Trong một cuộc chiến tranh tiêu hao, thắng thua được quyết định bởi nguồn cung đạn dược.

Kho đạn dược quyết định kết quả cuộc chiến tại Ukraine?

Cẩm Bình | 12/09/2022, 17:42

Trong một cuộc chiến tranh tiêu hao, thắng thua được quyết định bởi nguồn cung đạn dược.

Thông tin về cuộc chiến tại Ukraine thường chỉ xoay quanh các hệ thống vũ khí hiện đại đem lại hy vọng xoay chuyển tình thế, chẳng hạn như máy bay không người lái TB2, tên lửa chống tăng Javelin, hệ thống pháo cơ động cao HIMARS. Nhưng khi cuộc chiến kéo dài thành chiến tranh tiêu hao, chiến thắng là vấn đề của nguồn cung đạn dược (đạn pháo, rocket, tên lửa).

Suốt nhiều tháng, người ta tin rằng nền tảng quốc phòng lớn mạnh, kho vũ khí và đạn dược dồi dào đem lại cho Nga lợi thế trong một cuộc chiến kéo dài. Nhưng mới đây có thông tin tình báo Mỹ xác định Moscow đang mua đạn pháo cùng rocket từ CHDCND Triều Tiên.

Ngoài lượng đạn dược lớn mà Nga tiêu hao cho cuộc chiến, chiến lược tấn công kho đạn dược Nga của Ukraine dường như đã đạt hiệu quả lớn. Ngay tháng đầu tiên đưa HIMARS vào sử dụng, Kyiv tuyên bố phá hủy được 50 kho đạn dược.

Ukraine cũng gặp vấn đề về nguồn cung đạn dược. Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Alina Frolova cho biết tuy hệ thống vũ khí hiện đại phương Tây cung cấp giúp Ukraine thu hẹp khoảng cách về năng lực chiến đấu, nhưng lo ngại lớn nhất vẫn là đạn dược. Loạt viện trợ quân sự cho Ukraine có đạn dược, tuy nhiên nguồn cung này không phải vô hạn.

1653570699-769.jpg
Đạn dược của hai bên đều đang cạn dần - Ảnh: Getty Images

Kho đạn của Nga

Nga dường như đang thiếu hụt trầm trọng các loại đạn dược tiên tiến như tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và vài vũ khí dẫn đường chính xác khác, chủ yếu do họ phụ thuộc công nghệ nhập khẩu từ phương Tây (chẳng hạn như chip).

Các lệnh trừng phạt từ phương Tây ban hành đặc biệt nhắm vào công nghệ mà ngành công nghiệp quốc phòng Nga cần để sản xuất khí tài. Và chúng phát huy tác dụng, Thủ tướng Ukraine xác định Nga chỉ còn 40 tên lửa siêu thanh.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo không nên quá tin vào các thông tin lạc quan. Nhà nghiên cứu David E.Johnson thuộc tổ chức RAND Corporation - cựu sĩ quan pháo binh Mỹ - lo ngại phương Tây đang lấy suy nghĩ của mình áp đặt lên Nga.

“Họ không chiến đấu giống như chúng ta. Họ dùng hết thứ mà chúng tôi sẽ dùng khi chiến đấu, vì vậy mà chúng ta kết luận họ cạn kiệt mọi thứ. Nhưng thực tế thì quân Nga đang sử dụng rất hiệu quả vũ khí không dùng công nghệ dẫn đường để phá hủy một số thành phố Ukraine”, theo nhà nghiên cứu Johnson.

Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh (RUSI) vào tháng 7 từng công bố báo cáo xác định mỗi ngày Nga bắn đến 20.000 quả đạn pháo 152 mm - phần lớn không dùng công nghệ dẫn đường. Kho đạn pháo Nga còn đủ dùng qua vài năm và ngành công nghiệp quốc phòng Nga đủ sức sản xuất thêm.

Đây là điều khiến thông tin Moscow mua đạn pháo cùng rocket từ Triều Tiên trở nên đáng chú ý. Số khí tài này không phải đạn dược tiên tiến mà là loại đạn dược cũ thời Liên Xô mà Nga có rất nhiều.

Ngoài tin mua đạn pháo cùng rocket từ Triều Tiên, thời gian gần đây còn có thông tin Nga dùng cả đạn dược Belarus và chuyển vũ khí từ Syria về nước. Tất cả cho thấy nguồn cung đạn dược phía Nga đang căng thẳng khi cuộc chiến kéo dài.

russia.jpg
Nga dùng rất nhiều đạn pháo - Ảnh: Business Insider

Nhiều suy đoán về thông tin Nga mua đạn dược Triều Tiên

Chuyên gia Frederick Kagan thuộc Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ (AEI) nhận định: “Lý do duy nhất khiến Nga phải mua đạn pháo cùng rocket từ Triều Tiên hay từ bất cứ nước nào khác là vì Tổng thống Vladimir Putin không muốn hoặc không thể huy động nền kinh tế Nga phục vụ cho chiến tranh”.

Nhà phân tích quân sự Matthew Cancian lại cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận. Nguồn cung Triều Tiên có thể nhằm giải quyết nhu cầu ngắn hạn trong lúc Nga thiết lập dây chuyền sản xuất phục vụ nhu cầu dài hạn.

Tiến sĩ Jack Watling - đồng tác giả báo cáo RUSI tháng 7 - thừa nhận bản thân đã đánh giá kho đạn dược cũng như năng lực điều tiết tốc độ tiêu hao đạn dược ngắn hạn của Nga quá cao, nhưng ông tin sản lượng đạn dược không dùng công nghệ dẫn đường sẽ sớm tăng lên đảm bảo nguồn cung lâu dài.

Và có những dấu hiệu củng cố niềm tin trên. 

Quốc hội Nga vào tháng 7 thông qua luật cho phép các công ty cung cấp trang thiết bị cho quân đội yêu cầu lao động tăng ca ban đêm, cuối tuần lẫn ngày nghỉ. Tổng thống Putin sau đó bổ nhiệm thân tín Denis Manturov giữ chức Phó thủ tướng phụ trách quản lý ngành công nghiệp quốc phòng.

Trong khi đó, nhà phân tích quốc phòng Pavel Luzin thuộc Đại học Tufts hoài nghi khả năng Nga tăng được đáng kể sản lượng. Ông chỉ ra hàng loạt vấn đề mà ngành công nghiệp quốc phòng nước này đang gặp phải: thiếu lao động lành nghề, thiết bị xuống cấp, phụ thuộc linh kiện nước ngoài, cấu trúc tổ chức quá tập trung.

Dựa theo tính toán của riêng mình, nhà phân tích Luzin nhận định quân Nga phải giảm sử dụng đạn pháo để đủ dùng cho đến cuối năm 2022.

Kho đạn của Ukraine

Ukraine luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược trong suốt cuộc chiến. RUSI tính toán phía Kyiv mỗi ngày chỉ bắn 6.000 quả đạn pháo.

Lúc cuộc chiến mới bắt đầu, kho đạn dược Ukraine đã không còn nhiều do nhiều năm giao tranh với lực lượng ly khai ở Donbas, cũng như do loạt vụ cháy nổ năm 2017 phá hủy khoảng 32.000 tấn đạn pháo.

Nỗ lực đảm bảo đạn dược gặp khó khi hầu hết pháo Ukraine sử dụng đều dùng đạn 152 mm, trong khi NATO dùng đạn 155 mm. Vì vậy, trong vài tháng đầu tiên Kyiv phải ráo riết lùng sục loại đạn dược thích hợp, còn phương Tây chạy đua cung cấp hệ thống vũ khí tiêu chuẩn NATO.

Một số viện trợ Mỹ dành cho Ukraine là hình thức cấp tiền để Kyiv tùy ý sắm khí tài, bên cạnh trang bị cùng vũ khí lấy từ kho dự trữ của Washington. Tính đến ngày 24.8, Mỹ đã cung cấp 806.000 quả đạn pháo 155 mm. Nhưng với tốc độ tiêu hao 6.000 quả/ngày thì lượng đạn chỉ đủ dùng 4 tháng rưỡi. Các gói viện trợ sau sẽ cung cấp thêm.

Lo ngại về nguồn cung đạn dược thúc đẩy Ukraine theo đuổi chiến thuật tấn công kho đạn dược Nga và dùng mô hình bệ phóng rocket làm Nga lãng phí tên lửa hành trình, cũng như mở đợt phản công ở miền nam đất nước. Kyiv cần tận dụng ưu thế hỏa lực còn dồi dào.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kho đạn dược quyết định kết quả cuộc chiến tại Ukraine?