Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói 27 nước thành viên EU cần có kế hoạch khẩn cấp, nhằm chuẩn bị đối phó nguy cơ Nga cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt.
Trình bày trước các nhà lập pháp châu Âu hôm 6.7, bà von der Leyen nói: “Rõ ràng Putin tiếp tục sử dụng năng lượng làm vũ khí. Đó là lý do EC đang làm việc về một kế hoạch khẩn cấp cho châu Âu. Điều rất quan trọng là phải có một nhận định chung của châu Âu và một giải pháp có điều phối nguy cơ mất hẳn nguồn cung khí đốt từ Nga”.
Liên minh châu Âu (EU) đã áp các lệnh trừng phạt Nga gồm một số nhà cung cấp năng lượng của nước này, và EU đang cố gắng tránh sự lệ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga.
Nhưng vị chủ tịch EC nói EU cần chuẩn bị sự gián đoạn nguồn cung gây sốc từ Moscow, và các kế hoạch đối phó đầu tiên sẽ được trình vào giữa tháng 7 này.
Năng lượng, và viễn cảnh một mùa không đủ khí đốt sưởi ấm các gia đình hoặc không đủ điện cho các nhà máy hoạt động, nay có thể là một thách thức cho tinh thần đoàn kết của EU và là một nguồn cho sự phân hóa tràn màu sắc chủ nghĩa dân tộc.
Theo AP, hiện có một chục nước chịu tác động của việc Nga giảm cung cấp khí đốt, vào lúc gia tăng bất đồng chính trị giữa phương Tây với Moscow liên quan cuộc chiến ở Ukraine.
Như để làm rõ những thách thức trước mặt, tuần trước Đức nói họ e là Nga sẽ không nối lại dòng khí đốt chuyển qua châu Âu thông qua ống dẫn khí Nord Stream 1, sau khi Nga hoàn tất khâu bảo trì tuyến ống này trong tháng 7.
Tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom nói bị trục trặc kỹ thuật nên giảm cấp khí đốt qua tuyến ống dẫn khí Nord Stream 1 nối qua Đức từ dưới biển Baltic. Gazprom còn nói lệnh cấm vận của phương Tây khiến ảnh hưởng đến việc nhận phương tiện bảo trì.
Hồi tháng trước, các nước EU đồng ý tổng nguồn khí tự nhiên dự trữ tại 27 nước trong khối phải đạt ít nhất 80 % trong mùa đông tới, để tránh sự thiếu hụt trong mùa lạnh. Qui định mới này cũng nêu khí gas dự trữ dưới đất trong lãnh thổ EU sẽ cần đạt 90 % trước mùa đông 2023-2024.
Bà von der Leyen nói mức dự trữ đạt 55 % hồi một tuần trước, và khí tự nhiên hóa lỏng do Mỹ cung cấp đã tăng gấp ba lần.
Chiến tranh ở Ukraine buộc EU phải đánh giá lại các chính sách năng lượng và cắt liên hệ với nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga. Các nước thành viên đã đồng ý cấm 90 % dầu thô Nga từ cuối năm nay, cộng với việc sẽ cấm nhập khẩu than Nga kể từ đầu tháng 8 tới.
EU không đưa khí đốt vào danh mục cấm vận vì ngại tác động rất xấu đến kinh tế châu Âu. Trước chiến tranh ở Ukraine, EU dựa vào 25 % dầu của Nga và 40 % khí tự nhiên của Nga.
Để giảm lệ thuộc năng lượng Nga, EC đã đa dạng hóa các nguồn cung ứng.