Sản lượng vi mạch tích hợp (IC) của Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm 26,7% so với một năm trước.
Điều này đánh dấu sự sụt giảm kỷ lục hàng tháng lớn nhất với ngành bán dẫn Trung Quốc, trong bối cảnh nhu cầu yếu khiến tăng trưởng xuất khẩu của nước này lần đầu tiên giảm hơn 2 năm.
Sản lượng vi mạch tích hợp vào tháng 10 đạt tổng cộng 22,5 tỉ đơn vị, cho thấy số lượng giảm nhiều hơn so với mức sụt giảm 24,7% trong tháng 8, theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 15.11.
Tháng 10 chứng kiến mức giảm một tháng lớn nhất kể từ khi các kỷ lục bắt đầu vào năm 1997.
Sản lượng chip của tháng 10 cũng thấp hơn mức 25,9 tỉ đơn vị được sản xuất vào tháng 4, khi việc phong tỏa trên toàn thành phố làm gián đoạn hoạt động sản xuất ở Thượng Hải và các trung tâm sản xuất Trung Quốc khác.
Tổng sản lượng vi mạch tích hợp của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 267,5 tỉ đơn vị, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của NBS.
Theo NBS, việc sản xuất vi mạch hàng tháng giảm lặp lại trạng thái hoạt động của nhà máy trên toàn quốc do nhu cầu yếu, khi chỉ số quản lý mua hàng sản xuất chính thức giảm xuống 49,2 vào tháng 10, từ mức 50,1 hồi tháng 9. Mốc 50 phân tách sự tăng trưởng với sự co lại hàng tháng.
SMIC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu Trung Quốc, tuần trước cảnh báo rằng nhu cầu yếu hơn với các sản phẩm điện tử tiêu dùng dự kiến sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh doanh của công ty trong nửa đầu năm 2023.
Trong cuộc họp hội nghị hôm 11.11 sau khi công bố kết quả tài chính quý 3, đồng Giám đốc điều hành SMIC - Zhao Haijun cho biết các khách hàng smartphone và điện tử tiêu dùng miễn cưỡng đặt hàng mới vì chi tiêu của người tiêu dùng vẫn còn yếu. Tuy nhiên, nhu cầu từ những người sử dụng công nghiệp “tương đối ổn định”.
Theo dữ liệu công bố vào tháng 10 của công ty nghiên cứu Canalys, nhu cầu giảm khiến lượng smartphone xuất xưởng trong quý 3 tại Trung Quốc chỉ có 70 triệu chiếc, giảm 11% so với một năm trước.
Theo SMIC, một số khách hàng cũng cần thời gian để thấu hiểu các quy tắc kiểm soát xuất khẩu mới nhất của Mỹ.
“Theo giải thích sơ bộ, các quy định mới có tác động tiêu cực đến sản xuất và hoạt động của chúng tôi”, SMIC cho biết trong thông báo kết quả kinh doanh quý 3.
SMIC đi sau TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới có trụ sở ở Đài Loan) và Samsung Electronics về công nghệ sản xuất chip, nhưng công ty có trụ sở tại thành phố Thượng Hải hưởng lợi từ nhu cầu mạnh mẽ về chip tại quê nhà, có thể được sản xuất bằng các công nghệ nút trưởng thành.
Doanh thu quý 3 của SMIC chỉ tăng 0,2% lên 1,91 tỉ USD so với quý 2, nhưng tăng mạnh 34,7% so với 1,42 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng của SMIC là 574,4 triệu USD trong quý 3, tăng 54,1% so với một năm trước, công ty cho biết trong hồ sơ của mình.
SMIC đã tăng kế hoạch chi tiêu vốn trong năm nay lên 6,6 tỉ USD từ mức 5 tỉ USD.
SMIC, công ty duy nhất ở Trung Quốc có thể tạo ra chip theo quy trình 14 nanomet trong sản xuất quy mô lớn, đã bị thêm vào danh sách thực thể của Mỹ hồi tháng 12.2020. Điều này đã ngăn không cho SMIC phát triển công nghệ dưới ngưỡng quan trọng 10 nanomet, vốn thường được sử dụng để sản xuất chip tiên tiến cho smartphone và máy tính bảng.
Gần đây, các phương tiện truyền thông đưa tin SMIC đã đạt được khả năng sản xuất một chip đặc biệt với quy trình 7 nanomet tiên tiến, điều mà công ty chưa bao giờ công khai phủ nhận hoặc xác nhận.
Biên lợi nhuận gộp trong quý 3/2022 của SMIC đạt 38,9%, giảm 0,5 điểm % so với quý 2/2022, theo hồ sơ công ty.
Tháng trước, chính quyền Biden đã mở rộng phạm vi kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao Mỹ nhắm vào các nhà sản xuất chip ở Trung Quốc, sau khi ban hành đạo luật Chips and Science (Chip và khoa học) vào tháng 8 để thúc đẩy sản xuất vi mạch của Mỹ.
Trong khi đó, nhập khẩu chip của Trung Quốc giảm 13,2% xuống còn 458 tỉ đơn vị trong 10 tháng đầu 2022, giảm từ 527,9 tỉ cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố vào tuần trước.
Sự sụt giảm về số lượng đó diễn ra trong bối cảnh các biện pháp kiểm soát nhập khẩu mới từ Mỹ vào đầu tháng 10 và trùng hợp với suy thoái toàn cầu trong ngành bán dẫn, khi ngành này chuyển từ tình trạng thiếu chip sang dư thừa.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu chip lớn nhất thế giới. Chip được sử dụng trong một loạt các ứng dụng từ sản xuất ô tô điện, smartphone đến các thiết bị điện tử tiêu dùng khác.
Nhập khẩu chip ở Trung Quốc bắt đầu giảm trong hai tháng đầu năm 2022, đánh dấu mức giảm đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu Tổng cục Hải quan.
Trong tháng 9, nhập khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc tăng nhẹ lên 47,6 tỉ đơn vị so với 44,9 tỉ trong tháng 8, kết thúc hai tháng giảm.
Khối lượng xuất khẩu chip của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 9 giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 209,7 tỉ đơn vị, nhưng giá trị của chúng tăng 7,3%.
Dữ liệu thương mại suy yếu cũng cho thấy áp lực ngày càng lớn mà Trung Quốc phải đối mặt từ Mỹ trong nỗ lực tự cung tự cấp chất bán dẫn.