Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 21.4 đã ủng hộ áp đảo dự luật đối phó Bắc Kinh về nhân quyền và cạnh tranh kinh tế cùng nhiều lĩnh vực khác.

Lưỡng đảng Mỹ đồng lòng cao trong dự luật mới đối phó Trung Quốc

Hoàng Vũ | 22/04/2021, 11:28

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 21.4 đã ủng hộ áp đảo dự luật đối phó Bắc Kinh về nhân quyền và cạnh tranh kinh tế cùng nhiều lĩnh vực khác.

Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa của Mỹ có thể vẫn tranh cãi gay gắt, nhưng trước yêu cầu cấp bách chống lại sự bành trướng và ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu trong một chiến lược toàn diện thì lưỡng đảng đã có sự đồng lòng cao.

Theo Nikkei, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã thông qua "Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021" với tỷ lệ áp đảo 21-1. Dự luật này hiện đang được đưa ra để bỏ phiếu trước toàn thể Thượng viện Mỹ.

Dự luật có độ dài gần 300 trang, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chiến lược ngoại giao, triển khai quân sự, cạnh tranh các giá trị, đến kiềm chế "hoạt động kinh tế quốc tế mang tính săn mồi" của Trung Quốc và tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói đây là đạo luật đầu tiên trong chuỗi các đạo luật để Mỹ đối phó với thách thức Trung Quốc "trên mọi khía cạnh quyền lực, chính trị, ngoại giao, kinh tế, đổi mới, quân sự và thậm chí là văn hóa".

5sabpidjzrf33k2zyl2falh2w4.jpeg
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menedez - Ảnh: Getty

Ông và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch, thành viên lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Ủy ban đã chấp bút phần nội dung biện pháp của "Đạo luật Cạnh tranh chiến lược". Ông Risch gọi đó là "sự đồng thuận thực sự của lưỡng đảng".

Dự luật lưu ý rằng "rõ ràng là CHND Trung Hoa (Trung Quốc) đã chọn con đường theo đuổi các chính sách kinh tế con buôn, do nhà nước bảo trợ, một mô hình quản trị ngày càng độc đoán trong nước thông qua việc gia tăng các hạn chế đối với quyền tự do cá nhân”.

"Để đối phó, Mỹ đã bị buộc phải kiểm tra lại và sửa đổi chiến lược của mình đối với CHND Trung Hoa", dự luật cho hay, đồng thời nhấn mạnh các mục tiêu như duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Dự luật cũng muốn biến Trung Quốc trở thành ưu tiên của toàn chính phủ ở một mức độ chưa từng thấy trước đây, thông qua việc khuyến nghị mọi bộ và cơ quan liên bang chỉ định một quan chức cấp cao từ cấp thứ trưởng trở lên, nhằm điều phối các chính sách xung quanh cuộc cạnh tranh chiến lược của Washington - Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, các điều khoản trong dự luật nhấn mạnh "ưu tiên những khoản đầu tư quân sự cần thiết để đạt được mục tiêu chính trị của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". "Chính sách của Mỹ phản ánh mức độ quan trọng và ý nghĩa cao của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với các lợi ích chính trị, kinh tế và an ninh của Mỹ", dự luật nêu rõ.

Theo dự luật, các thiết bị quốc phòng dư thừa sẽ được bán với giá rẻ hoặc được cung cấp dưới dạng tài trợ để giúp hiện đại hóa lực lượng vũ trang của một quốc gia đối tác. Hiện Mỹ đang ưu tiên cho Philippines ở khu vực châu Á.

Ngoài ra, dự luật mở rộng danh sách ưu tiên bao gồm Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Malaysia. Dự luật cũng cho phép tổng thống tặng cho một quốc gia hai khinh hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Oliver Hazard Perry trong số những tàu được liệt kê ở trên.

Đối với Đài Loan, nơi mà Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Washington "nên tránh xa", dự luật nói rằng Mỹ không nên hạn chế khả năng tương tác của các quan chức với các đối tác Đài Loan cũng như yêu cầu tăng tài trợ về an ninh và thắt chặt quan hệ với Đài Loan.

Các kế hoạch chi tiêu khác trong dự luật bao gồm 300 triệu USD hàng năm cho Quỹ Chống ảnh hưởng của Trung Quốc để hỗ trợ hoạt động rộng rãi - từ thúc đẩy sự minh bạch ở các quốc gia Vành đai và Con đường cho đến chống lại các chiến dịch thông tin sai lệch trực tuyến của Bắc Kinh.

Dự luật mở rộng phạm vi của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan giúp đánh giá kỹ các giao dịch tài chính về các rủi ro tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia. Trong nước, dự luật cũng sẽ tài trợ cho các chương trình bao gồm một chương trình giúp các công ty Mỹ chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Đối với khu vực Mỹ Latinh, dự luật sẽ chống lại các hoạt động cho vay của Trung Quốc bằng cách thúc đẩy tăng vốn cổ phần của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ thêm 80 tỉ USD trong vòng 5 năm.

reu_flags.jpeg
Dự luật đốt phó Trung Quốc nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng và dự kiến sẽ sớm được thông qua - Ảnh: Reuters

Trong số các sửa đổi vào phút chót có đề xuất "tẩy chay ngoại giao" đối với Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, đã được thông qua.

Dự luật được coi là bước đầu tiên tích cực của Mỹ để đối mặt với thách thức ngày càng tăng từ Trung Quốc. Dù hoan nghênh dự luật nhưng Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mitt Romney không tin luật này sẽ thay đổi chiến lược của Trung Quốc hướng tới bá quyền toàn cầu.

“Chúng ta còn nhiều việc phải làm đối với một chiến lược toàn diện, hiệu quả để thay đổi đường lối của Trung Quốc và đảm bảo vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới trong tương lai dài", ông nói hôm 21.4.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lưỡng đảng Mỹ đồng lòng cao trong dự luật mới đối phó Trung Quốc