Theo các nhà phân tích, chính phủ Mỹ đã giáng một đòn mới vào tham vọng bán dẫn của Trung Quốc bằng cách đưa 21 công ty sản xuất chip AI (trí tuệ nhân tạo) tiên tiến và hãng chip nhớ số 1 nước này vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể).
YMTC là nhà sản xuất chip nhớ số 1 Trung Quốc, từ lâu đã bị Mỹ chú ý. Việc Mỹ thêm 36 công ty, gồm cả YMTC, công ty con của YMTC tại Nhật Bản và Cambricon Technologies (nhà phát triển chip AI hàng đầu Trung Quốc), vào danh sách thực thể là sự leo thang rõ ràng trong cuộc chiến chip giữa hai cường quốc. Động thái này cũng cho thấy Mỹ quyết tâm ngăn chặn Trung Quốc tiến xa hơn trong công nghệ chip tiên tiến.
Theo Wang Lifu, nhà phân tích tại công ty tư vấn ngành công nghiệp chip ICWise có trụ sở tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), YMTC sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu máy móc, vật liệu và linh kiện để nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip do bị thêm vào danh sách thực thể.
“Việc sản xuất và vận hành bình thường sẽ trở nên khó khăn”, Wang Lifu nhận xét.
Hầu hết các công ty Trung Quốc bị Mỹ thêm vào danh sách thực thể đều không bình luận về vấn đề này.
Một lãnh đạo Cambricon Technologies (niêm yết ở Thượng Hải) nói với các nhà đầu tư rằng họ vẫn đang đọc tài liệu và đánh giá tác động có thể xảy ra. Những hãng khác, gồm cả YMTC, đã lên tiếng rất ít sau khi Cục Công nghiệp và An ninh (BIS), cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ, nêu tên 36 thực thể bị cho là “hành động trái với an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ”.
Shanghai Micro Electronics Equipment (SMEE) cũng nằm trong số những công ty bị Mỹ đưa vào danh sách thực thể. SMEE là hãng cung cấp thiết bị sản xuất chip thuộc sở hữu chính phủ Trung Quốc, đang phải vật lộn để bắt kịp các công ty tiên tiến cùng ngành.
Hành động của Mỹ đánh dấu đợt lớn nhất các thực thể Trung Quốc bị thêm vào danh sách thực thể kể từ tháng 1.2021, được công bố hai tháng sau khi BIS khởi xướng một đợt kiểm soát xuất khẩu mới nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ và nhân tài sản xuất chip tiên tiến.
Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng phản đối hành động của Mỹ. Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc coi đây là “hành vi bóp méo thị trường và bắt nạt kinh tế điển hình”, đồng thời cam kết rằng nước này sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của các thực thể Trung Quốc.
Hôm 12.12, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này đã khởi kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip.
Song trên thực tế, các lựa chọn trả đũa từ Trung Quốc bị hạn chế do nhiều công ty sản xuất chip của họ phụ thuộc vào công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ ở một mức độ nào đó.
Khi bị Mỹ đưa vào danh sách chưa được xác minh vào đầu tháng 10, YMTC đã cam kết tuân thủ quy định trên toàn cầu. Thế nhưng, BIS vẫn quyết định đưa YMTC vào danh sách thực thể, cáo buộc rằng hãng chip nhớ hàng đầu Trung Quốc đã chuyển giao công nghệ cho các công ty bị Mỹ trừng phạt trước đó là Huawei Technologies Co và Hangzhou Hikvision.
Các công ty bị thêm vào danh sách chưa được xác minh nếu Mỹ không thể hoàn thành các chuyến thăm tại chỗ để xác định xem chúng có đáng tin cậy để nhận hàng xuất khẩu công nghệ nhạy cảm từ Mỹ hay không. Hoạt động kiểm tra ở Trung Quốc cần có sự chấp thuận của Bộ Thương mại nước này.
Việc bị thêm vào danh sách chưa được xác minh buộc các nhà cung cấp Mỹ phải thực hiện thẩm định kỹ lưỡng hơn trước khi giao hàng cho các công ty mục tiêu.
Nếu chính phủ Trung Quốc ngăn cản các quan chức Mỹ tiến hành kiểm tra tại các công ty trong danh sách chưa được xác minh, chính quyền Biden có thể thêm chúng vào danh sách thực thể sau 60 ngày.
Hefei Core Storage Electronic, công ty thiết kế các hệ thống và bộ điều khiển NAND flash, cũng bị Mỹ thêm vào danh sách thực thể cùng với PXW Semiconductor Manufacturing Co, hãng đang trong quá trình sản xuất chip 28 nanomet vào năm 2025.
Những cái tên khác bị Mỹ thêm vào danh sách thực thể gồm 6 công ty liên kết với China Electronics Technology Group (công ty CNTT và điện tử lớn thứ ba trong nước) và Chinese Academy of Sciences (Viện Khoa học Trung Quốc, nơi cho ra đời CPU đa năng đầu tiên của nước này).
Khi chính quyền Biden thắt chặt các hạn chế xuất khẩu, ngày càng nhiều người nói về khả năng Trung Quốc có thể tạo ra những bước đột phá về chất bán dẫn mà không cần tiếp cận với các công nghệ của Mỹ. Những công ty bị thêm vào danh sách thực thể phải xin giấy phép đặc biệt để mua các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ.
Danh sách này chỉ là một phần trong kế hoạch chiến lược từ Mỹ nhằm ngăn chặn sự phát triển chip của Trung Quốc.
“Việc đưa YMTC vào danh sách đen chỉ nên là bước đầu tiên. Chúng tôi kêu gọi BIS tiếp tục cảnh giác để YMTC không thể lách các hình phạt ngày hôm nay”, Roslyn Layton, đồng sáng lập US think tank China Tech Threat (tổ chức tư vấn của Mỹ về mối đe dọa công nghệ từ Trung Quốc), cho hay. US think tank China Tech Threat lây nay đã thúc đẩy cách tiếp cận cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc.
Chuck Schumer, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ hàng đầu, đã báo trước việc áp dụng các hình phạt mới với YMTC.
“YMTC đặt ra mối đe dọa ngay lập tức với an ninh quốc gia của chúng ta, vì vậy chính quyền Biden cần phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn YMTC giành được dù chỉ một inch lợi thế quân sự hoặc kinh tế”, ông tuyên bố.
Song đã có tia hy vọng cho một số công ty Trung Quốc. BIS đã thông báo trong một tài liệu riêng rằng đang loại bỏ 26 thực thể Trung Quốc khỏi danh sách chưa được xác minh, gồm cả Beijing Naura Magnetoelectric Technology, một công ty con của nhà cung cấp công cụ sản xuất chip Naura Technology Group, sau khi Mỹ có thể xác minh sự trung thực của họ.
YMTC đối mặt nhiều khó khăn vì bị Mỹ thêm vào danh sách đen
Theo các nhà phân tích, YMTC có thể thấy hoạt động sản xuất bị cản trở và tiến bộ công nghệ bị hạn chế khi lọt vào danh sách đen thương mại của Mỹ.
YMTC hiện kiểm soát 5 đến 6% thị trường bộ nhớ NAND flash toàn cầu, theo nghiên cứu của công ty quản lý tài sản Bernstein.
Danh sách thực thể sẽ gây ra sự gián đoạn thương mại lớn hơn với YMTC, bởi phạm vi của nó “bao gồm mọi thứ”. Các quy tắc hiện tại yêu cầu các công cụ có khả năng sản xuất chip NAND flash 128 lớp phải được Mỹ phê duyệt để xuất khẩu sang Trung Quốc.
G. Dan Hutcheson, Phó chủ tịch của công ty nghiên cứu chất bán dẫn TechInsights, nói: “Việc YMTC bị thêm vào danh sách thực thể sẽ không làm giảm hoàn toàn hoạt động sản xuất hiện tại của công ty. Thế nhưng, nó sẽ cản trở quá trình sản xuất và phát triển sản phẩm do hạn chế tiếp cận các nhà cung cấp Mỹ”.
Dylan Patel, nhà phân tích chính của công ty SemiAnalysis (có trụ sở tại thành phố Los Angeles, Mỹ), nói YMTC vẫn có thể sản xuất trong một thời gian do có nhiều công cụ dự phòng, nhưng công nghệ của nó sẽ bị giới hạn ở 128 lớp. Chip nhớ hàng đầu trong ngành hiện có hơn 200 lớp.
Được thành lập vào năm 2016, YMTC đến sau trong ngành NAND flash nhưng đã vượt lên trở thành công ty hàng đầu trên thị trường. Một báo cáo gần đây của hãng TechInsights ghi nhận "YMTC với việc sản xuất NAND flash 232 lớp đã đi trước các đối thủ”, giúp công ty Trung Quốc trở thành đối thủ nặng ký với những gã khổng lồ toàn cầu như Micron Technology (Mỹ), Samsung Electronics và SK Hynix (Hàn Quốc).
Tờ FT từng đưa tin YMTC dường như đã vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ bằng cách cung cấp chip nhớ NAND cho smartphone của Huawei.
Các nhà làm luật Mỹ trong nhiều tháng đã thúc ép chính quyền Biden đưa YMTC vào danh sách thực thể. Các nhà làm luật Mỹ cũng đã cảnh báo rằng Apple sẽ phải đối mặt với sự giám sát gắt gao nếu tiến hành kế hoạch mua chip từ YMTC.
Nhà Trắng từng mô tả YMTC là “nhà vô địch quốc gia Trung Quốc”.
Ngoài lo ngại YMTC vi phạm luật pháp Mỹ, chính quyền Biden còn sợ YMTC sẽ bán chip nhớ dưới giá thành và gây áp lực lên các công ty Mỹ cũng như các nước đồng minh.
Vào tháng 10, trang FT đưa tin rằng YMTC đã dự trữ thiết bị sản xuất chip nước ngoài trong nhiều tháng khi dự đoán rằng chính quyền Biden đang chuẩn bị thực hiện hành động gây tổn hại cho công ty.