Mọi chuyện có vẻ như đang ngày càng trở nên tệ hơn với kinh tế Trung Quốc sau khi nước này vừa bị Nghị viện châu Âu (EP) chính thức bác bỏ việc trao quy chế kinh tế thị trường kể từ năm nay.

Khi Trung Quốc gia tăng quyền lực mềm ở châu Âu

Nhàn Đàm | 15/05/2016, 10:28

Mọi chuyện có vẻ như đang ngày càng trở nên tệ hơn với kinh tế Trung Quốc sau khi nước này vừa bị Nghị viện châu Âu (EP) chính thức bác bỏ việc trao quy chế kinh tế thị trường kể từ năm nay.

Cùng với việc các chỉ số kinh tế vĩ mô như xuất khẩu hay bán lẻ đang sụt giảm, thì việc bị EU từ chối trao quy chế kinh tế thị trường đang là một đòn đau giáng vào nền kinh tế số hai thế giới. Với việc không nhận được quy chế kinh tế thị trường, xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường EU thời gian tới có thể bị thiệt hại nghiêm trọng, và sự từ chối thẳng thừng này của Nghị viện châu Âu có thể xem như một cái tát thẳng vào chính phủ Trung Quốc – những người đã rất kỳ vọng sẽ nhận được quy chế kinh tế thị trường trong năm nay.

Vậy, mối quan hệ kinh tế nói riêng và đối tác chiến lược nói chung giữa EU và Trung Quốc liệu có phải đang xấu đi? Câu trả lời là “Không”, vì trên thực tế ảnh hưởng của Trung Quốc đang không ngừng gia tăng tại cựu lục địa.

Với rất nhiều người, thì kết quả bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu hôm 12.5 vừa qua về việc có nên hay không nên bác bỏ trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc thực sự là một bất ngờ quá lớn. Bất ngờ đối với cả tổng thống Mỹ Barack Obama và chính phủ Trung Quốc nữa. Quả thực, kết quả bỏ phiếu quá chênh lệch 546 phiếu thuận và 28 phiếu chống đã khiến cả thế giới kinh ngạc.

Trước khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu quyết định vấn đề này, thậm chí tổng thống Obama đã phải đích thân lên tiếng yêu cầu EU hãy khoan trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc – một việc có thể khiến kinh tế Mỹ chịu những hệ lụy lớn. Bản thân chính phủ Trung Quốc cũng tự tin về việc sẽ nhận được quy chế này từ EU đến nỗi một số quan chức cấp cao đã công khai tuyên bố Bắc Kinh hy vọng sẽ nhận được quy chế này vào cuối năm nay, một tuyên bố như là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Đâu là lý do khiến tổng thống Obama hốt hoảng, còn Bắc Kinh thì tự tin đến thế trong việc nhận được quy chế kinh tế thị trường từ EU?

Câu trả lời là: quyền lực mềm. Ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc ở Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng gia tăng một cách đáng kể. Một trong những quan điểm hiếm hoi mà người dân châu Âu đồng tình với ứng cử viên hiện đang tranh cử vào chức tổng thống Mỹ của đảng Cộng Hòa Donald Trump ở thời điểm hiện tại, đó là: tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu đang ngày càng gia tăng, trong khi ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này đang ngày càng suy giảm.

Có thể dễ dàng nhận ra điều đó qua kết quả các cuộc khảo sát thông thường, chẳng hạn như một cuộc khảo sát của Pew Global Research trong năm 2015 cho thấy, đa số người dân châu Âu tin rằng trong tương lai Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ để trở thành siêu cường lớn nhất thế giới. Những kết quả khảo sát tại hai nước hàng đầu EU hiện nay và đồng thời cũng là những đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, là Đức và Pháp, cũng đang cho thấy hầu hết người dân ở hai quốc gia này đang cho rằng Trung Quốc mới là nền kinh tế số một thế giới chứ không phải Mỹ.

Tại các nước thành viên khác của EU, nơi mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc không có vai trò lớn như ở Đức và Pháp, thì ảnh hưởng mềm của Trung Quốc cũng đang tăng lên đáng kể. Cũng trong cuộc khảo sát vào năm 2015 của Pew Global Research thì 83% người Ý và 50% người Đức có thiện cảm với Mỹ, trong khi chỉ có 40% người Ý và 34% người Đức có thiện cảm với Trung Quốc, nhưng có một thực tế là tỷ lệ thiện cảm với Trung Quốc đã tăng chóng mặt trong vài năm trở lại đây.

Điều này khá dễ hiểu, khi Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Liên minh châu Âu sau Mỹ, với một số nước thành viên EU như Đức hay Pháp thì thị trường Trung Quốc đang là nơi sinh lời hàng đầu của hàng hóa xuất khẩu của các nước này. Ngoài sức hút về tiềm năng tiêu thụ hàng hóa của thị trường 1,4 tỷ dân, thì ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu còn ở các khoản đầu tư đang ngày càng trở nên lớn hơn.

Trong năm 2015, lượng vốn đầu tư trực tiếp của các công ty Trung Quốc vào thị trường châu Âu đã đạt kỷ lục là 23 tỷ USD, vượt xa mức 15 tỷ USD đầu tư vào EU của các công ty Mỹ. Dù xét về tổng vốn đầu tư vào thị trường EU thì Mỹ vẫn đang dẫn đầu với tổng giá trị khoảng 193 tỷ USD, nhưng sự chênh lệch về số vốn đầu tư vào EU giữa Trung Quốc và Mỹ hàng năm đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Ở một số nước, mức đầu tư của Trung Quốc vượt trội hoàn toàn so với Mỹ, chẳng hạn như ở Ý, số vốn đầu tư của Trung Quốc vào nước này đạt khoảng 7,8 tỷ USD so với số vốn đầu tư từ Mỹ chỉ vỏn vẹn 434 triệu USD. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở Pháp.

Không chỉ gia tăng ảnh hưởng ở các quốc gia Tây và Nam Âu, mà Trung Quốc còn đang gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ ở các nước Đông Âu. Các chuyến công du của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đến các nước Đông Âu trong vài năm gần đây ngày càng tăng, đi kèm với đó là các dự án hợp tác kinh tế và các khoản đầu tư từ Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước này.

Các nước trọng điểm ở Đông Âu mà Bắc Kinh đang muốn gia tăng quan hệ kinh tế lần lượt là CH Czech, Serbia và Nga. Một số nước Đông Âu và ở Balkan đang nằm trên tuyến đường của dự án Con đường tơ lụa, và vì thế đang thuộc diện nhận được nhiều gói đầu tư hỗ trợ phát triển của chính phủ Trung Quốc.

Chính do những ảnh hưởng đang ngày càng lớn này của Trung Quốc ở châu Âu mà, dù mọi thứ có vẻ như đang trở nên xấu đi, thì cũng chưa thể đủ sức làm Bắc Kinh lo lắng. Đúng là Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu bác bỏ trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc, còn Nữ hoàng Anh thì công khai tuyên bố rằng các quan chức Trung Quốc thật thô lỗ, thì thực tế là các tập đoàn và công ty châu Âu cũng như khá nhiều chính phủ các nước thành viên EU vẫn đang muốn tiếp tục ve vãn và lôi kéo Trung Quốc vì những lợi ích lớn mà mối quan hệ kinh tế thương mại với nước này đem lại cho họ.

Việc nghị viện châu Âu bác bỏ trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc trên thực tế chỉ làm chậm lại quá trình gia tăng ảnh hưởng về kinh tế của nước này ở thị trường châu Âu, và chỉ mang lại cho Mỹ thêm một ít thời gian mà thôi, vì cường độ trao đổi thương mại giữa hai nền kinh tế vẫn đang tiếp tục gia tăng. Kể cả khi Nữ hoàng Anh có công khai chê bai các quan chức Trung Quốc là thô lỗ hay gì đi nữa, thì họ sẽ vẫn đến châu Âu, thậm chí là ngày càng nhiều hơn.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan
Mỹ muốn chặn Trung Quốc tiếp cận mô hình AI tiên tiến nhất vì sợ tấn công mạng và vũ khí sinh học
Các nguồn tin của Reuters cho biết chính quyền Biden đã sẵn sàng mở ra một mặt trận mới trong nỗ lực bảo vệ trí tuệ nhân tạo (AI) của Mỹ khỏi Trung Quốc với kế hoạch sơ bộ nhằm thiết lập các rào chắn xung quanh các mô hình AI tiên tiến nhất. Đó là phần mềm cốt lõi của các hệ thống AI như ChatGPT.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đề nghị kỷ luật nguyên Bí thư TP.HCM Lê Thanh Hải
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM bị Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đề nghị kỷ luật.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi Trung Quốc gia tăng quyền lực mềm ở châu Âu