Nhà nhà cải cách, người người cải cách” là câu khẩu hiệu tỏ ra thể hiện đúng những gì diễn ra ở châu Á trong 8 năm qua. Hầu hết các nhà lãnh đạo của các quốc gia đều tuyên bố đặt mục tiêu cải cách kinh tế lên hàng đầu, và hầu hết các nhà lãnh đạo mới giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cũng đều đặt trọng tâm chính sách trong việc cải cách nền kinh tế đất nước.
Trong lịch sử kinh tế thế giới, khoảng thời gian 8 năm vừa qua – bắt đầu từ năm 2007 – là một giai đoạn đặc biệt. Nó là giai đoạn đánh dấu một trong những thời kỳ xảy ra nhiều biến động nhất đối với nền kinh tế thế giới kể từ cuộc đại khủng hoảng diễn ra vào năm 1930 cuộc khủng hoảng kinh tế là tác nhân trực tiếp dẫn đến sự hình thành các nguy cơ xảy ra thế chiến thứ hai.
Các biến động về kinh tế ở tầm vĩ mô luôn có sự tác động đến các yếu tố địa chính trị trên toàn cầu. Và nếu như cuộc đại khủng hoảng năm 1930 đã dẫn đến sự hình thành của phe trục phát xít được xem là tác nhân dẫn đến châm ngòi cuộc đại chiến, thì những biến động kinh tế kể từ năm 2007 đến nay cũng đang hình thành một phe trục khác. Đó là trục cải cách kinh tế, ở châu Á.
Về lý thuyết, các cuộc đại khủng hoảng kinh tế lớn trên thế giới luôn dẫn đến những xáo trộn địa chính trị lớn trên toàn cầu. Cuộc đại khủng hoảng năm 1930 được xem là cú sốc giáng thẳng vào nền kinh tế của các cường quốc trên thế giới, hầu hết trong số đó là nền kinh tế kiểu dựa trên khai thác thuộc địa, từ Anh Pháp cho tới Nhật Bản.
Về cơ bản, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ khi đó đã làm đứt gãy các mối quan hệ kinh tế giữa các cường quốc trên toàn cầu, khiến cho nhu cầu trao đổi thương mại qua lại giữa các bên giảm hẳn đi, và dẫn đến việc các cường quốc tập trung vào nền kinh tế quốc nội trong đó có các thuộc địa hơn.
Điều này được xem là tác nhân cơ bản dẫn đến sự hình thành phe Trục phát xít, khi mà các nước như Đức, Nhật và Ý đều là những nước có ít thuộc địa hơn Anh Pháp, và muốn phân chia lại hệ thống thuộc địa trên toàn cầu như một cách cân bằng các nhu cầu kinh tế sau khi cuộc đại khủng hoảng nổ ra.
Những gì diễn ra ở thời điểm hiện tại cũng tương tự. Khoảng thời gian 8 năm kể từ năm 2007 đến nay, được xem là một sự tái diễn của cuộc đại khủng hoảng năm 1930. Các biến cố kinh tế quy mô toàn cầu liên tục xảy ra, từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ 2007 dẫn đến cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007, cho đến vấn đề nợ công Hy Lạp lây lan và ảnh hưởng lớn đến kinh tế châu Âu năm 2010, tiếp đó lại là một làn sóng giảm phát diễn ra trên khắp toàn cầu.
Hầu như không có một nền kinh tế nào trên thế giới, từ lớn đến nhỏ, mà không bị ảnh hưởng trầm trọng bởi cơn lũ các sự kiện kinh tế tồi tệ liên tiếp diễn ra đó. Nước Mỹ đã chật vật hồi phục lại nền kinh tế suốt 8 năm qua, Trung Quốc bắt đầu suy giảm tăng trưởng mạnh nhất trong ba thập kỷ qua, châu Âu và Nhật Bản còn tệ hơn khi cả hai nền kinh tế lớn này vẫn đang căng mình ra đối phó với nạn giảm phát. Kể cả so với những giai đoạn tồi tệ nhất của nền kinh tế thế giới, như giai đoạn sau khi thế chiến hai kết thúc, thì tình trạng nền kinh tế toàn cầu trong 8 năm vừa qua tỏ ra không hề thua kém chút nào về tình trạng suy thoái và tồi tệ.
Những biến cố kinh tế tiêu cực trong suốt 8 năm trên thế giới, cũng đang tạo ra những biến đổi sâu sắc về địa chính trị không thua kém việc hình thành phe Trục sau cuộc đại khủng hoảng 1930. Cũng giống như cuộc đại khủng hoảng 1930, những biến cố kinh tế tiêu cực vừa qua cũng đã dẫn đến việc đứt gãy và giảm bớt mức độ của các mối liên hệ kinh tế thương mại toàn cầu.
Các nền kinh tế lớn bớt xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa với các đối tác hơn, dẫn đến nền kinh tế trong nước cũng trì trệ hơn. Và cũng giống như các cường quốc sau cuộc đại khủng hoảng 1930 buộc phải hướng sự chú ý đến nền kinh tế quốc nội hơn, thì các quốc gia trên thế giới trong 8 năm qua cũng buộc phải hướng về nền kinh tế trong nước như một giải pháp đối phó với sự sụt giảm thương mại toàn cầu.
Trung Quốc là nước ít chịu thiệt hại nhất từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 bằng cách kích cầu nền kinh tế có quy mô khổng lồ của mình. Nhưng không phải nước nào cũng có ưu thế ấy như Trung Quốc. Và vấn đề quan trọng nhất đặt ra với hầu hết các quốc gia là: cần phải cải cách nền kinh tế quốc nội. Và xu hướng này diễn ra đặc biệt mạnh ở các nền kinh tế châu Á, nơi đã gần như biến cải cách kinh tế trong nước trở thành một trào lưu.
Nhà nhà cải cách, người người cải cách” là câu khẩu hiệu tỏ ra thể hiện đúng những gì diễn ra ở châu Á trong 8 năm qua. Hầu hết các nhà lãnh đạo của các quốc gia đều tuyên bố đặt mục tiêu cải cách kinh tế lên hàng đầu, và hầu hết các nhà lãnh đạo mới giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cũng đều đặt trọng tâm chính sách trong việc cải cách nền kinh tế đất nước.
Xu hướng này đã diễn ra ở Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia khi mà lần lượt thủ tướng Modi, thủ tướng Shinzo Abe, tổng thống Park Geun Hye và tổng thống Joko Widodo đều chiến thắng trong các cuộc tranh cử nhờ vào những lời hứa sẽ cải cách kinh tế. Điều tương tự cũng diễn ra ở Trung Quốc, Australia hay Philippines.
Dẫu cho phương pháp và mức độ cải cách mà các nhà lãnh đạo đưa ra ở những quốc gia là khác nhau, thì việc các quốc gia châu Á thi nhau cải cách nền kinh tế như một mệnh lệnh sống còn cũng đang chứng tỏ vì sao châu lục này đang là khu vực kinh tế năng động nhất thế giới.
Lý giải cho xu hướng cải cách kinh tế đang lan tràn ở châu Á, nguyên nhân chủ đạo là vì các nền kinh tế châu Á vẫn chưa phát huy hết công suất do chưa đạt đến trình độ phát triển cao độ. Điều này cũng dẫn đến sự khác biệt về lựa chọn giải pháp kinh tế ở các nước châu Á với các nước phương Tây như EU hay Mỹ.
Các nền kinh tế EU hay Mỹ có mức phát triển cao và rất khó có thể nâng mức tối ưu hóa lên cao hơn nữa. Và giống như những cỗ máy hoàn thiện gặp trục trặc nhất thời, các nhà lãnh đạo phương Tây chỉ phải đưa ra những biện pháp hồi phục nền kinh tế mà thôi. Trong khi đó các nền kinh tế châu Á phần lớn vẫn đang trong quá trình phát triển và vẫn chưa đạt mức độ hoàn thiện, và cần tiếp tục cải cách để nâng cao khả năng của nền kinh tế.
Đó cũng là lối thoát khả dĩ nhất cho các nền kinh tế châu Á khỏi tình trạng suy thoái kinh tế thế giới do các cuộc khủng hoảng toàn cầu gây ra trong 8 năm qua. Xu thế cải cách kinh tế trong nước này diễn ra mạnh mẽ ở châu Á đến mức, có nhiều người đang ví châu Á đang trở thành một phe Trục mới trên thế giới. Nhưng khác với phe Trục phát xít dẫn đến cuộc đại chiến thế giới trong thế kỷ 20, thì phe Trục mới trong thế kỷ 21 này lại đang hướng tới một mục tiêu tốt đẹp hơn rất nhiều, đó là cải cách nền kinh tế.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)