Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng phải nhanh chóng mở cửa để doanh nghiệp có thể “thở” được.

Mở cửa - gói hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp lúc này

Lam Thanh | 11/10/2021, 17:28

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng phải nhanh chóng mở cửa để doanh nghiệp có thể “thở” được.

Chiều 11.10, tại Hà Nội, báo Kinh tế và Đô thị phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội (Hanoisme) tổ chức buối giao lưu trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp Việt bản lĩnh, sáng tạo và trách nhiệm trước đại dịch”.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng giãn cách xã hội dẫn đến gián đoạn thị trường là điều khó khăn nhất của doanh nghiệp (DN) thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, việc siết chặt sự đi lại của người lao động, sản xuất không diễn ra bình thường được; chuỗi cung ứng bị đứt gãy, DN có hợp đồng nhưng không thể vận chuyển vật tư, nguyên vật liệu. Hơn nữa, việc cố gắng duy trì sản xuất dẫn đến chi phí của DN đội lên rất lớn, đặc biệt chi phí ''3 tại chỗ''. Điều này dẫn đến hàng hóa sản xuất bị ùn ứ và nếu có sản xuất cũng không bán được hàng.

Theo ông Lộc, nhiều DN hiện nay đang trong tình trạng kiệt quệ. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 9 tháng năm 2021, có 85.000 DN thành lập mới nhưng có tới 90.000 DN rời bỏ thị trường. Đây là lần đầu tiên số DN rời khỏi thị trường lớn hơn DN thành lập mới.

toa-dam.jpg
Các khách mời tại cuộc tọa đàm

Đối với các đơn hàng xuất khẩu, có tới trên 20% số đơn hàng, hợp đồng của DN đã không thực hiện được do đối tác chuyển hợp đồng chuyển đi nơi khác. Đó là đơn hàng, hợp đồng chuẩn bị phục vụ cho dịp Noel và đầu năm mới 2022 do chúng ta phục hồi chậm hơn, mở cửa chậm hơn so với các nước khác. Có thể nói các DN Việt Nam đã bị lỡ mất khoảng 20% cơ hội.

Ông Lộc cho hay, cùng lúc DN phải chịu 3 áp lực lớn: Áp lực về phòng chống dịch, áp lực về kinh tế, và hệ lụy về tâm lý xã hội. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hệ lụy về y tế, hệ lụy về kinh tế dù khắc phục sẽ rất khó khăn và cần nhiều thời gian, song hệ lụy tâm lý xã hội là nặng nề nhất.

“Tôi nghĩ sau cuộc khủng khoảng này, rất nhiều DN sẽ phải rời bỏ thị trường. Bởi họ rất lo lắng, bất an, không thể tiếp tục sản xuất kinh doanh. Đây là thiệt hại vô cùng lớn, tổn thất nặng nề nhất đối với DN nói riêng và nền kinh tế nói chung”, ông Lộc chia sẻ.

Cho rằng mở cửa chính là gói hỗ trợ cho DN, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng điều này để DN “thở” được. Các biện pháp mở cửa thị trường trong bối cảnh TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác đã kiểm soát được dịch COVID-19 thực sự là tín hiệu vui để tái khởi động, phục hồi nền kinh tế và là dấu mốc đánh dấu sự trở lại của các DN.

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, một điều đáng quan tâm là hiện nay rất nhiều lao động ở phía nam trở về quê, dẫn đến sự thiếu hụt lao động cục bộ của các DN sản xuất phía nam. Đăc biệt là khó khăn về lao động trong khu vực dịch vụ đang bị đứt gãy. Về các DN phía bắc, nhiều DN đang cũng đang thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, theo ông Lộc, đây là cơ hội để một lượng lớn người lao động có thể “ly nông bất ly hương”, là cơ hội để chuyển dịch cơ cấu lao động.

Ông Vũ Tiến Lộc đề xuất Chính phủ cần thực hiện giải pháp “5T” để hỗ trợ DN.

Thứ nhất là “Trợ thở”, thực chất là mở cửa một cách kiên định, mở cửa một cách nhanh chóng. Hiện nay, Chính phủ đang chuẩn bị các kịch bản, lộ trình để mở cửa nền kinh tế và kịch bản này cần sớm được hoàn thành và ban hành, sớm ngày nào tốt cho DN, cho các địa phương, cho người dân ngày đó.

Thứ hai là “Tiếp máu”, đây là biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội… Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra những gói hỗ trợ tương đối lớn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần có thêm các chính sách hỗ trợ mới.

Ví dụ như thuế giá trị gia tăng cần mở rộng thêm đối tượng, hay các giải pháp tích hợp về tài khóa, ngân hàng, tiền tệ để tạo sức mạnh cộng hưởng về giải pháp để hỗ trợ DN vượt khó khăn. Ngoài ra, Chính phủ cần có thêm quỹ hỗ trợ hạ lãi suất hay bảo lãnh tín dụng cho các ngân hàng.

Thứ ba là “Thúc đẩy” DN nâng cao năng lực cạnh tranh. DN không chỉ cần mở cửa, mà cần tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực của DN bằng các khóa đào tạo, tập huấn.

Thứ tư là cải cách “Thể chế”, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh. Mục tiêu của Việt Nam là trở thành nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất trong khu vực ASEAN. Vì vậy, nếu không nhanh chóng cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh thì không thể tháo gỡ khó khăn cho DN và vực dậy nền kinh tế.

Thứ năm là “Tổ chức” các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối lại thị trường. Ngoài ra, DN cần chủ động nâng cao năng lực của mình. Muốn nâng cao hiệu quả, khả năng chống chịu với mọi nghịch cảnh thì cần phải chuyển đổi số, xanh hóa, xây dựng mô hình kinh doanh bảo vệ môi trường…

“Có thể khẳng định số hóa, xanh hóa và xã hội hóa là 3 việc rất quan trọng mà các DN phải xây dựng. Đây cũng là hướng phát triển bền vững của DN”, ông Lộc nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
13 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mở cửa - gói hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp lúc này