Trong cuộc ẩu đả, nam thanh niên bị đối phương dùng dao đâm nhiều nhát gây thủng tim, rách thất trái, rách phổi trái… và nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 29.10, Bệnh viện Quân y 175 cho hay, các bác sĩ ở đây vừa thực hiện báo động đỏ kịp thời phẫu thuật cứu sống một nam thanh niên bị đâm thủng tim, đa chấn thương nguy kịch.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 5 giờ 10 phút sáng 22.10, nhóm của anh Lê Văn H. (32 tuổi) cùng với một nhóm thanh niên khác có mâu thuẫn và xảy ra ẩu đả. Trong quá trình đó, anh H. bị đâm nhiều nhát bằng dao và gục ngã tại chỗ. Nạn nhân được đưa đến cấp cứu ở Bệnh viện Quân y 175.
ThS.BS Nguyễn Doãn Thái Hưng - Phụ trách Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, bệnh nhân H. được chuyển đến trong tình trạng sốc, lơ mơ, mạch 160 lần/phút, huyết áp tụt kẹt 60/40. Bệnh nhân được chẩn đoán chèn ép tim cấp, sốc mất máu do vết thương tim, đa vết thương (vết thương ngực trái, vết thương phần mềm cánh tay trái, lưng trái, vết thương hàm mặt).
Kíp trực ngay lập tức kích hoạt báo động đỏ (Code Red) và chuyển bệnh nhân thẳng vào phòng mổ lúc 5 giờ 30 phút. Ê kíp phẫu thuật hồi sức tim phối hợp giữa các khoa: Cấp cứu lưu, Hồi sức tích cực ngoại, Gây mê hồi sức, Phẫu thuật tim mạch đã nhanh chóng mở ngực, giải phóng chèn ép tim (500 ml máu không đông + 100 ml máu đông), kiểm tra tổn thương (rách thất trái 1x2 cm, rách phổi trái), được khâu vết thương thất trái, lấy máu đông khoang màng phổi trái (300 ml), khâu vết thương phần mềm hàm mặt, tay, lưng.
“Với sự chẩn đoán chính xác, tổ chức phối hợp chuyên nghiệp, nhịp nhàng, nhanh chóng, chỉ sau khi đến bệnh viện 25 phút bệnh nhân đã được xử lý triệt để tổn thương và cứu sống tính mạng. Bệnh nhân được rút nội khí quản sau mổ 2 giờ và hiện đã ổn định, được cho xuất viện”, bác sĩ Hưng cho biết.
Theo bác sĩ Hưng, vết thương tim là một cấp cứu tối khẩn cấp trong ngoại khoa, được ưu tiên số 1 trong chẩn đoán, vận chuyển và xử trí.
“Ở Việt Nam, nguyên nhân do bạch khí trong tai nạn bạo lực (chủ yếu là dao kéo, que sắc nhọn…). Nếu bệnh nhân còn sống, khi đến viện thì việc chẩn đoán không quá khó khăn, và phẫu thuật khâu vết thương tim có thể cứu sống trên 90% số bệnh nhân. Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận và xử trí cấp cứu kịp thời khoảng 6-10 trường hợp bị vết thương tim”, bác sĩ Hưng cho biết.
Nói về tính hiệu quả của quy trình "báo động đỏ", bác sĩ Tôn Thanh Tùng - Phó chủ nhiệm Khoa Cấp cứu lưu, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, đây quy trình xử trí cấp cứu tối khẩn cấp. Mục đích cuối cùng của quy trình này là cứu sống bệnh nhân, đưa bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch.
Khi quy trình "báo động đỏ" được khởi động thì nhiều thủ tục được đơn giản hóa, nhân viên y tế sẽ có cơ hội tiếp cận bệnh nhân chỉ trong vài phút. Lợi thế của quy trình “báo động đỏ” là huy động nhiều khoa, tập trung phương tiện, kỹ thuật cứu bệnh nhân trong thời gian vô cùng ngắn. Từ đó, tận dụng được khoảng "thời gian vàng" để cứu bệnh nhân.