Quyết định cấm 4 năm đối với Nga trong tất cả các sự kiện thể thao lớn khiến Kremlin vô cùng phẫn nộ. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói rằng lệnh cấm này là một phần của "bài Nga mù quáng kinh niên".
Cơ quan chống doping thế giới (WADA) đã phát lệnh cấm 4 năm đối với Nga trong tất cả các sự kiện thể thao lớn.
Điều đó đồng nghĩa với việc quốc kỳ và quốc thiều Nga sẽ không được phép xuất hiện tại các sự kiện như Thế vận hội Tokyo 2020 và World Cup 2022. Nhưng các vận động viên Nga có thể thi đấu tại Tokyo năm tới dưới màu cờ Olympic.
Quyết định này khiến Nga vô cùng phẫn nộ. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói rằng lệnh cấm này là một phần của "bài Nga mù quáng kinh niên".
Mặc dù ông thừa nhận doping là vấn đề vẫn tồn tại trong nền thể thao Nga và cho rằng: "Điều này là không thể phủ nhận” nhưng người đứng đầu chính phủ Nga cho rằng việc trừng phạt lặp đi lặp lại thời gian gần đây dù không có diễn biến nào mới đã “khiến người ta nghĩ rằng đây là một phần của "bài Nga mù quáng kinh niên".
Ủy ban điều hành của WADA đã nhất trí đưa ra quyết định áp đặt lệnh cấm đối với Nga trong một cuộc họp tại Lausanne, Thụy Sĩ, vào thứ Hai hôm qua. Quyết định xuất hiện sau khi Cơ quan chống doping của Nga (RUSADA) bị kết luận là đã thao túng các dữ liệu từ phòng thí nghiệm trước khi bàn giao cho các nhà điều tra vào tháng 1.2019.
Dữ liệu xét nghiệm cần phải bàn giao dữ liệu cho WADA như một điều kiện để khôi phục tư cách sau khi Nga bị đình chỉ 3 năm vì vụ bê bối doping bị cáo buộc do nhà nước hậu thuẫn.
WADA nói rằng RUSADA có 21 ngày để kháng cáo lệnh cấm bằng cách gửi đơn lên Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS). Chủ tịch của WADA, Sir Craig Reedie, cho biết quyết định này thể hiện "quyết tâm hành động kiên quyết khi đối mặt với cuộc khủng hoảng doping Nga".
Ông nói thêm: "Quá lâu, doping Nga đã làm rối loạn thể thao sạch. Sự vi phạm trắng trợn của chính quyền Nga về các điều kiện phục hồi tư cách Nga đòi hỏi phải có phản ứng mạnh mẽ”.
"Nga đã được dành mọi cơ hội để trở lại mái nhà chung, gia nhập cộng đồng chống doping toàn cầu vì lợi ích của các vận động viên và sự toàn vẹn của thể thao, nhưng thay vào đó, họ chọn tiếp tục thái độ lừa dối và bất hợp tác"
Trong khi đó phó chủ tịch của WADA, Linda Helleland nói rằng lệnh cấm là "không đủ".
"Tôi muốn các biện pháp trừng phạt không thể hạ xuống", bà nói. "Chúng tôi nợ các vận động viên trung thực trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất có thể."
Trước đó, 168 vận động viên Nga đã thi đấu dưới một lá cờ trung lập tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 sau khi đất nước này bị áp dụng lệnh cấm ngay sau Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 kết thúc. Giải đó, các vận động viên Nga đã giành được 33 huy chương trong đó có 13 vàng để dẫn đầu toàn đoàn. Nga cũng đã bị cấm thi đấu tại các giải điền kinh quốc tế kể từ năm 2015.
Bất chấp lệnh cấm, Nga vẫn có thể thi đấu tại Euro 2020 - trong đó St Petersburg sẽ là thành phố chủ nhà - vì giải đấu do LĐBĐ châu Âu UEFA tổ chức không được định nghĩa là một "sự kiện lớn" và không liên quan đến các phán quyết về vi phạm chống doping.
Còn FIFA cho biết họ đã "lưu ý" về quyết định của WADA và cho biết thêm: "FIFA đang liên hệ với WADA để làm rõ phạm vi của quyết định liên quan đến bóng đá."
Trong một tuyên bố, Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) cho biết: "Những người chịu trách nhiệm thao túng dữ liệu từ phòng thí nghiệm Moscow trước khi nó được chuyển đến WADA dường như đã làm mọi cách có thể để phá hoại các nguyên tắc của thể thao công bằng và trong sạch, các nguyên tắc mà phần còn lại của thế giới thể thao ủng hộ và tuân thủ”.
"Sự thiếu tôn trọng này đối với phần còn lại của phong trào thể thao toàn cầu là không được hoan nghênh và không có chỗ đứng trong thế giới thể thao. Chỉ có công bằng khi những người chịu trách nhiệm về thao túng dữ liệu này bị trừng phạt."
Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã cho biết họ "ủng hộ" quyết định của WADA.
Anh Tú