-nha-may.jpg
Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ trao cho đơn vị tại Mỹ của TSMC khoản trợ cấp 6,6 tỉ USD để hoạt động sản xuất chất bán dẫn tiên tiến ở bang Arizona và khoản vay lên tới 5 tỉ USD của chính phủ với lãi suất thấp - Ảnh: Reuters

Tháng trước, Bộ này đã công bố khoản trợ cấp 8,5 tỉ USD và khoản vay lãi suất thấp lên tới 11 tỉ USD cho Intel (Mỹ) để sản xuất chip tiên tiến nhất, từ cùng một chương trình.

Theo các nguồn tin của Reuters, Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ công bố khoản trợ cấp dành cho Samsung Electronics (Hàn Quốc) ngay trong tuần tới. Samsung Electronics (hãng sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới) không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.

TSMC nói doanh thu năm 2024 không bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở Đài Loan

TSMC đóng vai trò to lớn trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu nên trận động đất lớn nhất 25 năm xảy ra ở Đài Loan hôm 3.4 từng làm dấy lên lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung. Tuy nhiên, TSMC cho biết doanh thu cả năm 2024 của họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi trận động đất này, làm thị trường bớt lo ngại về việc nguồn cung chất bán dẫn toàn cầu bị ảnh hưởng.

“TSMC duy trì kế hoạch tăng trưởng doanh thu cả năm với mức phần trăm từ thấp đến trung bình 20% từng được đưa ra tại hội nghị các nhà đầu tư tổ chức vào tháng 1.2024”, tập đoàn Đài Loan tuyên bố.

Ngoài một số dây chuyền sản xuất ở những khu vực chịu ảnh hưởng mạnh, các nhà máy của TSMC phần lớn đã được phục hồi hoàn toàn vào hôm 5.4. TSMC cho biết đang đánh giá đầy đủ tác động và thông báo những cập nhật cần thiết cho khách hàng.

Ngoài TSMC, Đài Loan còn là quê hương của các nhà sản xuất chip khác như UMC, Vanguard International Semiconductor và Powerchip Semiconductor Manufacturing.

Việc áp dụng các quy định xây dựng nghiêm ngặt và sự sẵn sàng ứng phó thảm họa trên diện rộng được đã giúp Đài Loan ngăn chặn được một thảm kịch động đất thậm chí có thể nghiêm trọng hơn.

Cụ thể, các quy định chặt chẽ hơn, gồm cả các yêu cầu nâng cao về địa chấn trong xây dựng và nhận thức rộng rãi về thảm họa của người dân, dường như đã giúp ngăn chặn hậu quả có thể lớn hơn rất nhiều từ trận động đất này.

Đài Loan là nơi sản xuất hàng đầu các chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, gồm cả bộ xử lý của những chiếc iPhone mới nhất và chip đồ họa Nvidia dùng để đào tạo các mô hình AI, chẳng hạn GPT-4 của OpenAI.

TSMC đã trở thành trụ cột ngành công nghệ vì là công ty tiên tiến nhất trong việc sản xuất các chip phức tạp. Đài Loan là nguồn cung cấp khoảng 80 - 90% chip cao cấp nhất, không sản phẩm nào ở nơi khác có thể thay thế.

Jan-Peter Kleinhans, Giám đốc dự án công nghệ và địa chính trị tại tổ chức nghiên cứu Stiftung Neue Verantwortung có trụ sở tại Berlin (Đức), đã gọi Đài Loan là “điểm yếu tiềm ẩn quan trọng nhất” trong ngành bán dẫn.

AI là lĩnh vực công nghệ nóng nhất hiện nay và các nhà lãnh đạo từ Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI) đến Jensen Huang (Giám đốc điều hành Nvidia) đã cảnh báo về tình trạng thiếu chip cần thiết để đào tạo các dịch vụ AI mới. Tất cả đơn đặt hàng chip AI của Nvidia hiện đều được chuyển đến TSMC nên ngay cả những gián đoạn ngắn ngủi với sản lượng chip cao cấp trong nhà máy của công ty Đài Loan cũng có thể gây ra hậu quả.

Việc sản xuất chip cực kỳ phức tạp và trong nhiều thập kỷ, TSMC đã chọn tập trung các nhà máy của mình ở Đài Loan để các kỹ sư có thể làm việc cùng nhau, điều chỉnh máy móc và chia sẻ chuyên môn của họ. TSMC thành công đến mức vượt qua các đối thủ như Intel và Samsung Electronics để trở thành hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới. Tuy nhiên trước những lo ngại về an ninh ngày càng tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng (chẳng hạn do đại dịch COVID-19 từng gây ra), các chính phủ ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã kêu gọi TSMC đa dạng hóa về mặt địa lý.

Ngoài những cơ sở hiện có tại Đài Loan, Trung Quốc và bang Washington (Mỹ), TSMC đang xây dựng các nhà máy chip ở bang Arizona (Mỹ), Nhật Bản và Đức, nhưng những dây chuyền sản xuất đó sẽ cần thời gian để hoạt động.

Các công ty Mỹ, gồm cả Micron Technology (hãng chip nhớ số 1 Mỹ), vẫn duy trì các hoạt động chính ở Đài Loan.

Trước khi xảy ra trận động đất, TSMC phải chạy đua đào tạo nhân sự cho tất cả nhà máy sản xuất chip của mình do nhu cầu toàn cầu không ngừng tăng. Với nhu cầu chip tăng theo cấp số nhân, TSMC cùng các khách hàng của mình đều cần nhanh chóng giao hàng. Việc đảm bảo nguồn cung không đứt gãy cũng rất quan trọng với Tổng thống Mỹ Joe Biden do ông đang trông cậy vào TSMC để vực dậy ngành sản xuất tại bang Arizona.

Nhu cầu cực lớn về chip AI giúp Nvidia trở thành công ty được các nhà đầu tư yêu thích. Giá cổ phiếu Nvidia đã tăng khoảng 600% kể từ cuối năm 2022, giúp hãng chip lớn nhất thế giới có trụ sở tại thành phố Santa Clara (bang California, Mỹ) đạt vốn hóa thị trường 2.200 tỉ USD, chỉ đứng sau Microsoft và Apple. Theo số liệu từ hãng New Street Research, Nvidia chiếm khoảng 95% thị phần bộ xử lý đồ họa (GPU).

Bài liên quan
TSMC vào top 10 công ty giá trị nhất thế giới lần đầu kể từ năm 2020 sau đợt tăng giá cổ phiếu kỷ lục nhờ AI
TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới) đã lọt vào top 10 công ty giá trị nhất thế giới do sự lạc quan về trí tuệ nhân tạo (AI) đẩy giá cổ phiếu lên mức kỷ lục.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới nhận 11,6 tỉ USD trợ cấp và khoản vay từ Mỹ cho 3 nhà máy