Nhóm G7 chuẩn bị đặt giá trần với dầu Nga nhằm làm giảm nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga.

Kế hoạch đặt giá trần với dầu Nga dần thành hình

Cẩm Bình | 13/09/2022, 13:31

Nhóm G7 chuẩn bị đặt giá trần với dầu Nga nhằm làm giảm nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga.

Nhiều quan chức G7 gồm cả Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đảm bảo kế hoạch không làm giảm nguồn cung dầu Nga cho thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo họ quyết tâm đáp trả bằng cách cắt nguồn cung năng lượng với quốc gia đặt giá trần.

Nước nào tham gia kế hoạch?

Thành viên G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) đang hoàn thiện kế hoạch. G7 muốn thu hút quốc gia khác hưởng ứng đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc - hai nước tăng cường nhập khẩu dầu Nga từ lúc cuộc chiến tại Ukraine nổ ra.

Dù cho Ấn Độ và Trung Quốc không hưởng ứng, giá trần có thể giúp châu Á lẫn nhiều nơi khác mua được hàng giá thấp. Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Ben Harris ngày 9.9 tuyên bố nếu Trung Quốc mua dầu Nga với giá giảm 30 - 40% thì đã là một “chiến thắng” rồi.

Trong hướng dẫn ban hành ngày 9.9, Mỹ cho biết giá trần sẽ được đặt ra dựa trên sự đồng thuận. Mỗi thành viên G7 lần lượt nhận vai trò lãnh đạo tạm thời khi kế hoạch bắt đầu.

understanding-design-of-oil-tanker-ships.png
Phương Tây hy vọng giá trần với dầu Nga sẽ làm giảm nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng của Moscow - Ảnh: Marine Insight

Mức giá trần

Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Ben Harris cho biết phải chờ đến vài tuần trước lúc kế hoạch bắt đầu (ngày 5.12) mới có quyết định cuối cùng.

Công ty nghiên cứu thị trường ClearView Energy Partners dự báo giá trần ở mức 40 - 60 USD/thùng. Giới phân tích chỉ ra ngưỡng trên (60 USD) đúng với giá gốc của dầu thô Nga, còn ngưỡng dưới (40 USD) hợp với chi phí sản xuất biên.

Quốc gia hưởng ứng kế hoạch nhưng có quan hệ kinh tế và quân sự lâu dài với Nga có thể đặt giá trần cao hơn. Nếu đặt thấp quá thì dầu Nga sẽ chiếm mất thị phần dầu của Ả Rập Saudi và một số nước xuất khẩu khác.

Theo chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường Rapidan Energy Group Bob McNally: “Mức giá trần sẽ được quyết định bởi cả lý do số lượng lẫn lý do chất lượng”.

Dịch vụ hàng hải

Với kế hoạch đặt giá trần, đơn vị mua hàng phải chứng minh được họ mua dầu và sản phẩm từ dầu của Nga ở mức bằng hoặc thấp hơn giới hạn, nếu không họ sẽ không thể sử dụng dịch vụ hàng hải (bảo hiểm, tài chính, môi giới…) do phương Tây kiểm soát.

G7 tin tưởng kế hoạch sẽ có hiệu quả. Câu lạc bộ Bảo vệ - Bồi thường quốc tế trụ sở tại Luân Đôn cung cấp bảo hiểm trách nhiệm hàng hải cho khoảng 95% đội tàu chở dầu toàn cầu.

Vẫn có đội tàu mua bảo hiểm từ Nga hoặc bên không phải phương Tây có thể vận chuyển dầu Nga bán trên giá trần. Không rõ bao nhiêu thương cảng chấp nhận số tàu này.

Giáo sư Craig Kennedy thuộc Đại học Harvard nhận định G7 có động lực thực thi kế hoạch dài hạn. Số lượng tàu chở dầu Nga không đủ đáp ứng lượng xuất khẩu lớn của nước này. Nếu Nga không muốn bán dưới giá trần thì phải thu hẹp sản xuất, làm vậy khiến các mỏ dầu của nước gánh thêm chi phí về lâu dài.

Nga có thể đáp trả ra sao?

Lời đe dọa cắt nguồn cung năng lượng với quốc gia đặt giá trần mà Tổng thống Putin đưa ra làm dấy lên lo ngại giá năng lượng tăng trước cuối năm.

Giá cao cũng đem lại rủi ro cho Tổng thống Joe Biden trước thềm bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ. Đảng Dân chủ của ông hy vọng duy trì được quyền kiểm soát Quốc hội.

Trưởng bộ phận hàng hóa chiến lược toàn cầu công ty dịch vụ tài chính RBC Capital Markets Helima Croft bày tỏ lo ngại Tổng thống Putin hành động mạnh tay gây ra vấn đề với các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác.

Thực thi kế hoạch

Bộ Tài chính Mỹ khuyến cáo các công ty dịch vụ cảnh giác trước dấu hiệu đơn vị mua dầu gian lận, chẳng hạn hành vi vận tải lừa đảo, từ chối cung cấp thông tin về giá, chi phí dịch vụ cao bất thường.

Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cuối tuần trước cảnh báo trường hợp làm giả tài liệu, che giấu nguồn gốc hay giá dầu sẽ phải đối mặt với luật pháp quốc gia áp giá trần.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kế hoạch đặt giá trần với dầu Nga dần thành hình