Trong khá nhiều vụ tai nạn giao thông, khi cơ quan chức năng còn đang điều tra xác định nguyên nhân gây tai nạn, ai phải ai trái, để từ đó có sự xử lý theo quy định của pháp luật thì có những bài báo đã vô tình gán tội cho đương sự bằng cụm từ “chạy ngược chiều”.

Một số từ, cụm từ tiếng Việt thường bị dùng sai (tiếp)

20/05/2017, 05:22

Trong khá nhiều vụ tai nạn giao thông, khi cơ quan chức năng còn đang điều tra xác định nguyên nhân gây tai nạn, ai phải ai trái, để từ đó có sự xử lý theo quy định của pháp luật thì có những bài báo đã vô tình gán tội cho đương sự bằng cụm từ “chạy ngược chiều”.

Theo cơ quan điều tra, trong vụ tai nạn giao thông này, chiếc xe khách chạy đúng chiều đúng tuyến nhưng đã bị chiếc xe tải chạy ngược chiều, vi phạm luật giao thông đâm vào, gây hậu quả thảm khốc - Ảnh: Zing/Internet

Trong bài trước chúng tôi đã nhặt ra một số từ, cụm từ thường bị dùng sai trong cả văn nói lẫn văn viết, ví dụ “thí sinh”, “người dân tộc”, "khuyết tật”… Bài này tiếp tục nêu một số trường hợp cũng hay bị sai, nhất là trên báo in và báo điện tử.

Khá nhiều phóng viên khi tường thuật vụ tai nạn giao thông nào đó đã dùng cụm từ “chạy ngược chiều”. Đành rằng hai chiếc xe đâm vào nhau luôn là hai chiếc chạy ngược chiều nhau nhưng sau khi mô tả chiếc thứ nhất rồi, phóng viên nói về chiếc thứ hai và hầu như luôn viết rằng chiếc xe thứ hai chạy ngược chiều. Về nguyên tắc, theo Luật Giao thông đường bộ, mọi phương tiện giao thông phải nghiêm chỉnh chấp hành luật, chạy đúng tuyến, đúng làn đã được luật quy định. Khi nói chiếc xe nào đó chạy ngược chiều tức là phản ánh nó đã vi phạm luật, lấn sang làn, tuyến của xe khác. Trong khá nhiều vụ tai nạn giao thông, khi cơ quan chức năng còn đang điều tra xác định nguyên nhân gây tai nạn, ai phải ai trái, để từ đó có sự xử lý theo quy định của pháp luật thì có những bài báo đã vô tình gán tội cho đương sự bằng cụm từ “chạy ngược chiều”. Tất nhiên trên thực tế cũng có những vụ việc xe gây tai nạn là xe chạy ngược chiều, vi phạm luật, nhưng hầu hết vụ tai nạn giao thông là do nguyên cớ, lý do khác. Điều rất may là cơ quan công an không bao giờ căn cứ vào sự “kết tội” của báo chí để đưa ra kết luận điều tra. Trong trường hợp nói trên, khi chưa nắm rõ thì cách tốt nhất là viết “xe chạy chiều ngược lại” hoặc “xe chạy theo hướng ngược lại”.

Có những bản tin về an ninh, trật tự xã hội, tòa án… đôi lúc bạn đọc thấy người viết không chuẩn khi dùng từ “khai” và “khai nhận”. “Khai” vốn là từ gốc Hán Việt có nghĩa là mở, khai hội là mở hội, khai mạc là mở màn (trước kia để bắt đầu một chương trình nào đó trên sân khấu, việc đầu tiên là phải mở/kéo cái màn (mạc) ra, nên gọi là khai mạc); khai cũng có nghĩa là bắt đầu, khai bút là bắt đầu viết (thường vào dịp đầu năm), khai xuân là bắt đầu mùa xuân, khai hỏa là bắt đầu nổ súng, món khai vị là món bắt đầu, đầu tiên trong bữa tiệc để kích thích khẩu vị. Tuy nhiên, trong mấy bản tin nói trên thì khai có nghĩa là nói ra, viết ra điều hoặc những điều gì đó, thường là có liên quan ít nhiều tới bản thân. Từ “khai” này có quan hệ gần nghĩa với những từ cung khai, khai báo. Khi cơ quan pháp luật (công an, tòa án, viện kiểm sát) yêu cầu thì ai đó phải chấp hành khai những gì mình biết, mình chứng kiến, nắm được, giúp nhà chức trách làm rõ vụ việc, sự việc. Nhưng khai, khai báo là một chuyện, còn khai nhận lại là chuyện khác. Bản khai không có nghĩa là bản thừa nhận. Khi ai đã khai nhận điều gì đó tức là tự mình buộc mình vào vụ việc, chứ không phải chỉ là khai bình thường. Nhà báo chớ thấy người ta ngồi trong cơ quan công an, ngồi trước nhà chức việc làm cái việc khai báo mà vội dùng chữ “khai nhận” để áp cho người ta.

Cũng có liên quan tới những bản tin thuật về những vụ cướp giật, trộm cướp, có phóng viên viết “tên cướp táo bạo”. Trong tiếng Việt, cả táo bạo lẫn táo tợn đều có nghĩa chung là liều, nhưng mỗi từ cũng có đặc điểm riêng, dùng cho đối tượng riêng. “Táo bạo” để nói về sự quả quyết, không e ngại để làm cái việc mà người bình thường không dám làm, không sợ nguy hiểm đến bản thân mình. Có những hành động táo bạo, quyết định táo bạo trong những thời điểm quan trọng để xoay chuyển tình thế. Từ này thường được dùng để chỉ những hành động có ý nghĩa cao đẹp của những người tốt, tích cực, ví dụ người lính công binh đã táo bạo áp sát quả bom gắn khối thuốc nổ vào để phá nó mặc dù biết nó có thể nổ bất cứ khi nào. Còn “táo tợn” cũng là sự liều nhưng liều lĩnh, coi thường người khác, bất chấp tất cả để thực hiện mục đích cá nhân mình. Táo tợn là hành vi của kẻ liều, thường làm những việc xấu, không được mọi người tán đồng, ví dụ người cha mắng con “mày táo tợn nó vừa vừa chứ”, tức là mày đừng có liều, không tốt đâu. Với những tên cướp, trộm cắp, tất nhiên chỉ nên dành cho chúng từ “táo tợn” chứ không phải “táo bạo”.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một số từ, cụm từ tiếng Việt thường bị dùng sai (tiếp)