Cùng xem Mỹ, Anh, các nước Đông Nam Á tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ ba cho đối tượng nào và dùng loại gì.

Mỹ, Anh và các nước Đông Nam Á dùng loại vắc xin COVID-19 gì tiêm liều thứ 3?

Sơn Vân | 31/10/2021, 09:12

Cùng xem Mỹ, Anh, các nước Đông Nam Á tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ ba cho đối tượng nào và dùng loại gì.

Hôm 30.10, Sở Y tế TP.HCM đề xuất tiêm mũi thứ ba vắc xin COVID-19 cho một số trường hợp có nguy cơ cao vào tháng 11 và 12.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thông tin này tại Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 của ngành y tế thành phố.

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, về chuyên môn, việc tiêm bổ sung mũi 3 cho nhóm trường hợp này là hợp lý. Sở Y tế TP.HCM đang đề xuất và xin ý kiến UBND TP.HCM, Bộ Y tế để triển khai.

Trong hai tháng cuối năm, TP.HCM có kế hoạch tiêm mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Ngoài ra, ngành y tế sẽ triển khai tiêm vét mũi 1, mũi 2 cho người trên 18 tuổi. Riêng cuối tháng 11, TP.HCM tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ 12-17 tuổi.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết trong năm 2022, kế hoạch của thành phố là tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên. Người đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế cũng có thể tiêm mũi 3, mũi 4.

1. Mỹ chích liều thứ ba bằng 3 loại vắc xin COVID-19 đã được phê duyệt, cho tiêm kết hợp

Hôm 20.10, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt liều tăng cường của vắc xin COVID-19 từ Moderna và Johnson & Johnson, đồng thời cho biết người Mỹ có thể chọn vắc xin khác với loại ban đầu để tiêm nhắc lại.

Điều đó có nghĩa là cả ba loại vắc xin FDA phê duyệt tại Mỹ (Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson) đều có thể được sử dụng làm liều tăng cường cho một số nhóm.

Dữ liệu cho thấy hiệu quả của vắc xin có thể giảm dần theo thời gian ở một số người được tiêm 2 mũi vắc xin.

Quyết định này mở đường cho hàng triệu người ở Mỹ có được sự bảo vệ bổ sung vì biến thể Delta rất dễ lây lan gây ra các ca nhiễm trùng đột phá ở một số người đã tiêm 2 mũi vắc xin.

Hiện có tới 99 triệu người Mỹ đủ điều kiện nhận liều vắc xin COVID-19 tăng cường sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng Dịch bệnh (CDC) vào tuần trước ký ban hành các khuyến nghị điều này.

CDC hiện khuyến nghị tiêm mũi nhắc lại cho tất cả người lớn đã được nhận vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson (công nghệ vector vi rút giống AstraZeneca nhưng chỉ tiêm 1 mũi) ít nhất 2 tháng trước.

Điều đó xảy ra sau khi FDA kết luận rằng, ngay cả những ước tính cao nhất về khả năng bảo vệ của vắc xin Johnson & Johnson cũng thấp hơn so với vắc xin Pfizer hoặc Moderna dựa trên công nghệ mRNA.

Dữ liệu được Johnson & Johnson trình bày cho các cố vấn vắc xin bên ngoài của FDA cho biết hiệu quả của vắc xin chống lại COVID-19 có triệu chứng đã tăng lên 94% ở Mỹ sau khi tiêm nhắc lại. Một nhóm cố vấn vắc xin của CDC cũng kết luận rằng nguy cơ mắc các tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng sau khi tiêm liều thứ hai vắc xin Johnson & Johnson không có khả năng lớn hơn so với liều đầu tiên.

Tuy nhiên, một số cố vấn vắc xin bên ngoài của CDC cho biết có thể sẽ tư vấn cho những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc tác dụng phụ đông máu hiếm gặp liên quan đến vắc xin Johnson & Johnson lựa chọn một liều Pfizer hoặc Moderna thay thế.

my-anh-cac-nuoc-dong-nam-a-dung-loai-vac-xin-gi-de-tiem-lieu-thu-333.jpg
Mỹ cho dùng vắc xin COVID-19 của Moderna, Johnson & Johnson và Pfizer làm liều tăng cường

Trong số hơn 15 triệu người nhận vắc xin Johnson & Johnson ở Mỹ, CDC và FDA đã xác nhận gần 50 báo cáo về tình trạng được gọi là huyết khối kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu, hầu hết là phụ nữ dưới 50 tuổi.

"Cá nhân tôi sẽ không đề xuất một liều tăng cường cùng sản phẩm của Johnson & Johnson, vì vậy tôi rất vui vì chúng tôi đã bao gồm cả tiêm kết hợp", Tiến sĩ Pablo Sanchez, một trong những cố vấn vắc xin của CDC, nói vào tuần trước tại cuộc họp của ủy ban để thảo luận về các mũi tiêm tăng cường.

Những ai đủ điều kiện

Hiện tất cả những người cao tuổi từ 65 tuổi được khuyến cáo nên tiêm nhắc lại sau 6 tháng nhận liều thứ hai vắc xin COVID-19 của Pfizer hoặc Moderna.

CDC cũng mở rộng tính đủ điều kiện cho người lớn từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vắc xin cách đây 6 tháng nếu sống trong cơ sở chăm sóc dài hạn, có bệnh nền hoặc đang làm việc hoặc sống ở nơi có nguy cơ cao như nhà tù, bệnh viện hoặc nơi tạm trú cho người vô gia cư.

Những người có nguy cơ tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 cao hơn do công việc cũng đủ điều kiện, bao gồm giáo viên, nhân viên hỗ trợ trường học, nhân viên bán hàng tạp hóa, nhân viên bưu điện, công nhân nhà máy, đội vận tải công cộng, cảnh sát và người ứng cứu đầu tiên.

Giống như các khuyến nghị tiêm nhắc lại trước đó cho người bị suy giảm miễn dịch, hầu hết các hiệu thuốc cùng nhà cung cấp chỉ dựa vào việc "tự chứng thực" của mọi người và không yêu cầu bằng chứng về khả năng đủ điều kiện để tiêm liều tăng cường.

Các quan chức của FDA, CDC cho biết có thể mở rộng hơn nữa khả năng đủ điều kiện cho các mũi tiêm vắc xin nhắc lại khi các nhà chức trách thu thập thêm dữ liệu về sự cần thiết và những rủi ro tiềm ẩn.

"Có bằng chứng cho thấy khả năng giảm tuổi của những người đủ điều kiện sử dụng liều vắc xin tăng cường có thể có ý nghĩa trong tương lai. Chúng tôi đang xem xét kỹ lưỡng điều gì đó", Tiến sĩ Peter Marks, quan chức hàng đầu về vắc xin của FDA, nói với các phóng viên vào tuần trước.

Những rủi ro đó bao gồm viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim, các tác dụng phụ hiếm gặp về tim liên quan đến vắc xin Pfizer, Moderna, thường xảy ra ở nam giới trẻ tuổi. Theo các quan chức y tế liên bang Mỹ, những trường hợp này hầu hết đều nhẹ và thường được giải quyết trong vòng một ngày, nhưng có thể phải nhập viện.

Dữ liệu được trình bày cho các cố vấn vắc xin bên ngoài của CDC vào tuần trước cho thấy nguy cơ viêm cơ tim có thể "tăng nhẹ" ở dưới 30 tuổi sau khi tiêm liều thứ hai của vắc xin Moderna so với Pfizer.

Tuy nhiên, một số chuyên gia hy vọng quyết định của Moderna giảm một nửa liều tăng cường - 50 microgam thay vì 100 microgam như hai liều ban đầu - có thể giảm nguy cơ viêm cơ tim sau khi tiêm.

Dữ liệu từ đợt triển khai liều tăng cường của Pfizer ở Israel, được trình bày cho các cố vấn vắc xin FDA đầu tháng này, cũng cho thấy nguy cơ viêm cơ tim thấp hơn sau liều thứ ba mà hạn chế hiệu quả  sự gia tăng số ca COVID-19 ở đó.

Tiến sĩ Peter Marks nói: "Vấn đề là phải có dữ liệu và đảm bảo rằng khi chúng tôi đưa ra quyết định đó, lợi ích lớn hơn rủi ro trong toàn bộ dân số".

Tiêm kết hợp vắc xin COVID-19 ở liều tăng cường

Quyết định của FDA về việc cho phép tiêm liều vắc xin tăng cường khác loại ban đầu một phần dựa trên dữ liệu ban đầu từ các thử nghiệm do Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) dẫn đầu, trong đó gợi ý tất cả sự kết hợp của cái gọi là tăng cường "dị hợp" đều an toàn và hiệu quả.

Đến nay, các nhà khoa học của FDA kết luận rằng không có đủ dữ liệu từ thử nghiệm của NIH để chọn một "chiến lược ưu tiên" cho việc tiêm liều tăng cường. Các nhà khoa học của nghiên cứu đã cảnh báo rằng thử nghiệm của họ không được thiết kế để "so sánh trực tiếp" đáp ứng miễn dịch được kích hoạt bởi sự kết hợp khi tiêm liều vắc xin tăng cường.

Theo thử nghiệm lâm sàng do NIH thực hiện, những người được tiêm liều vắc xin tăng cường Moderna tăng mức kháng thể trung hòa cao nhất bất kể nhận loại vắc xin nào ban đầu. Xem chi tiết tại đây.

Liều vắc xin thứ tư và các trường hợp đặc biệt

Ngoài các khuyến nghị rộng rãi về việc tiêm liều nhắc lại cho hầu hết người Mỹ, CDC cũng cập nhật hướng dẫn sâu rộng của mình các tình huống cụ thể có thể cần nhiều liều vắc xin hơn.

Ví dụ, vài triệu người Mỹ bị suy giảm miễn dịch đã nhận liều thứ ba của vắc xin Pfizer hoặc Moderna có thể tiêm mũi tăng cường thứ tư 6 tháng sau đó. Những người khác đã nhận một số loại phương pháp điều trị ung thư có thể làm mất hiệu quả vắc xin sau khi hoàn thành các liệu pháp tế bào gốc hoặc tế bào T.

Những người được chích ngừa COVID-19 bên ngoài Mỹ với các loại vắc xin mà FDA không cấp phép (chẳng hạn AstraZeneca) có thể được đề nghị tiêm vắc xin Pfizer, Moderna hoặc Johnson & Johnson. Tuy nhiên, FDA vẫn đang cân nhắc xem có nên khuyến nghị tiêm liều tăng cường cho những người này hay không.

2. Những ai nhận được liều vắc xin COVID-19 tăng cường ở Anh và tiêm loại nào?

Theo Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS), các liều vắc xin tăng cường sẽ được cung cấp cho những người có nguy cơ cao nhất từ ​​COVID-19 đã tiêm liều vắc xin thứ hai ít nhất 6 tháng trước. Cụ thể gồm:

- Người từ 50 tuổi trở lên.

- Những người sống và làm việc trong các nhà chăm sóc.

- Nhân viên y tế tuyến đầu và chăm sóc xã hội.

- Những người từ 16 tuổi trở lên với tình trạng sức khỏe có nguy cơ cao bị bệnh nặng do COVID-19.

- Những người từ 16 tuổi trở lên là người chăm sóc chính cho những người có nguy cơ cao mắc COVID-19.

- Những ai từ 16 tuổi trở lên sống với người có nhiều khả năng nhiễm vi rút SARS-CoV-2 (chẳng hạn người nhiễm HIV, đã cấy ghép hoặc đang điều trị một số bệnh ung thư, lupus ban đỏ hoặc viêm khớp dạng thấp).

- Những người đang mang thai và thuộc một trong các nhóm đủ điều kiện cũng có thể được tiêm liều tăng cường.

my-anh-cac-nuoc-dong-nam-a-dung-loai-vac-xin-gi-de-tiem-lieu-thu-3.jpg
Anh cho tiêm liều tăng cường bằng vắc xin AstraZeneca, Moderna và Pfizer

Hầu hết người ở Anh sẽ được cung cấp liều nhắc lại của vắc xin Pfizer - BioNTech hoặc Moderna. Điều này có nghĩa là liều tăng cường có thể khác với các loại vắc xin bạn đã tiêm cho liều thứ nhất và thứ hai.

Một số người có thể được cung cấp một liều nhắc lại của vắc xin AstraZeneca nếu không thể có vắc xin Pfizer - BioNTech hoặc Moderna.

3. Các nước Đông Nam Á dùng vắc xin nào tiêm mũi thứ ba?

Cuối tháng 7.2021, Thái Lan đã bắt đầu tiêm liều vắc xin thứ ba là AstraZeneca cho một số nhân viên y tế và người dân đã nhận 2 liều Sinovac.

Đến cuối tháng 9, Thái Lan triển khai mũi tiêm vắc xin COVID-19 nhắc lại rộng hơn cho những người đã nhận 2 liều Sinovac. Loại vắc xin được dùng làm mũi thứ ba là AstraZeneca và Pfizer.

Sau khi được Mỹ tặng hơn 4 triệu liều vắc xin Moderna, cuối tháng 7.2021 và đầu tháng 8, Indonesia bắt đầu tiêm liều tăng cường vắc xin này cho các nhân viên y tế đã nhận 2 mũi Sinovac.

Ngoài Moderna, AstraZeneca cũng được Indonesia làm liều vắc xin tăng cường cho người nhận 2 liều Sinovac.

Hồi tháng 8.2021, Campuchia đã cho phép công dân của mình tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ ba để tăng cường “khả năng miễn nhiễm cho cộng đồng”. Thủ tướng Hun Sen - Campuchia cho biết liều vắc xin thứ ba sẽ được cung cấp cho những người từ 12 tuổi trở lên.

Campuchia đang cung cấp vắc xin AstraZeneca như mũi tiêm thứ ba cho những người đã nhận hai liều vắc xin bất hoạt do Sinopharm và Sinovac phát triển, với mục đích tăng cường khả năng miễn dịch chống lại biến thể Delta.

my-anh-cac-nuoc-dong-nam-a-dung-loai-vac-xin-gi-de-tiem-lieu-thu-32.jpg
Người dân được tiêm liều tăng cường bằng vắc xin AstraZeneca tại Bệnh viện Nhi Trung ương ở Phnom Penh, Campuchia ngày 12.8

Hôm 8.10, Malaysia đã chấp thuận có điều kiện cho vắc xin của Pfizer để tiêm nhắc lại. Bộ Y tế Malaysia nói việc phê duyệt phép vắc xin này chỉ cho người lớn từ 18 tuổi trở lên, ít nhất 6 tháng sau khi nhận liều thứ hai. Theo các nhà chức trách Malaysia trước đó, các mũi tiêm nhắc lại sẽ không bắt buộc nhưng được khuyến khích cho những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương và có nguy cơ cao.

Hồi giữa tháng 9.2021, Singapore đã bắt đầu cung cấp liều vắc xin thứ ba cho người già và các nhóm suy giảm miễn dịch. Pfizer và Moderna là hai loại vắc xin COVID-19 được sử dụng chủ yếu ở Singapore làm liều chính cũng như liều tăng cường. 

Với hầu hết những người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm vắc xin, Singapore đang xem xét chích mũi thứ ba cho những người trẻ hơn và có thể bắt đầu tiêm cho trẻ em vào đầu năm tới.

Hôm 17.9, Thủ tướng Singapore - Lý Hiển Long thông báo ông đã nhận được mũi tiêm vắc xin Pfizer thứ ba và kêu gọi những người cao tuổi khác tiếp tục đi tiêm trong bối cảnh làn sóng dịch mới ở nước này.

Bài liên quan
Tiêm thêm mũi vắc xin Moderna cho người nhận 2 liều Pfizer tăng kháng thể trung hòa gấp 30 lần
Việc tiêm liều vắc xin COVID-19 tăng cường khác loại không chỉ dường như an toàn mà còn hiệu quả hơn so với chích cùng loại, theo dữ liệu sơ bộ được đăng trực tuyến hôm 14.10 từ thử nghiệm lâm sàng do Viện Y tế Quốc gia Mỹ thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ, Anh và các nước Đông Nam Á dùng loại vắc xin COVID-19 gì tiêm liều thứ 3?