Cảnh sát và binh lính Myanmar đến vào nửa đêm, bắn súng chỉ thiên, ném đá vào cửa sổ và dọa lái xe tông sập cửa nếu không ai mở.
Trong khi gia đình Shwe Win đang ngủ, lúc đó là 2 giờ 30 phút sáng, thì lực lượng an ninh đến để bắt Win Htut Nyein - con trai Shwe Win. Lúc thấy người, họ đánh rồi còng tay chàng thanh niên 19 tuổi, sau đó đưa đi. Gia đình cho biết Nyein bị bắt vì quay phim cảnh sát trong cuộc biểu tình tại Mandalay một ngày trước.
Hơn 2 tuần sau, ông Win chưa tìm thấy con trai. Giới chức trách nói rằng họ không có thông tin về vụ bắt giữ.
“Tôi cảm thấy vô cùng tuyệt vọng, như thể mất hết tất cả vậy. Tôi vẫn không biết con trai đang ở đâu. Tôi không muốn con mình chết trong tay họ và rất lo ngại họ tra tấn thằng bé”, ông Win chia sẻ.
Đây chỉ một trong số rất nhiều trường hợp sa lưới lực lượng an ninh từ khi đảo chính xảy ra cho đến nay. Cảnh sát cùng binh lính tiến hành hàng loạt đợt tìm kiếm và bắt giữ người chống đối quân đội vào ban đêm. Vài người kịp trốn đi, một số khác bị bắt rồi được thả, nhưng có không ít trường hợp mất tích.
Tính đến ngày 26.3, lực lượng an ninh Myanmar đã giết hại hơn 320 người và bắt giữ/truy tố gần 3.000 người. Ngày 27.3 vừa có thêm ít nhất 114 người thiệt mạng.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc xác định hàng trăm người bị giam bất hợp pháp đã mất tích, ít nhất 5 trường hợp chết trong nơi giam giữ và 2 trường hợp chịu tra tấn.
Trong số người bị giam có Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi cùng hàng loạt chính trị gia đảng Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (NLD). Quân đội truy tố bà Suu Kyi với hàng loạt cáo buộc, không cho bà gặp luật sư.
Theo một số nhân chứng và người từng bị bắt, lực lượng an ninh lúc bắt người còn lấy cả tiền, điện thoại và chìa khóa xe. Những người biểu tình cho biết họ phải đưa tiền mới được trả tự do. Nhưng như vậy vẫn còn may mắn.
Tại Mandalay, Myo Hein Kyaw bị bắt trong một cuộc biểu tình rồi mất tích. Bốn ngày sau gia đình nhận thông báo anh đã qua đời và thi thể được hỏa táng. Ở vài trường hợp khác, thi thể được trả về gia đình với đầy thương tích mà chẳng có lời giải thích thỏa đáng.
Thành viên đảng NLD Zaw Myat Lynn bị bắt vào nửa đêm 8.3. Ngày hôm sau cảnh sát hướng dẫn Phyu Phyu Win - vợ của ông - đến bệnh viện quân đội nhận diện thi thể.
Bà Win nhìn thấy trên mặt chồng có nhiều vết bầm. Phần thi thể còn lại quấn trong vải nhưng hình chụp cho thấy vết thương ở bụng (được xem là nguyên nhân gây tử vong). Báo cáo khám nghiệm tử thi viết rằng ông Lynn bị thương khi cố nhảy từ độ cao gần 2 mét xuống hàng rào chạy trốn.
“Tôi chắc chắn họ tra tấn rồi giết chồng tôi”, bà Win khẳng định.
Trong nỗ lực tìm kiếm những người chống đối quân đội, lực lượng an ninh thường dùng chiến thuật bắt người nhà hoặc đồng nghiệp, cố gắng lấy được thông tin hữu ích.
Nhà lập pháp Sithu Maung là mục tiêu lực lượng an ninh truy lùng nhiều tuần. Sáng 6.3, cảnh sát cùng binh lính ập vào nơi ở của Khin Maung Latt - cộng sự thân thiết của ông Maung - và đưa người đi. Hôm sau người nhà nhận thông báo đến nhận thi thể. Lưng thi thể đầy vết bầm, trên đầu có vết khâu.
Tiếp theo đến lượt gia đình Maung. Cảnh sát cùng binh lính phá cửa, chĩa súng vào mọi người, sau đó bắt cha của ông. Người nhà kể lại lực lượng an ninh đánh người, lục lọi căn nhà, lấy đi điện thoại, vàng cùng tiền mặt, lúc rời đi còn bắn chỉ thiên.
Phía quân đội Myanmar thừa nhận sát hại 164 người, nhưng tuyên bố rằng đây đều là trường hợp tấn công lực lượng an ninh bằng vũ khí tự chế. Họ không bình luận gì về số người qua đời hoặc mất tích trong lúc bị giam.
Ở miền nam Myanmar, sinh viên Đại học Myeik tập trung biểu tình. Binh lính bao vây nhóm biểu tình 70 người, đưa tất cả đến một căn cứ không quân gần đó rồi dùng gậy gộc, ống nhựa, dây xích đánh đập, giáo viên Nay Lin kể lại.
Hồi đầu tuần qua, quân đội Myanmar đã thả hơn 600 người biểu tình nhằm xoa dịu phong trào chống đối. Tuy nhiên động thái này dường như chẳng có tác dụng.