Quan chức cơ quan phòng vệ Đài Loan Trương Triết Bình cho biết Mỹ đã cấp giấy phép xuất khẩu hệ thống lan truyền sóng âm thanh dưới nước kỹ thuật số (digital sonar) cho hòn đảo tự trị.
Hệ thống lan truyền sóng âm thanh dưới nước kỹ thuật số cùng hệ thống tác chiến tích hợp là 2 thành phần quan trọng mà Đài Loan cần để có thể tự đóng tàu ngầm. Ông Trương hôm 16.12 không đề cập đến hệ thống tác chiến tích hợp.
Tàu ngầm thường dùng kỹ thuật lan truyền sóng âm thanh dưới nước xác định vị trí, nhận diện và theo dõi những vật thể trên mặt, trong lòng nước hoặc dưới đáy biển. Có thể nói đây chính là “đôi mắt” của tàu ngầm.
Đài Loan vào tháng trước chính thức khởi động chương trình đóng tàu ngầm dựa trên công nghệ Mỹ. Theo kế hoạch sẽ có 8 tàu được đóng, chiếc đầu tiên giao vào năm 2025.
Nhằm tăng khả năng phòng vệ trước Trung Quốc, Đài Loan trong nhiều năm cố gắng mua tàu ngầm của nước ngoài, nhưng sức ép từ chính quyền Bắc Kinh khiến việc này gần như bất khả thi. Bốn tàu ngầm hiện có của hòn đảo tự trị được mua từ Mỹ (hai tàu ngầm lớp Tench) và Hà Lan (hai tàu ngầm lớp Hải Long) cách đây ít nhất 30 năm.
Năm 2016, Mỹ bán tên lửa diệt hạm UGM-84 cho Đài Loan – giúp 2 tàu ngầm lớp Hải Long có được các khả năng tấn công các mục tiêu ở Trung Quốc (cảng hàng hóa ở Thượng Hải hay căn cứ tàu ngầm đóng tại Hải Nam).
Chính quyền Đài Bắc năm 2017 công bố kế hoạch cải tạo thân và hệ thống định vị của tàu ngầm lớp Tench, nhằm giúp chúng có thể hoạt động đến năm 2026.
Bên cạnh nỗ lực tự đóng tàu ngầm, Đài Loan còn đóng mới 6 tàu hộ tống tên lửa. Dự kiến 3 tàu đầu tiên sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2025.