Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky tối 20.4 nói rằng nước này sẽ "chiến đấu cho đến người cuối cùng" trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Nga, sau khi căng thẳng tiếp tục gia tăng dọc theo biên giới.
"Ukraine có muốn chiến tranh không? Không. Có sẵn sàng cho chiến tranh không? Có", ông Zelensky nói trong một bài phát biểu vào ngày 20.4, theo The New York Times. "Nguyên tắc của chúng tôi rất đơn giản: Ukraine không gây chiến trước, nhưng Ukraine luôn chiến đấu cho đến người cuối cùng".
Tuyên bố của ông Zelensky được đưa ra trước khi diễn ra bài phát biểu thường niên của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 21.4. Trong bài phát biểu của mình, ông Zelensky đã chỉ đích danh ông Putin, thúc giục ông đến tham dự một hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Donbas, một khu vực bị chiến tranh tàn phá nơi quân đội Ukraine đã chiến đấu với phe ly khai do Nga hậu thuẫn trong nhiều năm.
"Không thể mang lại hòa bình trên một chiếc xe tăng", ông Zelensky nói bằng tiếng Nga, trước khi nói thêm: "Tôi sẵn sàng mời quý ngài đến gặp bất cứ nơi nào ở vùng Donbas Ukraine, nơi luôn có sự hiện diện của chiến tranh".
Cho đến nay, Mỹ và NATO đã thực hiện "các hành động khiêu khích" với ít nhất hai tàu chiến ở Biển Đen, The Hill đưa tin, do căng thẳng giữa Nga và Ukraine ngày càng gia tăng.
Trong những ngày gần đây, Nga đã tập trung lực lượng binh sĩ lớn nhất trong khu vực trong nhiều năm, làm dấy lên lo ngại rằng nước này có thể lên kế hoạch xâm lược. Căng thẳng giữa hai quốc gia đã lên đến mức cao nhất kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và giao tranh quy mô lớn đã nổ ra ở miền đông nước này. Cuộc xung đột đó đã cướp đi sinh mạng của gần 14.000 người.
Tuần trước, NBC News đưa tin, quân số Nga hiện có ít nhất 40.000 ở Crimea, 40.000 quân khác ở các khu vực dọc biên giới, tương đương 10% toàn bộ lực lượng quân sự của nước Nga.
Vào ngày 15 tháng 4, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cảnh báo rằng nếu Nga vượt qua 'lằn ranh đỏ', nước của họ sẽ phải "hứng chịu trách nhiệm".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuần trước nói thêm rằng sự hiện diện của Nga trong khu vực đã làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng cho Ukraine và cả các nước phương Tây.
Ông Blinken cho biết vào ngày 13.4: “Chúng tôi đang chứng kiến sự tập trung đông đảo nhất của lực lượng Nga ở biên giới Ukraine kể từ năm 2014".
Cuối ngày hôm đó, Tổng thống Joe Biden kêu gọi Nga "giảm leo thang căng thẳng" trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Biden cũng "nhấn mạnh sự kiên định của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", theo các báo cáo.
Tuần trước, chính quyền Biden cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ Moscow đối với dự án hack SolarWinds tấn công vào các cơ quan chính phủ Mỹ và can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020.
Cho đến nay, Nga đã phủ nhận kế hoạch bắt đầu một cuộc xung đột quân sự với Ukraine, và thay vào đó đã cáo buộc các phương tiện truyền thông phương Tây làm gia tăng căng thẳng một cách sai trái.
Theo The Hill, phát ngôn viên Maria Zakharova tuần trước cho biết: “Truyền thông Ukraine và phương Tây đang thổi phồng vấn đề hoạt động quân sự của Nga gần biên giới với Ukraine".
Trong bài phát biểu trước công đoàn vào ngày 21.4, ông Putin cáo buộc các nước phương Tây đang cố gắng "áp đặt ý chí của họ lên các nước khác bằng vũ lực".
"Tôi hy vọng rằng không nước nào sẽ nghĩ đến việc vượt qua 'lằn ranh đỏ' trong mối quan hệ với Nga, điều mà chính chúng tôi sẽ xác định trong từng trường hợp cụ thể", Tổng thống Nga nói và cho biết thêm: "Phản ứng của Nga sẽ nhanh chóng và khốc liệt".