Chỉ trong vòng 1 tuần, một nửa nước Afghanistan đã rơi vào tay lực lượng Taliban, và vòng vây đang siết chặt thủ đô Kabul. Bắt đầu xuất hiện tâm lý lo ngại cuộc trả thù đẫm máu.

Người dân Afghanistan lo ngại cuộc trả thù đẫm máu khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul

Anh Tú | 14/08/2021, 17:18

Chỉ trong vòng 1 tuần, một nửa nước Afghanistan đã rơi vào tay lực lượng Taliban, và vòng vây đang siết chặt thủ đô Kabul. Bắt đầu xuất hiện tâm lý lo ngại cuộc trả thù đẫm máu.

Trước làn sóng tiến quân thần tốc của lực lượng Taliban, các gia đình chạy nạn đang đổ về Kabul để tìm nơi ẩn náu khỏi cuộc giao tranh hoặc sự kiểm soát của Taliban. Các nhân chứng nói rằng lực lượng Taliban tại vùng mới chiếm đã bắt ép các cô gái trẻ và phụ nữ phải chịu cảnh cưỡng hôn.

Gần 120.000 người Afghanistan đã chạy trốn khỏi các vùng nông thôn và thị trấn đến tỉnh Kabul kể từ đầu năm nay, cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết hôm 13.8. Các công viên tại Kabul đang trở thành trại tị nạn.

kabul.jpeg
Một "trại" tị nạn ở Kabul - Ảnh: Internet

Nhiều người Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ, bày tỏ sự đau khổ, sợ hãi và giận dữ trước sự sụp đổ nhanh chóng của đất nước, đặc biệt là trước sự rút lui đột ngột của Mỹ đã gây sụp đổ tinh thần cho lực lượng vũ trang Afghanistan.

Sara Wahedi, cựu quan chức chính phủ Afghanistan và là giám đốc điều hành của Ehtesab - một ứng dụng bảo mật mới hoạt động, cho biết: “Ngày nay, mọi thứ đã thay đổi. Gia đình tôi đang thảo luận về những gì nên đóng gói, những gì để bán, những gì cần bỏ lại và những tuyến đường để ra khỏi Kabul".

Muska Dastageer, một giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Mỹ ở Afghanistan, viết trên Twitter: “Khoảnh khắc này cảm thấy là hết thật rồi. Hàng chục triệu người trong chúng ta sẽ không bao giờ trở lại. Từng có một niềm tin vào một tương lai, vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Và điều đó đang bị nghiền nát ngay bây giờ”.

Shafiqa Khpalwak, giám đốc của một tổ chức Afghanistan thúc đẩy việc xóa mù chữ cho trẻ em, cho biết: “Mọi người đều phản bội chúng tôi. Họ giữ chúng tôi trong bóng tối và họ để lại cho chúng tôi bóng tối. Tôi chắc chắn rằng hàng triệu người Afghanistan cũng cảm thấy như vậy”.

Tổ chức Theo dõi nhân quyền đã kêu gọi cộng đồng toàn cầu mở cửa tị nạn cho những người Afghanistan có nguy cơ đặc biệt, gồm cả những phụ nữ nổi tiếng, nhân viên làm việc cho nước ngoài, các nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo.

Nhóm thúc giục: “Các chính phủ nước ngoài nên ưu tiên cung cấp thị thực và giúp đảm bảo việc đi lại an toàn cho dân thường mà Taliban có thể nhắm đến để trả thù do công việc của họ trong quá khứ”.

Cuối hôm qua 13.8, Canada thông báo đang mở rộng chương trình tái định cư cung cấp nơi trú ẩn cho 20.000 người Afghanistan có nguy cơ bị ​​Taliban trả thù, nhưng không đưa ra mốc thời gian để thực hiện điều này.

Đồng thời, chính quyền nhiều nước phương Tây cũng cảnh báo Taliban sẽ bị cô lập nếu cướp chính quyền tại Afghanistan. Các đặc sứ của Mỹ, Nga, Trung Quốc về xung đột Afghanistan và của nhiều nước khác, hôm 12.8 đã kêu gọi thúc đẩy tiến trình hòa bình tại quốc gia này, nhấn mạnh tình hình rất cấp bách và kêu gọi các bên ngưng ngay lập tức các vụ tấn công nhắm vào thủ phủ các tỉnh và các thành phố khác trong cả nước.

Thông cáo chung của các vị đặc sứ được đưa ra từ Doha, Qatar, sau cuộc gặp với các nhà đàm phán của chính phủ Afghanistan và đại diện của lực lượng Taliban. Các đặc sứ cũng tái khẳng định các nước sẽ không công nhận bất kỳ chính phủ nào tại Afghanistan nắm quyền "thông qua việc sử dụng lực lượng quân sự". Nhưng trong lúc các đặc sứ họp thì Taliban vẫn tiến quân và vẫn chiếm thêm các thành phố.

Còn theo Reuters, Hội đồng Bảo an LHQ hôm qua thảo luận việc trừng phạt lực lượng Taliban về các cuộc tấn công gây thiệt hại cho rất nhiều thường dân, gây nguy hiểm cho hòa bình và gây bất ổn cho Afghanistan. Dự thảo của Hội đồng Bảo an khẳng định không ủng hộ và không thừa nhận chính quyền Afghanistan được lập nên thông qua vũ lực, cũng như không thừa nhận Vương quốc Hồi giáo Afghanistan.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân Afghanistan lo ngại cuộc trả thù đẫm máu khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul