Ngày 1.9, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến điều hành sản xuất tháng 9.2016 tại hai điểm cầu Hà Nội và Hạ Long.

Khai thác được 24 triệu tấn, Tập đoàn Than thu về 64.000 tỉ đồng

tuyetnhung | 02/09/2016, 07:08

Ngày 1.9, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến điều hành sản xuất tháng 9.2016 tại hai điểm cầu Hà Nội và Hạ Long.

Báo cáo từ Ban Kế hoạch của TKV cho thấy, trong 8 tháng đầu năm, than nguyên khai sản xuất đạt 24,4 triệu tấn; than thành phẩm đạt 23,1 triệu tấn; than tiêu thụ đạt 23 triệu tấn. Chỉ tiêu bốc xúc đất đá đạt 95,2 triệu mét khối; đào 155.241 mét lò. Các ngành sản xuất khoáng sản, điện, thuốc nổ, trung bình đều đạt trên65% kế hoạch năm. Doanh thu toàn tập đoàn ước tínhđạt 64.135 tỉ đồng, đạt 58% kế hoạch năm và 97% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, TKV cũng cho biết,công tác thu hồi công nợ được thực hiện khả quan hơn, giảm được mức dư vay ngắn hạn. Nhập khẩu than được giãn tiến độ, phù hợp với tiến độ tiêu thụ trong nước vànăng lựckho bãi của các đơn vị trong tập đoàn.

Theo đó, trong tháng 9 tới, TKV dự kiến đạt chỉ tiêu sản xuất than nguyên khai đạt 2,4 triệu tấn, tiêu thụ 2,6 triệu tấn, xuất khẩu 60 ngàn tấn than; bóc tổng số 10 triệu mét khối đất đá và đào tổng số 21.000 mét lò. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm alumina, tinh quặng đồng, sản xuất điện và vật liệu nổ công nghiệp.

Về tình hình triển khai nhiệm vụ tháng 9 và 3 tháng cuối năm, Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải yêu cầu các đơn vị thực hiện giữ mức than tồn kho sao cho đảm bảo năng lực sản xuất trong hai năm tới, giữ vững ổn định đội ngũ lao động, thị trường và nhà cung cấp.

Bên cạnh đó, lãnh đạo TKV cũng nhấn mạnh, cần tập trung vào kế hoạch kỹ thuật, có sự bám sát và điều chỉnh linh hoạt với kế hoạch sản xuất kinh doanh nhằm cân đối năng lực lao động, trong đó chú trọng vào khu vực miền tây, ưu tiên công tác nối thông đường lò từ Đồng Vông sang Vàng Danh, đảm bảo an ninh, trật tự, hiệu quả.

Về tình hình sản xuất, ông Hải yêu cầu lãnh đạo liên ba mỏ Đèo Nai - Cao Sơn - Cọc 6 và mỏ Mông Dương cần chủ động tìm ra các giải pháp như áp dụng các công nghệ mới về đào lò; nâng cao năng lực vận tải trong lò; sớm quyết toán tài nguyên cho kế hoạch trung hạn và dài hạn.

Liên quan đến chiến lược phát triển đểxây dựng ngành than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh cao, có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực, vào ngày 31.8 vừa qua, Bộ Công thương đã tổ chức buổi công bố Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam.

Bản Quy hoạch ngành than Việt Nam chỉ rõ tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 sẽ vào khoảng 269.003 tỉ đồng, bình quân khoảng 17.934 tỉ đồng/năm. Trong đó, giai đoạn đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư sẽ vào khoảng hơn 95.000 tỉ đồng (bình quân hơn 19.000 tỉ đồng/năm); Giai đoạn 2021-2030 nhu cầu vốn đầu tư sẽ vào hơn 172.000 tỉ đồng (bình quân 17.000 tỉ đồng/năm). Vốn đầu tư phát triển ngành than theo Quy hoạch dự kiến thu xếp từ các nguồn vốn tự có, vốn vay thương mại, vay ưu đãi và huy động qua thị trường chứng khoán và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Về khai thác than, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành than trong các giai đoạn của quy hoạch sẽ rơi vào khoảng 41- 44 triệu tấn vào năm 2016; 47 - 50 triệu tấn vào năm 2020; 51 - 54 triệu tấn vào năm 2025 và 55 - 57 triệu tấn vào năm 2030. Trong đó, bể than sông Hồng giai đoạn 2021-2030 thực hiện dự án thử nghiệm sẽ làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển mỏ với quy mô công nghiệp; phấn đấu đạt sản lượng than thương phẩm quy đổi khoảng 0,5 - 1,0 triệu tấn vào năm 2030.

Về tổn thất than, quy hoạch phấn đấu đến 2020 sẽ giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống khoảng 20% và dưới 20% sau năm 2020; tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp lộ thiên xuống khoảng 5% và dưới 5% sau năm 2020.

Trước bối cảnh hiện nay đối mặt với nhiều khó khăn như tài nguyên hạn chế, giá năng lượng nói chung và giá than nói riêng giảm, đại diện Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết đối với chính sách nhà nước, sẽ xây dựng cơ chế đặc thù đủ điều kiện cho quy hoạch ngành than đúng như hiện hành.

Ngoài ra, cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động điều tra cơ bản, thăm dò, đánh giá tài nguyên và trữ lượng than trong nước để chuẩn bị cho sự phát triển bền vững của ngành; Nghiên cứu phát triển, ứng dụng các công nghệ tiến bộ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than; áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý tiên tiến để giảm tỷ lệ tổn thất trong khai thác than.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khai thác được 24 triệu tấn, Tập đoàn Than thu về 64.000 tỉ đồng