Lò phản ứng module cỡ nhỏ (SMR) là một giải pháp thay thế nguồn khí đốt Nga, nhưng nó cũng có thể dẫn đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân tràn lan.
Theo AP ngày 10.9, SMR là các lò phản ứng nước áp lực giống như khoảng 400 lò phản ứng mà thế giới hiện có. SMR có sản lượng dưới 300.000 kilowatt thay vì 1 triệu kW ở một lò phản ứng thông thường.
“Lắp ráp SMR dễ như chơi trò lắp ráp LEGO”
Lợi thế chính của công nghệ SMR là kích thước nhỏ hơn lò phản ứng tiêu chuẩn ở các nhà máy điện hạt nhân khổng lồ. Thay vì xây lò phản ứng tại chỗ và điều chỉnh phù hợp với địa điểm, người ta có thể xây hàng loạt SMR và vận chuyển khắp thế giới để lắp đặt nhanh và tương đối dễ dàng.
Các trạm điện hạt nhân SMR dễ xây và dễ lắp đặt nên rẻ tiền hơn, vận hành an toàn và khiến điện hạt nhân sạch hơn và rẻ hơn.
Một SMR của hãng Rolls-Royce (Anh) có giá ước tính từ 2,5 tỷ đến 3,2 tỷ USD. Để so sánh, kinh phí xây một nhà máy điện hạt nhân 1.100 megawatt là từ 6 tỷ đến 9 tỷ USD.
Người phát ngôn Dan Gould của Rolls-Royce SMR nói các lò phản ứng SMR của hãng có giá bán rẻ hơn và đưa vào hoạt động nhanh hơn các nhà máy điện hạt nhân tiêu chuẩn.
Rolls-Royce dự báo mất 5 năm rưỡi để xây xong các SMR đầu tiên ở khắp Vương quốc Anh. Việc này dự kiến nhanh hơn hai năm so với thời gian xây một nhà máy điện hạt nhân chuẩn từ năm 2016 đến năm 2021, theo các số liệu thống kê của Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc tế (IAEA).
Gould cho biết các thành phần của SMR có thể được sản xuất tại một xí nghiệp, rồi dùng xe kéo đưa đến điểm được chọn lập nhà máy SMR và lắp ráp tại đó. Điều này khiến công nghệ trên thu hút sự quan tâm của người mua không có nhiều tiền. Ông nói: “Cứ như trò lắp ráp LEGO vậy, xây ở cấp độ nhỏ thì giảm được nhiều rủi ro và khiến nó là một dự án có thể đầu tư”.
Hồi tháng 8, Rolls-Royce SMR cũng ký một thỏa thuận với công ty phát triển ULC-Energy (Hà Lan) để lắp đặt các SMR ở Hà Lan.
Tương tự, công ty NuScale Power ở Oklahoma (Mỹ) hồi năm 2021 đã ký thỏa thuận thăm dò khả năng xây SMR dành cho ngành công nghiệp nặng với hai công ty Ba Lan là nhà sản xuất bạc-đồng KGHM và nhà sản xuất năng lượng UNIMOT. Ba Lan hiện muốn chuyển đổi từ nhà máy điện chạy than gây ô nhiễm môi trường thành sử dụng điện hạt nhân.
Rủi ro SMR được dùng để phát triển vũ khí hạt nhân
Từ sau khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine diễn ra, thế giới lao vào tìm nguồn năng lượng thay thế. Điều này khiến nhiều nước chú ý đến SMR để bảo đảm an ninh năng lượng.
Hiện Pháp đã dựa vào điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện. Trong khi đó, Đức đang xem xét khả năng tái sử dụng hai lò phản ứng hạt nhân vốn được lên kế hoạch đóng cửa vào cuối năm nay, vào lúc Nga đã cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1.
Tuy nhiên, vào lúc Rolls-Royce SMR và các đối thủ cạnh tranh đã ký những thỏa thuận với các nước (như Anh, Ba Lan) để bắt đầu xây SMR, vẫn còn phải chờ ít nhất 5 năm rưỡi mới có thể vận hành các SMR này, và như vậy chưa thể giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện đang “vùi dập” châu Âu.
Điện hạt nhân cũng đặt ra nhiều rủi ro, gồm việc xử lý chất thải phóng xạ và nguy cơ công nghệ này lọt vào tay các thế lực muốn theo đuổi chương trình sản xuất và sở hữu vũ khí hạt nhân. Các rủi ro này còn trầm trọng thêm, từ việc nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của châu Âu ở Zaporizhzhia (Ukraine) bị pháo kích suốt vài tháng qua và gây ra sự lo sợ bùng nổ một thảm họa hạt nhân.
Nhưng từ sau chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine, “sự lệ thuộc nguồn khí đốt nhập khẩu và nguồn năng lượng của Nga đã khiến người ta chú trọng đến an ninh năng lượng”, theo lời người phát ngôn của Rolls-Royce SMR.
Một đối tác khác của Roll Royce SMR là Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà Nga đang xây nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở vùng duyên hải miền nam. Các nhà bảo vệ môi trường nói đây là một khu vực thường xảy ra động đất và có thể là mục tiêu tấn công của các tổ chức khủng bố.
Các nhà bảo vệ môi trường phản đối việc sử dụng công nghệ điện hạt nhân “chưa được chứng minh độ an toàn” như SMR. Họ nói sự lắp đặt tràn lan các lò phản ứng nhỏ này sẽ càng gây nghiêm trọng cho việc xử lý chất thải phóng xạ hạt nhân mức cao.
Người phát ngôn Gould của Roll Royce SMR nói một SMR trong 60 năm hoạt động chỉ phát thải chất thải hạt nhân ở mức “cao chỉ 1 mét và trong chỉ một sân quần vợt”. Ông giải thích ban đầu chất thải sẽ được đưa vào kho tại các nhà máy ở Anh, sau đó sẽ được chuyển đến một bãi chứa lâu năm do chính phủ Anh tuyển chọn.
Nhưng M.V. Ramana, một giáo sư về chính sách công và các vấn đề toàn cầu tại Đại học British Columbia, trích dẫn nghiên cứu cho thấy “không có cách nào chứng minh” chất thải hạt nhân - được lưu trữ ở nơi mà các cơ quan chức năng coi là địa điểm an toàn - sẽ không thoát ra ngoài trong tương lai.
Giáo sư Ramana, người chuyên về an ninh quốc tế và năng lượng hạt nhân, cho biết: “Nhiệt lượng liên tục do chất thải tạo ra có thể làm thay đổi các tường đá nơi nó được lưu trữ và cho phép nước thấm vào, trong khi các hoạt động khai thác trong tương lai có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của bãi chứa chất thải hạt nhân”.
Cũng có những nghi ngờ về nguy cơ xuất khẩu công nghệ SMR đến các vùng bất ổn về chính trị. Gould nói Rolls-Royce “hoàn toàn tuân thủ” các quy định của Anh và quốc tế trong việc xuất khẩu công nghệ SMR “đến những vùng lãnh thổ có ký tham gia các hiệp định quốc tế về sử dụng điện hạt nhân phục vụ hòa bình”.
Nhưng giáo sư Ramana nói không thể bảo đảm tất cả các quốc gia sẽ tuân thủ các quy định: “Bất kỳ quốc gia nào có lò phản ứng hạt nhân đều tự động tăng cường khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân”. Ông nói thêm rằng mỗi SMR “có thể sản xuất 10 bom hạt nhân mỗi năm”.
“Rolls-Royce SMR có thể chọn ngừng cung cấp nhiên liệu và các dịch vụ khác cho bất kỳ ai vi phạm các quy định, nhưng “nếu bất kỳ quốc gia nào vi phạm quy định thì họ chỉ cần yêu cầu IAEA ngừng thanh tra, chẳng hạn như Iran đã làm”, giáo sư Ramana nói.
Và dù nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng thường phải trải qua quá trình tái xử lý hóa học để tạo ra loại plutonium được sử dụng trong vũ khí hạt nhân, ông Ramana cho biết công nghệ tái chế này đã được biết đến rộng rãi. Người ta không cần một nhà máy tái chế hiện đại mới có thể sản xuất lượng plutonium cần thiết cho vũ khí hạt nhân.