Moderna cho rằng không có bất kỳ vấn đề gì trong việc phát triển mũi vắc xin tăng cường để bảo vệ chống lại biến thể Omicron và có thể bắt đầu làm điều đó trong vòng vài tuần nữa.

Moderna phát triển vắc xin đặc trị Omicron trong vài tuần tới, 80% ca nhiễm Omicron ở Ấn Độ không có triệu chứng

Sơn Vân | 21/12/2021, 16:59

Moderna cho rằng không có bất kỳ vấn đề gì trong việc phát triển mũi vắc xin tăng cường để bảo vệ chống lại biến thể Omicron và có thể bắt đầu làm điều đó trong vòng vài tuần nữa.

Giám đốc điều hành Moderna - Stephane Bancel cho biết thông tin này trong một cuộc phỏng vấn.

Moderna hy vọng sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào đầu năm tới với loại vắc xin để bảo vệ chống lại biến thể Omicron nhưng đang tập trung vào liều tăng cường của vắc xin mRNA-1273 hiện tại.

"Nó chỉ cần những điều chỉnh nhỏ với Omicron. Tôi không cho rằng có bất kỳ vấn đề nào", ông Stephane Bancel cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ báo TagesAnzeiger (Thụy Sĩ).

Công ty công nghệ sinh học Mỹ đang chờ thông tin quan trọng về biến thể Omicron để bắt đầu phát triển vắc xin mới.

Sẽ mất một hoặc hai tuần nữa để phát triển vắc xin. Sẽ mất vài tháng trước khi chúng tôi có thể sản xuất 500 triệu liều sau khi được phê duyệt theo quy định. Thế nhưng, năng lực của chúng tôi hiện nay cao hơn nhiều so với 1 năm trước", ông Stephane Bancel chia sẻ.

Theo ông Stephane Bancel, nếu các cơ quan như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hay Swissmedic của Thụy Sĩ yêu cầu các nghiên cứu thêm thì điều đó sẽ kéo dài thêm ít nhất 3 tháng.

"Một số nhà chức trách muốn có cuộc nghiên cứu, những người khác vẫn chưa quyết định. Theo tôi, nó phụ thuộc rất nhiều vào mức độ nặng hay nhẹ của bệnh do Omicron gây ra", Chủ tịch Moderna nói.

moderna-phat-trien-vac-xin-dac-tri-omicron-trong-vai-tuan-nua1(1).jpg
Ông Stephane Bancel: "Moderna chỉ cần điều chỉnh nhỏ để phát triển vắc xin đặc trị Omicron trong vài tuần tới" - Ảnh: Getty

Ông Stephane Bancel: Moderna chỉ cần để chỉnh nhỏ để phát triển vắc xin đặc trị Omicron trong vài tuần tới - Ảnh: Getty

Sau sự chậm trễ vào đầu năm 2021, Moderna hiện có thể theo kịp các mục tiêu sản xuất và giao các đơn đặt hàng vắc xin COVID-19 đúng thời hạn.

Moderna đã sản xuất từ ​​700 triệu đến 800 triệu liều vắc xin COVID-19 trong năm nay và dự kiến ​​sẽ tăng sản lượng cao hơn vào 2022, từ ​​100 triệu lên 150 triệu liều một tháng.

Các dây chuyền sản xuất bổ sung đang được xây dựng thông qua thỏa thuận với hãng dược Lonza (Thụy Sĩ) sẽ đi vào hoạt động vào quý 1/2022.

Sau khi ký các thỏa thuận sơ bộ với Canada và Úc, Moderna đã bắt đầu thảo luận với Thụy Sĩ để có thể đảm bảo nguồn cung khi nước này phát triển vắc xin mRNA và quan tâm đến việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các chính phủ khác.

Ông Stephane Bancel cho hay: “Chúng tôi có một số loại vắc xin mới đang được phát triển, chẳng hạn chống lại bệnh cúm hoặc vi rút hợp bào hô hấp gây tử vong ở người già và trẻ nhỏ. Chúng tôi có thể kết hợp ba loại vắc xin mRNA này thành một liều và đề xuất với các chính phủ để đảm bảo nguồn cung với số lượng nhất định trong vài năm, sau đó đầu tư vào một cơ sở sản xuất tại quốc gia đó".

Theo Chủ tịch Moderna, điều này sẽ mang lại cho các quốc gia đó nguồn cung ưu tiên trong trường hợp có đại dịch mới.

Ngày 20.12, Moderna cho biết liều vắc xin COVID-19 tăng cường hiện tại của họ dường như có khả năng bảo vệ chống lại biến thể Omicron trong thử nghiệm ở phòng thí nghiệm.

Tiến sĩ Paul Burton, Giám đốc Y tế của Moderna, nói: “Những gì chúng tôi có hiện tại là mRNA-1273. Nó có hiệu quả cao và cực kỳ an toàn. Tôi nghĩ nó sẽ bảo vệ người dân trong kỳ nghỉ lễ sắp tới và những tháng mùa đông này, khi chúng ta sẽ chứng kiến ​​mức độ nghiêm trọng nhất của Omicron".

Moderna cho biết liệu trình hai liều vắc xin của họ tạo ra kháng thể trung hòa thấp chống lại Omicron, nhưng liều tăng cường 50 microgram làm tăng kháng thể chống lại biến thể này gấp 37 lần. Trong khi liều tăng cường 100 microgram của cùng loại vắc xin này thậm chí làm tăng mức độ kháng thể còn cao hơn, gấp 80 lần.

Dữ liệu vẫn chưa được đánh giá ngang hàng, đã xét nghiệm máu từ những người đã tiêm vắc xin Moderna chống lại pseudovirus (vi rút giả) được thiết kế giống với biến thể Omicron. Nó tương tự với dữ liệu được thảo luận lần trước bởi chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ - Anthony Fauci.

Tiến sĩ Paul Burton cho biết sẽ tùy thuộc vào các chính phủ và cơ quan quản lý để đánh giá xem họ có muốn mức độ bảo vệ nâng cao mà liều vắc xin 100 microgram mang lại hay không.

Moderna nói rằng liều 100 microgram nói chung là an toàn và được dung nạp tốt, mặc dù có xu hướng phản ứng có hại thường xuyên hơn một chút.

Các nhà quản lý Mỹ đã cho phép tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường 50 microgram của Moderna vào tháng 10.2021. Trong khi hai mũi vắc xin ban đầu của Moderna đều có liều lượng là 100 microgram.

Ấn Độ phát hiện 200 ca nhiễm Omicron trên 12 bang, 80% không có triệu chứng

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết đã ghi nhận 200 ca nhiễm biến thể Omicron trên 12 bang, chủ yếu ở bang Maharashtra phía tây và thủ đô New Delhi.

Số ca nhiễm Omicron đã tăng gần gấp đôi trong vòng 1 tuần, nhưng chưa có trường hợp tử vong nào được báo cáo cho đến nay. Dữ liệu cho thấy dưới 40% trường hợp hồi phục hoàn toàn hoặc được xuất viện.

Tương tự Nam Phi, tỷ lệ tiêm vắc xin và mắc COVID-19 cao trong đợt dịch Delta trước đó có thể giúp Ấn Độ hạn chế số ca mắc bệnh nặng cũng như tử vong.

Ấn Độ đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin trong bối cảnh lo ngại về khả năng gia tăng các ca COVID-19. Hiện ít nhất một liều vắc xin được tiêm cho 87% trong số 944 triệu người lớn đủ điều kiện.

Hôm 21.12, Ấn Độ ghi nhận 5.326 ca COVID-19 mới trong 24 giờ qua, con số thấp nhất trong hơn 18 tháng qua. Đến nay, quốc gia Nam Á báo cáo tổng cộng hơn 34,75 triệu ca mắc COVID-19 với 478.007 người chết, song con số thực có thể cao hơn rất nhiều.

Hôm 20.12, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ - Mansukh Mandaviya nói với Quốc hội rằng 80% ca nhiễm Omicron ở nước này không có triệu chứng.

"Chúng tôi đang theo dõi biến thể và trong những ngày tới, sẽ theo dõi ảnh hưởng của nó", ông Mansukh Mandaviya nói.

Thủ hiến bang Delhi - Arvind Kejriwal kêu gọi người dân đeo khẩu trang và kêu gọi chính phủ liên bang cho phép sử dụng mũi vắc xin COVID-19 tăng cường.

Ông Arvind Kejriwal cho biết Delhi đã tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ cho khoảng 70% trong 15 triệu người trưởng thành.

Bài liên quan
‘Mũi vắc xin Moderna thứ 3 giúp tăng kháng thể 37–80 lần, có thể chống lại Omicron’
Ngày 20.12, Moderna cho biết rằng liều vắc xin COVID-19 tăng cường của họ dường như có khả năng bảo vệ chống lại biến thể Omicron trong thử nghiệm ở phòng thí nghiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Moderna phát triển vắc xin đặc trị Omicron trong vài tuần tới, 80% ca nhiễm Omicron ở Ấn Độ không có triệu chứng