Ông Kim Jong Un khẳng định việc Triều TIên phát triển vũ khí là cần thiết để đối đầu với chính sách thù địch của Mỹ và sự tăng cường quân sự ở Hàn Quốc.

Lãnh đạo Triều Tiên khẳng định phát triển vũ khí là cần thiết

Hoàng Vũ | 12/10/2021, 11:18

Ông Kim Jong Un khẳng định việc Triều TIên phát triển vũ khí là cần thiết để đối đầu với chính sách thù địch của Mỹ và sự tăng cường quân sự ở Hàn Quốc.

Theo Reuters, phát biểu tại triển lãm phát triển quốc phòng, khi đứng trước nhiều loại vũ khí, trong đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-16, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết Bình Nhưỡng tăng cường quân đội để tự vệ chứ không phải để gây ra chiến tranh.

"Chúng ta không thảo luận về chiến tranh với bất cứ ai, mà là để ngăn chặn chiến tranh và tăng cường răn đe chiến tranh nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia", Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm 12.10 dẫn lời ông Kim. 

Ông Kim cho rằng các nỗ lực tăng cường quân sự "không giới hạn và nguy hiểm" của Hàn Quốc hiện đang "phá hủy cán cân quân sự ở bán đảo Triều Tiên, gia tăng bất ổn quân sự và nguy hiểm".

"Với lý do vô lý là ngăn chặn các mối đe dọa của chúng ta, Hàn Quốc đã công khai bày tỏ mong muốn giành được lợi thế hơn chúng ta về sức mạnh quân sự", nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh và tuyên bố Triều Tiên sẽ đáp trả bằng "các hành động mạnh mẽ" nếu Hàn Quốc tiếp tục "xâm phạm quyền tự vệ".

kim-jong-un.png
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: Reuters

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh hai miền Triều Tiên đang trong một cuộc chạy đua vũ trang, trong đó cả hai bên đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngày càng tiên tiến và các sức mạnh khác.

Mới đây nhất Hàn Quốc lần đầu thử nghiệm bắn tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và có kế hoạch chế tạo các loại vũ khí mới, gồm tàu ​​sân bay và mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất, còn Triều Tiên đã thúc đẩy chương trình tên lửa của mình. Các nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng đã bắt đầu mở rộng lò phản ứng hạt nhân chính để sản xuất nhiên liệu cho bom hạt nhân.

Trong khi Mỹ bày tỏ sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán ngoại giao bất cứ lúc nào với Triều Tiên, Bình Nhưỡng cho biết họ không quan tâm chừng nào Washington vẫn duy trì các chính sách như trừng phạt và các hoạt động quân sự ở Hàn Quốc.

"Mỹ là gốc rễ của mọi bất ổn. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden khẳng định họ không có ý thù địch với Triều Tiên nhưng tôi rất tò mò xem có ai hay quốc gia nào thực sự tin điều đó. Đây là điều khó tin khi họ tiếp tục có những phán xét và hành động sai trái", ông Kim nói.

Theo nhà lãnh đạo Triều Tiên, các mối đe dọa quân sự mà Bình Nhưỡng đang phải đối mặt khác với những gì chúng ta đã thấy hồi 10, 5 hoặc 3 năm trước. Ông cho rằng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ không dễ dàng được giải quyết "do Mỹ".

Triều tiên nhìn nhận tình hình kinh tế tồi tệ?

Trước đó, hãng thông tấn KCNA hôm 11.10 đưa tin ông Kim Jong Un đã chỉ đạo chính quyền tập trung cải thiện cuộc sống của người dân trong tình hình kinh tế gặp nhiều thử thách.

Tại sự kiện mừng đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền (WPK) tròn 76 tuổi ở Bình Nhưỡng hôm 10.10, ông Kim nói Triều Tiên đang đối mặt những nhiệm vụ lớn trong việc điều chỉnh và phát triển kinh tế nhà nước, cũng như hoàn thành nhiều mục tiêu kinh tế được đưa ra trong các cuộc họp gần đây.

“Cách duy nhất để đẩy mạnh công việc cực kỳ quan trọng chưa có tiền lệ này trong tình thế gian nan đối với toàn đảng là phải đoàn kết”, ông Kim nói, đồng thời nhắc nhở cán bộ chính quyền không nên mong đợi đặc quyền đặc lợi mà “nên luôn xem xét liệu công việc của họ có xâm phạm tới lợi ích của người dân hay gây rắc rối cho người dân hay không”.

Nền kinh tế Triều Tiên được cho đang gặp khó khăn trong nhiều năm qua, do các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình vũ khí và hạt nhân của nước này. Bên cạnh đó, các loại thiên tai như như mưa bão và lũ lụt cũng gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng.

Một báo cáo do Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố vào tháng 7 cho thấy Triều Tiên đang đứng trước nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng trong năm nay. Báo cáo đánh giá Triều Tiên có thể rơi vào khủng hoảng lương thực sau đại dịch COVID-19.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãnh đạo Triều Tiên khẳng định phát triển vũ khí là cần thiết