Mỹ đang mở rộng viện trợ kinh tế với Greenland khi công bố gói viện trợ kinh tế trị giá 12,1 triệu USD cũng như thành lập lãnh sự quán Mỹ ở vùng lãnh thổ này của Đan Mạch, làm đối trọng cho sự hiện diện của Nga và Trung Quốc tại Bắc Cực.

Mỹ bác bỏ yêu sách chủ quyền 'cận Bắc Cực' của Trung Quốc

28/04/2020, 06:03

Mỹ đang mở rộng viện trợ kinh tế với Greenland khi công bố gói viện trợ kinh tế trị giá 12,1 triệu USD cũng như thành lập lãnh sự quán Mỹ ở vùng lãnh thổ này của Đan Mạch, làm đối trọng cho sự hiện diện của Nga và Trung Quốc tại Bắc Cực.

Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cả Mỹ và Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Hãng tin Nikkei Asian Review cho biết, gói viện trợ kinh tế trên được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố trong tuần này, được cho là phản ứng của Washington trước việc Moscow tăng cường sự hiện diện ở Bắc Cực, và Bắc Kinh tích cực đầu tư vào khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng như các tuyến đường hàng hải ở khu vực này.

Washington "đang trong quá trình điều chỉnh chính sách Bắc Cực", một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên. "Và đây là một sự thay đổi được thúc đẩy từ các động thái của Nga và Trung Quốc nhằm thách thức Mỹ và phương Tây", quan chức này nói thêm.

Theo truyền thống, Bắc Cực được quản lý bởi một cơ quan gồm 8 nước được gọi là Hội đồng Bắc Cực, bao gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ. Những quốc gia này đều có chủ quyền với các vùng đất trong Vòng cực Bắc và có quyền quyết định với các chính sách quản lý khu vực này.

Trung Quốc, dù không phải là một quốc gia vùng Bắc cực, đang ngày càng tăng cường hoạt động trong khu vực này và đã trở thành một thành viên quan sát của Hội đồng Bắc cực kể từ năm 2013. Điều này gây quan ngại cho các quốc gia vùng Bắc cực về những mục tiêu chiến lược dài hạn của Bắc Kinh, bao gồm cả việc triển khai quân sự.

Ý tưởng về mối quan hệ đối tác cùng có lợi chính xác là thông điệp trấn an mà Trung Quốc muốn nhắm đến trong chính sách Bắc Cực của mình, khi lặp đi lặp lại về vấn đề "hợp tác". Đó là một sự tương phản rõ rệt với những lo ngại của Hội đồng Bắc Cực trước khi kết nạp Trung Quốc, khi các thành viên cũ sợ rằng một kịch bản tương tự tại biển Đông có thể xảy ra.

Vào tháng 1.2018, Trung Quốc công bố sách trắng Bắc Cực đầu tiên của nước này, với tiêu đề "Chính sách Bắc Cực của Trung Quốc", trong đó tuyên bố các vấn đề của Bắc Cực giờ đây "vượt ra ngoài các quốc gia trong Vòng cực Bắc hoặc bản chất của khu vực", cho rằng những gì xảy ra trong khu vực đều “ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia bên ngoài khu vực và lợi ích của toàn bộ cộng đồng quốc tế nói chung".

Sách trắng Bắc Cực của Trung Quốc lập luận việc băng tan ở khu vực này sẽ mở ra các tuyến đường biển và cho phép tiếp cận với các tài nguyên thiên nhiên, do đó nâng tầm các giá trị chiến lược và kinh tế của vùng này. Trung Quốc sau đó cũng tuyên bố nước này về mặt địa lý là quốc gia “cận Bắc Cực" và là "một bên liên quan quan trọng đối với các vấn đề Bắc Cực", nói rằng những thay đổi môi trường ở Bắc Cực có "tác động trực tiếp đến hệ thống khí hậu và môi trường sinh thái của Trung Quốc".

Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ tuyên bố này và khẳng định rằng chỉ có "các quốc gia ở Bắc Cực" và "các quốc gia không thuộc Bắc Cực". “Không có chuyện tồn tại loại thứ 3, do đó chúng tôi không chấp nhận tuyên bố của Bắc Kinh về việc Trung Quốc là một quốc gia cận Bắc Cực”, quan chức này nhấn mạnh và mô tả ý đồ của Bắc Kinh là nhằm “đảo lộn” trật tự, đồng thời cũng không quên dẫn chứng về các hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Trung Quốc đã cố gắng "luồn lách vào Greenland bằng những cách không mang tính giúp đỡ, trong đó có việc mua lại các cơ sở hạ tầng quan trọng và điều này có thể sẽ gây rắc rối cho Mỹ, các đồng minh NATO của chúng tôi và cả Đan Mạch”, vị quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm.

Damien Degeorges, chuyên gia phân tích các vấn đề Bắc Cực, nhận định rằng Greenland và Iceland hiện đang là tâm điểm của sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở Bắc Cực. “Cuộc cạnh tranh này đến nay tương đối ổn định nếu so với những gì đang diễn ra ở Biển Đông, nhưng có thể trở thành vấn đề an ninh rất nghiêm trọng đối với Mỹ”, ông nói thêm.

Trước đó, Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) cũng lưu ý rằng Đan Mạch đã bày tỏ quan ngại về mối quan tâm của Trung Quốc ở Greenland khi Trung Quốc đề xuất thành lập một trạm nghiên cứu, xây dựng trạm vệ tinh trên mặt đất, cải tạo sân bay và mở rộng khai thác.

"Nghiên cứu dân sự có thể hỗ trợ sự hiện diện quân sự tăng cường của Trung Quốc ở Bắc Băng Dương, có thể bao gồm việc triển khai các tàu ngầm đến khu vực này như biện pháp ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân", Lầu Năm Góc cho hay.

Hoàng Vũ (theo Nikkei Asian Review)

Bài liên quan
Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ sẽ không cho công chức liên bang làm việc từ xa
Đài CNN cho biết Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk cùng doanh nhân Vivek Ramaswamy lãnh đạo dự kiến thúc đẩy chấm dứt hình thức làm việc từ xa với tất cả cơ quan liên bang nhằm cắt giảm công chức.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ bác bỏ yêu sách chủ quyền 'cận Bắc Cực' của Trung Quốc