Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết Omicron đã gây ra hơn 70% số ca COVID-19 gần đây ở nước này, cho thấy khả năng lây nhiễm của nó tăng đáng kể so với các biến thể SARS-CoV-2 trước.

Omicron vượt Delta ở Mỹ, WHO thúc Trung Quốc giao dữ liệu nguồn gốc SARS-CoV-2

Sơn Vân | 21/12/2021, 08:27

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết Omicron đã gây ra hơn 70% số ca COVID-19 gần đây ở nước này, cho thấy khả năng lây nhiễm của nó tăng đáng kể so với các biến thể SARS-CoV-2 trước.

Hôm 20.12, CDC cho biết Omicron đã vượt qua biến thể Delta ở Mỹ và chiếm khoảng 73% các ca COVID-19 trong tuần kết thúc vào ngày 18.12.

CDC cho biết tại nhiều vùng của Mỹ, Omicron chiếm hơn 90% ca COVID-19. Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tin rằng tỷ lệ thực thậm chí còn cao hơn thế.

Trước đó, dữ liệu của CDC cho thấy Omicron mới gây ra khoảng 13% ca mắc COVID-19 trong tuần tính đến ngày 11.12.

Biến thể này lan truyền nhanh chóng ở Mỹ và xuất hiện ở ít nhất 90 quốc gia kể từ khi được xác định ở phía nam châu Phi  tháng trước.

Hôm 20.12, bang New York báo cáo số ca COVID-19 kỷ lục trong ngày thứ tư liên tiếp, khi các quan chức cho biết 23.391 người xét nghiệm dương tính. Hiện có hơn 4.000 bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện trên khắp bang New York, so với mức cao nhất là gần 19.000 vào tháng 4.2020.

Thống đốc New York - Kathy Hochul cho biết bang này đang thiết lập hệ thống cho phép người dân đặt trước xét nghiệm COVID-19. New York cũng sẽ phân phối 5 triệu kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho các khu học chính trong nỗ lực cắt giảm thời gian cách ly bắt buộc bắt đầu từ tháng 1.2022.

Những đứa trẻ trong lớp học sẽ được gửi về nhà với các bộ dụng cụ xét nghiệm. Chúng tôi đang làm việc trên chuỗi cung ứng đó ngay bây giờ. Không có lý do gì khiến con cái chúng ta không thể ở lại trường học”, bà Kathy Hochul (đảng viên đảng Dân chủ) nói.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Omicron đang khiến số ca COVID-19 tăng gấp đôi cứ sau 1,5 đến 3 ngày ở những nơi có sự lây truyền trong cộng đồng. Theo WHO, biến thể này đang lây lan nhanh chóng ngay cả ở những nơi có mức độ miễn dịch cao trong dân số.

Các quan chức CDC đã khuyến khích người dân tiêm vắc xin COVID-19 nếu họ chưa làm việc này, nhận mũi tăng cường nếu đủ điều kiện và đeo khẩu trang ở các không gian công cộng trong nhà bất kể tình trạng tiêm chủng. Họ cũng khuyến nghị người dân nên xét nghiệm COVID-19 tại nhà trước khi tụ tập với gia đình và bạn bè trong kỳ nghỉ, nếu có thể.

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và nhà dịch tễ học nói vẫn còn quá sớm để kết luận liệu Omicron có gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn không. Họ cũng lo lắng vì Omicron đang bùng phát mạnh ở Mỹ khi các bệnh viện đã chật kín bệnh nhân nhiễm biến thể Delta.

Các quan chức y tế công cộng, bao gồm Tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Mỹ, nói Omicron có thể sẽ gây căng thẳng cho các bệnh viện nước này, đặc biệt nếu nhân viên mắc COVID-19 và cần được cách ly. Nhiều bệnh viện đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân sự trên diện rộng.

Hệ thống bệnh viện Houston Methodist hôm 19.12 thông báo Omicron chiếm 82% ca COVID-19 mới có triệu chứng tại các cơ sở của họ. Hệ thống bệnh viện cho biết biến thể Delta từng mất 3 tháng để đạt được mức độ phổ biến như vậy.

Khi Tổng giám đốc Dandelion Café ở thành phố Houston dương tính với COVID-19 vào tuần trước, chủ sở hữu quán là Sarah Lieberman nghĩ rằng việc cách ly ông và xét nghiệm những nhân viên còn lại sẽ có hiệu quả, giống như các COVID-19 phát sinh trước đây. Song lần này, chỉ trong vòng vài ngày, bếp trưởng cũng dương tính với COVID-19, sau đó đến người quản lý bếp và các nhân viên khác phát triển triệu chứng. Sarah Lieberman quyết định đóng cửa quán trong 10 ngày đến 27.12. Ngay sau khi đưa ra quyết định này, bà cũng nhận kết quả dương tính với COVID-19.

Đây là ví dụ cho thấy Omicron lây lan khủng khiếp như thế nào.

omicron-vuot-delta-gay-ra-hon-70-ca-covid-19-o-my.jpg
Nhiều người chờ xét nghiệm COVID-19 ở một địa điểm thuộc thành phố New York - Ảnh: Reuters

Hôm 20.12, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Omicron đang lây lan nhanh hơn biến thể Delta và gây nhiễm trùng ở những người đã tiêm vắc xin hoặc khỏi bệnh COVID-19.

Hiện có bằng chứng nhất quán cho thấy Omicron đang lây lan nhanh hơn đáng kể so với biến thể Delta và nhiều khả năng những người đã tiêm vắc xin hoặc phục hồi sau COVID-19 có thể nhiễm hoặc tái nhiễm”, Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu hôm 20.12, trong cuộc họp báo trụ sở mới của cơ quan Liên Hợp Quốc ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ).

Trưởng nhóm khoa học WHO - Tiến sĩ Soumya Swaminathan nói rằng sẽ là "thiếu khôn ngoan" nếu kết luận từ những bằng chứng ban đầu rằng Omicron gây bệnh nhẹ hơn các biến thể trước đó.

Soumya Swaminathan nói: “Với những con số đang tăng lên, tất cả các hệ thống y tế sẽ bị căng thẳng”.

Bà cho biết Omicron đang thành công trong việc né tránh một số đáp ứng miễn dịch, có nghĩa là các chương trình tiêm vắc xin tăng cường đang được triển khai ở nhiều quốc gia nên nhắm mục tiêu đến những người có hệ miễn dịch kém hơn.

Nhận xét của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus và bà Soumya Swaminathan tương đồng kết quả nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London rằng Omicron không có dấu hiệu gây bệnh nhẹ hơn Delta và nguy cơ tái nhiễm cao hơn gấp 5,2 lần.

Tuy nhiên, các quan chức của WHO cho biết tiêm vắc xin và miễn dịch tự nhiên có thể ngăn ngừa bệnh nặng.

Trong khi khả năng bảo vệ của kháng thể trước Omicron bị suy giảm, vẫn có hy vọng rằng tế bào T, trụ cột thứ hai của đáp ứng miễn dịch, có thể ngăn ngừa bệnh nặng bằng cách tấn công các tế bào nhiễm vi rút.

Chuyên gia Abdi Mahamud của WHO nói: "Dù chúng tôi thấy lượng kháng thể trung hòa giảm, nhưng hầu như tất cả các phân tích sơ bộ đều cho thấy khả năng miễn dịch qua trung gian tế bào T vẫn còn nguyên vẹn, đó là những gì chúng tôi thực sự cần".

Nhấn mạnh về cách xử lý biến thể mới, bà Soumya Swaminathan cho biết: "Tất nhiên là có một thách thức, nhiều kháng thể đơn dòng sẽ không hoạt động với Omicron".

Soumya Swaminathan không cho biết chi tiết khi đề cập đến các phương pháp điều trị bắt chước các kháng thể tự nhiên trong việc chống lại Omicron. Một số nhà sản xuất thuốc đã gợi ý như vậy.

Trong ngắn hạn, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng các hoạt động lễ hội ở nhiều nơi sẽ dẫn đến "gia tăng ca COVID-19, hệ thống y tế quá tải và nhiều ca tử vong hơn", nên kêu gọi mọi người hoãn các cuộc tụ tập.

Ông nói: “Một sự kiện bị hủy bỏ tốt hơn là một cuộc đời mất đi”.

Nhóm của WHO cũng hy vọng rằng 2022 sẽ là năm mà đại dịch sẽ kết thúc.

WHO hướng tới sự phát triển vắc xin COVID-19 thế hệ thứ hai và thứ ba cùng các phương pháp điều trị và những đổi mới khác.

Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO, phát biểu tại cuộc họp báo: “Chúng tôi hy vọng sẽ phân loại COVID-19 thành một căn bệnh tương đối nhẹ, dễ phòng ngừa, dễ điều trị. Nếu có thể giữ cho sự lây truyền vi rút ở mức tối thiểu, chúng ta có thể chấm dứt đại dịch".

Tuy nhiên, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho biết Trung Quốc, nơi vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019, phải cung cấp dữ liệu và thông tin liên quan đến nguồn gốc của nó để hỗ trợ việc ứng phó trong tương lai.

Chúng ta cần tiếp tục cho đến khi biết được nguồn gốc COVID-19. Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa vì chúng ta nên học hỏi từ những gì xảy ra lần này để làm tốt hơn trong tương lai”, Tổng giám đốc WHO cho hay..

Bài liên quan
Campuchia: Hàng loạt ca nhiễm Omicron, lần đầu không ghi nhận người chết do COVID-19 sau 7 tháng
Campuchia không ghi nhận ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua lần đầu tiên kể từ ngày 15.5 khi số ca mới hàng ngày vẫn ở mức thấp, theo trang Khmer Times.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Omicron vượt Delta ở Mỹ, WHO thúc Trung Quốc giao dữ liệu nguồn gốc SARS-CoV-2