Cái mà người ta bắt gặp ở Trịnh Công Sơn là tình yêu đối với mỹ nhân rất nhiều, nhưng dường như là yêu đơn phương và đứt gánh giữa đường, kể cả hôn nhân cũng vậy, nhân duyên - của ông tựa như trong lời một bài hát: “Những hẹn hò từ nay khép lại/Thân nhẹ nhàng như mây.../Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời/Như một lời chia tay (“Như một lời chia tay” - Trịnh Công Sơn).

Khánh Ly - Trịnh Công Sơn và mối tình '2 kẻ du ca'

Một Thế Giới | 10/02/2015, 22:07

Cái mà người ta bắt gặp ở Trịnh Công Sơn là tình yêu đối với mỹ nhân rất nhiều, nhưng dường như là yêu đơn phương và đứt gánh giữa đường, kể cả hôn nhân cũng vậy, nhân duyên - của ông tựa như trong lời một bài hát: “Những hẹn hò từ nay khép lại/Thân nhẹ nhàng như mây.../Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời/Như một lời chia tay (“Như một lời chia tay” - Trịnh Công Sơn).

Chuyện tình như tiểu thuyết
Dường như không khí thời đại đã thôi thúc ông trong việc sáng tác, và một cuộc gặp gỡ định mệnh giữa ông với ca sĩ Khánh Ly, người thể hiện tuyệt vời những nhạc phẩm của ông, đã làm nên tên tuổi cả hai từ đó.
Theo Bửu Ỷ, vào năm 1965 tại Đà Lạt, tình cờ Trịnh Công Sơn nghe Khánh Ly hát trong hộp đêm Tulipe Rouge, ông biết ngay giọng hát của cô ca sĩ này phù hợp với những bản nhạc của mình nên mời cô tham gia. Thời gian sau, Khánh Ly rời Đà Lạt và theo ông xuống Sài Gòn. Từ đó cô đã trở thành “Ca sĩ chuyên hát nhạc Trịnh Công Sơn”.
Hãy nghe ông nói về cuộc gặp gỡ này: “Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng, nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly”.
Giai “nghi van” ve moi tinh cua ke “du ca bat khuat” voi…Khanh Ly - Trinh Cong Son-hinh-anh-1
 Khánh Ly - Trịnh Công Sơn "mối tình" như tiểu thuyết
Vào cuối năm 1966, buổi ra mắt đầu tiên của ông trước công chúng Sài Sòn là khoảnh sân sau trường Đại học Văn khoa, với hàng ngàn sinh viên và trí thức. Bằng chiếc ghi ta thùng đơn giản và giọng ca huyền thoại Khánh Ly, những bài tình tự quê hương và thân phận con người được hát vang lên và làm thức tỉnh, say đắm hàng ngàn khán giả cuồng nhiệt đêm đó. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trở thành một hiện tượng và rồi trở thành thần tượng của lớp trẻ lúc bấy giờ.
Trịnh Công Sơn, với dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng trí thức, giọng Huế nhỏ nhẹ, với cuộc sống bất định. Đêm đi hát, khuya về kê ghế bố ngủ với bạn bè ở Quán Văn hay Hội Họa sĩ trẻ. Bên cạnh đó, hình ảnh Khánh Ly khi hát đi chân đất - nữ hoàng chân đất của một thời - giọng hát da diết sương khói diễn tả nỗi trầm thống vô vọng: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Hai người đi với nhau tạo nên hình ảnh “đôi lứa”, một đôi trai-gái trong tình bạn hồn nhiên, trong sáng. Tạo thành một đôi bạn trẻ, đáp lại ước mơ hiện đại của một thế hệ thanh niên muốn phá vỡ quan niệm nam nữ thụ thụ bất thân còn đè nặng lên xã hội Việt Nam.
Trong dư luận, họ cũng không bị nghi ngờ hay tai tiếng, dù người đời cò kè thắc mắc, tò mò... Những tâm hồn phóng khoáng và “hiện đại” thì gạt phăng đi loại “tò mò bệnh hoạn ấy”. Và đặc biệt, Trịnh Công Sơn là người tăm tiếng mà không tai tiếng. Sơn nói: “Tôi và Khánh Ly chỉ là hai người bạn. Thương nhau vô cùng, trên tình bạn”. Khánh Ly viết: “Một mối liên hệ cao hơn, đẹp đẽ hơn, thánh thiện hơn là những tình cảm đời thường”.
Nhưng trên hết, chính hình ảnh Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thường đi hát cộng đồng, nghĩa là hát không công, không lấy thù lao, chủ yếu là cho thính giả trẻ, tại các giảng đường, trường học, đã tạo ra một hình ảnh lý tưởng trong nghệ thuật, nhất là nghệ thuật ca hát - mang theo lý tưởng nhân đạo và tình yêu thể hiện sự dấn thân của người nghệ sĩ.
Khánh Ly kể lại giai đoạn cơ cực đói khổ, nhưng đầy hạnh phúc những năm 60 ấy: “Thực sự tôi rât mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào, phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, nhưng cảm thấy mình thực là hạnh phúc”.
Năm 1970, bài “Diễm xưa” được vào chung kết cuộc thi các bài hát nước ngoài ở Nhật, bài “Ngủ đi con” chiếm “Đĩa vàng” và đã phát hành trên hai triệu đĩa.
Trinh Cong Son

Kẻ du ca bất khuất

Trịnh Công Sơn từ đó trở thành thần tượng - “Kẻ du ca bất khuất” - trên đất nước đầy bom đạn. Những sáng tác tiếp theo của ông với những ca từ mạnh mẽ, trong tập “Kinh Việt Nam’’ hay “Ta phải thấy mặt trời”, “Nhân danh Việt Nam” là tiếng kêu gọi hòa bình và thống nhất đất nước.
Nhạc phản chiến của ông bị Chính phủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cấm phát hành. Bản thân ông phải sống trốn tránh. Nhưng ông được nhiều trí thức và quần chúng cưu mang. Trong đó có Đại tá Lưu Kim Cương, một sĩ quan cao cấp trong Không quân miền Nam Việt Nam đã che chở và giúp đỡ ông rất nhiều trong thời gian khốn khó ấy. Sau khi Đại tá Lưu Kim Cương tử trận, ông viết bài “Cho một người nằm xuống” để tri ân một người bạn đã từng che chở mình và chính bài hát này về sau là nỗi khổ của ông.
Trong thời hậu chiến, cả nước rất khó khăn và như bao người Việt khác, Trịnh Công Sơn cũng được đưa đi lao động sản xuất trên những cánh đồng đầy bom đạn chưa tháo gỡ. Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác lại những bài nổi tiếng như: “Chiều trên quê hương tôi”, “Em còn nhớ hay em đã quên”, “Huyền thoại mẹ”, “Hà Nội mùa thu”, “Tiến thoái lưỡng nan”, “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”, “Lặng lẽ nơi này”, “Xin trả nợ người”, “Lời thiên thu gọi”... Những sáng tác này thường là tình ca, chủ yếu là những tác phẩm viết cho các phim. Những tác phẩm sau này thường nói lên thân phận con người, kiếp người trong cõi tạm, mang đậm chất Thiền.

Những cú sốc đầu đời

Trịnh Công Sơn sinh ngày 28/2/1939 tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk trong một gia đình gốc Huế. Hai năm trước đó, bố mẹ ông lên đây lập nghiệp. Năm sau, sinh con trai đầu lòng, không nuôi được. Năm tiếp theo, Trịnh Công Sơn chào đời, xem như con trưởng, ông là anh cả của 8 người em trai và gái, người thừa kế quan trọng trong một gia đình trung lưu. Cha ông là một doanh nhân yêu nước và tham gia chống Pháp. Mẹ ông là một người đàn bà nhân hậu, đảm đang và có cảm nhận nghệ thuật rất tinh tế.

Năm 1943, khi ông lên 4 tuổi, gia đình về lại Huế, ở tại vùng Bến Ngự, một vùng đất xanh tươi, bên dòng sông An Cựu, nơi có nhiều chùa chiền, lăng tẩm. Tiếng chuông chùa và lời cầu kinh thấm vào hồn ông từ tuổi thơ. Điều đó giúp chúng ta hiểu vì sao những ca từ của ông về sau mang đậm dấu ấn Thiền, Phật và giàu chất Huế.

Khi ông được 8 tuổi, gia đình ông có cửa hàng buôn bán xe đạp và xe máy tại Sài Gòn. Ông thường xuyên vào ra Sài Gòn - Huế. Lên trung học, Trịnh Công Sơn học ở Huế là trường Lycée Francais, rồi đổi sang trường Providence, rồi theo học ban Triết tại trường Chasseloup- Laubat, Sài Gòn. Điều đó chứng tỏ ông là một trong những trí thức thấm nhuần văn hóa Pháp ngay từ khi còn rất trẻ, phần nào lý giải ảnh hưởng nền Triết học phương Tây hiện đại, như Albert Camus, J. R Sartre... lên cuộc sống tâm thức của ông. Người có công rất lớn trong việc đem Triết học phương Tây hiện đại vào Việt Nam, gây nhiều ấn tượng và ảnh hưởng đối với thanh niên miền Nam Việt Nam những năm 50 là Giáo sư Nguyễn Văn Trung du học từ Bỉ về.

Năm 1955, khi ông 15 tuổi, cha ông bị tai nạn giao thông qua đời. Cái chết đột ngột thảm khốc của người cha là cú sốc đầu đời, ám ảnh ông thường trực. Từ đấy, ông luôn suy nghĩ về sự sống và cái chết. Có lẽ người ta sẽ ngạc nhiên khi xem ảnh thời thơ ấu của ông. Chàng trai vui vẻ và khỏe mạnh giành nhiều giải thưởng thi đấu thể thao (chạy, cử tạ, judo) này là ai vậy? Điều gì sau đó đã đưa ông trở thành một nhà thơ - nhạc sĩ “buồn bã và ốm yếu” trong mắt của nhiều người?

Năm 1957, Trịnh Công Sơn 18 tuổi. Một tai nạn bất ngờ đã thay đổi tất cả cuộc đời ông. Lúc ấy ông đang học trung học, vào một ngày khi đang tập judo với người em trai, ông bị thương nặng ở ngực, suýt chết và phải nằm liệt giường gần hai năm tại Huế. Không ngờ thời gian nằm dưỡng bệnh này ông có nhiều thì giờ rảnh rỗi, suy nghĩ về kiếp người, cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên. Để khuây khỏa nỗi buồn, ông đọc ngấu nghiến Apollinaire, Marcel Pagnol, Jacques Prévert, Rabindranath Tagore, Marcel Proust, Nietzsche, Nikos Kazantzakis, Albert Camus, Jean-Paul Sartre... ông đặc biệt yêu thích những tác phẩm của Albert Camus, Truyện Kiều của Nguyễn Du và triết lý Phật giáo, ông không chỉ tiếp cận với văn học, thi ca mà còn tìm hiểu dân ca Việt Nam, âm nhạc của người da đen: Blues, gospel... Trịnh Công Sơn quyết định chơi đàn guitar và bắt đầu sáng tác. Những ca khúc đầu tiên mang tên “Sương đêm” và “Chơi vơi” đều chưa ấn hành.

Đương thời, ông từng thổ lộ: “Khi rời khỏi giường bệnh, trong tôi đã có một niềm đam mê khác - âm nhạc. Nói như vậy hình như không chính xác, có thể những điều mơ ước, khát khao đó đã ẩn chứa từ trong phần sâu kín cúa tiềm thức bỗng được đánh thức, trỗi dậy”. Tai nạn trên là một cái rủi cho ông về thể xác, nhưng là một cái may cho nền Âm nhạc Việt Nam. Nếu như không có khúc quanh bất ngờ này, có lẽ ông đã tiếp tục chơi thể thao, đi học tiếp và không chừng đã trở thành một ông bác sĩ, hay kỹ sư nào đó... Và lịch sử Âm nhạc Việt Nam sẽ không bao giờ có được một nhạc sĩ tài hoa như thế.

Ca khúc được in đầu tiên của Trịnh Công Sơn là bài “Ướt mi”, sáng tác vào năm 1958 và công bố năm 1959, nói về giọt nước mắt thuần khiết của một người con gái. Đó là một cô ca sĩ mới 16 tuổi, xuất hiện về đêm ở phòng trà Văn Cảnh - Sài Gòn, đi hát để nuôi mẹ bị bệnh lao nặng. Đêm nào khi hát bài “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong, cô cũng khóc. Điều ấy đã gợi nguồn cảm hứng cho ông sáng tác “Ướt mi”. Tác phẩm này cho thấy sự thành công qua số lượng đĩa nhạc bán được. Người hát bài này đầu tiên cũng chính là cô ca sĩ ấy - ca sĩ Thanh Thúy - người mà sau này cũng rất nổi tiếng trong sự nghiệp ca hát trước năm 1975. Nguyễn Văn Trung đã từng viết bài “Ảo ảnh Thanh Thúy” để ca ngợi giọng ca đầy chất liêu trai của cô.

Sau đó, đầu thập niên 60 là thời kỳ Trịnh Công Sơn sáng tác rất nhiều bản nhạc tình và đã trở thành những kiệt tác ca khúc Việt Nam. ở Huế, thời gian này Trịnh Công Sơn lại rung động theo hình ảnh một thiếu nữ mảnh mai: Ngô Vũ Bích Diễm, con của thầy Ngô Đốc Kh... dạy Pháp văn tại trường Đồng Khánh và trường Quốc Học Huế. Ca khúc nổi tiếng “Diễm xưa” ra đời, một ca khúc đánh dấu đặc biệt trong đời ông và có hậu vận bền lâu. Mối tình thơ mộng và ngắn ngủi với Bích Diễm được tiếp nối qua hình ảnh cô em Ngô Vũ Dao Ánh cho đến cuối đời, tuy có nhiều đứt đoạn. Với Trịnh, đó là mối tình gắn bó lâu dài vì cả hai đã có chung nhiều kỷ niệm xưa.

Những năm 1962 - 1964, chiến tranh Việt Nam ngày càng tàn khốc, Trịnh Công Sơn rời Huế thi vào trường Sư phạm Quy Nhơn, trường mới thành lập và đây là khóa đầu tiên đào tạo giáo sinh thời khóa hai năm. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn, ông được điều lên Bảo Lộc dạy học. Thời gian này, cuộc chiến ở Việt Nam đã trở nên ác liệt. Năm 1965, quân đội Mỹ bắt đầu rầm rộ đổ bộ lên miền Nam Việt Nam. Phong trào đấu tranh của Phật giáo và sinh viên dâng cao.

Nguyễn Hà
(Gia đình & Pháp luật)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khánh Ly - Trịnh Công Sơn và mối tình '2 kẻ du ca'