Sáng 31.5, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng đã báo cáo các nội dung tiếp thu, giải trình của dự án luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi và UB Tư pháp Quốc hội đã thẩm tra về dự luật này.
Chưa thống nhất về xử lý tài sản bất minh
Về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được nguồn gốc, UB Tư phápnhận thấy, người dân nước ta có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, thừa kế. Pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, chưa quy định đánh thuế đối với tài sản...
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Nhà nước. Do đó không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản do phạm tội tham nhũng mà có để tịch thu bằng biện pháp hình sự.
Mặt khác, cũng không thể coi đó là tài sản của Nhà nước để xác lập quyền sở hữu nhà nước và cũng khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt Nhà nước đứng ra khởi kiện.
Do đây là vấn đề mới và phức tạp, quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau, UB Tư pháp xin ý kiến Quốc hội.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêmvà chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà cólà chưa đầy đủ. Đối với tài sản, thu nhập tuy chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có, nhưng có căn cứ xác định dovi phạm pháp luật mà có(vi phạm hành chính) thì cũng phải bị tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Dự thảo luật quy định cung cấp bản kê khai, thông tin, dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Đây là những thông tin liên quan đến quyền bí mật cá nhân của người có chức vụ, quyền hạn, nên cần phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Dự thảo Luật quy định nhiều đầu mối cơ quan, đơn vị có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, đồng thời cũng có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan, đơn vị khác (trong đó có ngân hàng, cơ quan quản lý thuế, tổ chức tín dụng…) cung cấp thông tin, dữ liệu; việc yêu cầu có thể được thực hiện ở mọi thời điểm để phục vụ cho việc theo dõi biến động về tài sản, thu nhập.
UB Tư pháp đề nghị cần bổ sung các căn cứ yêu cầu cung cấp thông tin, hình thức yêu cầu, thời gian cung cấp để bảo đảm thực hiện có hiệu quả, tránh ảnh hưởng đến bí mật hoạt động kinh doanh của các chủ thể này.
Mở rộng chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước
Đa số ý kiến UB Tư pháp tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước vì cho rằng, tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả của công tác PCTN khu vực nhà nước. Việc này cũng phù hợp với Kết luận số 10-KL/TW ngày 26.12.2017 của Bộ Chính trị.
UB này cũng tán thành với việc mở rộng phạm vi áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng; các tổ chức xã hội do Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh thành lập. Lý do là cần có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng.
Tuy nhiên, UB Tư pháp cho rằng cần thu hẹp phạm vi thanh tra về công tác PCTN đối với khu vực ngoài nhà nước. Đồng thời quy định chặt chẽ về căn cứ, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra để tránh bị lạm dụng, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Lý do là với chủ trương coi trọng kinh tế tư nhân, việc mở rộng thanh tra cần hết sức hạn chế. Hơn nữa, hiện nay còn chưa làm tốt công tác này trong khu vực nhà nước, trong khi nguồn lực còn hạn chế thì việc mở rộng thanh tra, kiểm tra đối với khu vực ngoài nhà nước là khó khả thi.
Cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, dự thảo luật đã được chỉnh lý ở cả 2 phương án theo hướng không tách riêng quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng mà quy định chung như đối với cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị.
UB Tư pháp nhất trí với phương án 2 trong dự thảo, tức là giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì giao cho cơ quan trung ương của các cơ quan, tổ chức này kiểm soát tài sản, thu nhập.
Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ thì giao cho các cơ quan này kiểm soát; đối với người có nghĩa vụ kê khai là đại biểu Quốc hội chuyên trách thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm soát.
Theo UB Tư pháp, phươngán này đã tăng cường hơn tính tập trung, khắc phục một bước việc tổ chức dàn trải quá nhiều đầu mối cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập như hiện nay. Đồng thời, hạn chế việc tăng áp lực công việc đối với cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập.
Việc tập trung đầu mối kiểm soát tài sản, thu nhập cho hệ thống cơ quan thanh tra như phương án 1 sẽ không khả thi nếu không bổ sung thêm biên chế, bộ máy; ngược lại nếu bổ sung thêm biên chế, bộ máy thì lại không thực hiện nghiêm nghị quyết của Đảng về thu gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Lam Thanh