Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) dự báo kinh tế Nga và Ukraine năm 2022 sẽ suy giảm 10% và 20%.
Đây là dự báo khẩn cấp mà EBRD đưa ra dựa trên một loạt giả định về các sự kiện có thể xảy ra trong vài tháng tới. Trước đó ngân hàng kỳ vọng kinh tế Ukraine tăng trưởng 3,5% và kinh tế Nga tăng trưởng 3%.
Dự báo mới nhất dựa trên giả định một lệnh ngừng bắn được thực thi trong vòng vài tháng, sau đó là nỗ lực tái thiết Ukraine quy mô lớn. Theo kịch bản như vậy thì GDP Ukraine có thể phục hồi 23% trong năm tới.
Thế nhưng trừng phạt nặng nề và sâu rộng mà phương Tây áp đặt khiến Nga đứng trước nguy cơ tăng trưởng bằng 0.
EBRD xác định: “Loạt trừng phạt nhắm vào Nga dự kiến sẽ vẫn được duy trì trong tương lai gần, làm nền kinh tế Nga năm 2023 trì trệ, tác động tiêu cực còn lan tỏa đến một số quốc gia láng giềng ở Đông Âu, Caucasus và Trung Á”.
Belarus - đồng minh của Nga cũng hứng chịu trừng phạt - cũng bị dự báo kinh tế suy giảm 3% năm 2022 và trì trệ năm 2023.
EBRD cũng đánh giá kinh tế thế giới đang đối mặt với cú sốc nguồn cung lớn nhất từ đầu những năm 1970 cho đến nay vì Nga và Ukraine vốn cung cấp lượng lớn lúa mì, ngô, phân bón, titan và niken.
Nhà kinh tế EBDR Beata Javorcik cho biết áp lực vốn đã cao trước lúc xung đột nổ ra, nay chắc chắn lại tăng lên đem lại tác động không cân xứng đối với nhiều quốc gia thu nhập thấp cũng như đối với nhóm dân số nghèo ở hầu hết các quốc gia.
Theo EBDR, các quốc gia Bắc Phi và Lebanon chịu tác động lớn khi nguồn cung lúa mì toàn cầu sụt giảm. Ngân hàng cũng nhận định các nền kinh tế Trung Á phụ thuộc nhiều vào nguồn kiều hối từ Nga cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi đồng rúp sụt giảm giá trị và chuyển đổi hạn chế. Trong khi đó, một số quốc gia như Armenia, Estonia, Georgia, Montenegro bị thiệt hại về du lịch.
Đầu tháng 3 vừa qua, EBDR đã công bố gói phục hồi 2,2 tỉ USD giúp đỡ người dân, doanh nghiệp và quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine, kể cả quốc gia đón nhận người tị nạn.
EBDR cũng đánh giá lực lượng lao động Ukraine tay nghề cao sẽ có ích với một số nền kinh tế trong dài hạn, nhất là nền kinh tế có dân số già. Tuy nhiên về ngắn hạn thì các nền kinh tế phải chịu áp lực tài khóa và thách thức hành chính khi họ mở rộng quy mô cung cấp nhà ở, y tế và trường học.