Tình hình tài chính của "ông lớn" ngành vận tải Vinalines trong nửa năm 2018 không mấy khả quan khi công ty tiếp tục "ôm" khoản lỗ đến 1.140 tỉ đồng.

Mới nửa năm Vinalines đã 'ôm' lỗ nghìn tỉ

27/06/2018, 15:11

Tình hình tài chính của "ông lớn" ngành vận tải Vinalines trong nửa năm 2018 không mấy khả quan khi công ty tiếp tục "ôm" khoản lỗ đến 1.140 tỉ đồng.

Vinalines vẫn chịu lỗ nghìn tỉ 6 tháng đầu năm 2018 - Ảnh: Internet

Trong một thông báo mới được phát đi, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã công bố khá chi tiết về tình hình tài chính của công ty 6 tháng đầu năm 2018.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, Công ty mẹ dự kiến doanh thu đạt 533 tỉ đồng, lỗ sau thuế 1.140 tỉ đồng. Trong 6 tháng cuối năm, công ty cho biết mới bắt đầu có lãi với 143 tỉ đồng và những năm sau đó, lợi nhuận sau thuế tiếp tục tăng nhẹ.

Năm 2019, Công ty mẹ - Vinalines đặt mục tiêu doanh thu 1.048 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 221 tỉ đồng. Sang năm 2020 dự kiến doanh thu đạt 1.063 tỉ đồng và lợi nhuận đạt 279 tỉ đồng.

Có thể thấy, tình hình tài chính của công ty ở mỗi thời điểm có kết quả khác nhau. Lý giải về điều này, lãnh đạo Vinalines cho biết do công ty đang tập trung tái cơ cấu đội tàu, bán bớt một số tàu không hiệu quả; đồng thời phải xử lý tài chính tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trong đó, các khoản chênh lệch đánh giá lại vốn đầu tư giảm so với xác định giá trị doanh nghiệp do giảm giá chứng khoán, thua lỗ hạch toán vào kết quả kinh doanh.

Đánh giá những yếu tố tác động tới tình hình kinh doanh thời gian tới, Vinalines cho biết giá cước vận tải và cho thuê tàu giảm, trong khi giá nhiên liệu ăng, đội tàu hầu hết được đầu tư trong giai đoạn phát triển nóng của thị trường nên giá đầu tư tàu cao, khấu hao lớn, chủ yếu sử dụng vốn vay ngân hàng nên chi phí tài chính, áp lực trả nợ lớn khiến Tổng công ty đã phải bán tàu để cơ cấu lại đội tàu dẫn đến sản lượng vận tải sụt giảm...

Ngoài ra, doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ trong và ngoài nước tại tất cả thị trường vận tải biển, cảng biển lẫn logistics. Ngành vận tải biển chưa hết suy thoái khiến các đơn hàng trong và ngoài nước không nhiều, trong khi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ có thể tham gia những tuyến vận tải tại khu vực châu Á, hạn chế trong những tuyến biển xa...

Dù còn đứng trước nhiều "sóng gió", thậm chí còn trên bờ vực phá sản trước đây, Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa với số vốn điều lệ hơn 14.046 tỉ đồng.

Hình thức cổ phần hoá là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Tổng số cổ phần là 1.404.605.800 cổ phần, mệnh giá 1 cổ phần là 10.000 đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 912.993.770 cổ phần, chiếm 65% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 2.293.900 cổ phần, chiếm 0,16% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo số năm làm việc tại khu vực nhà nước là 1.599.000 cổ phần, chiếm 0,11% vốn điều lệ.

Phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo số năm cam kết làm việc tiếp cho công ty cổ phần là 694.900 cổ phần, chiếm 0,05% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn 500.000 cổ phần, chiếm 0,04% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 207.896.970 cổ phần, chiếm 14,8% vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai 280.921.160 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ.

Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu khi thực hiện cổ phần hóa là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết, với mệnh giá 10.000 đồng một cổ phiếu, Vinalines sẽ bán khoảng 280 triệu cổ phiếu trong đợt IPO và 207 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ. Dự kiến, IPO sẽ được tiến hành trong tháng 9.2018.

Về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, Vinalines yêu cầu nhà đầu tư phải đảm bảo năng lực tài chính và có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký cổ phần có lãi, không có lỗ lũy kế; phải tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của Vinalines ít nhất 3 năm; không chuyển nhượng cổ phần trong 3 năm; cùng ngành nghề kinh doanh chính hoặc có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh chính của Vinalines; có vốn điều lệ trên 1.000 tỉ đồng, nếu hoạt động ngoài ngành kinh doanh chính thì vốn điều lệ phải trên 2.000 tỉ đồng.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mới nửa năm Vinalines đã 'ôm' lỗ nghìn tỉ