Trang The Financial Times dẫn ba nguồn thạo tin tiết lộ Mỹ nhiều lần kêu gọi Ukraine ngừng tập kích hạ tầng năng lượng Nga vì lo ngại làm vậy đẩy giá dầu toàn cầu lên cao và Moscow trả đũa.
Theo nguồn tin, lời kêu gọi liên tục được chuyển đến cơ quan an ninh nhà nước (SBU) cùng cơ quan tình báo quân sự Ukraine (GUR) – hai đơn vị không ngừng triển khai máy bay không người lái (UAV) tấn công hàng loạt mục tiêu Nga trên không, trên bộ lẫn trên biển từ khi cuộc chiến nổ ra cho đến nay.
Một trong ba nguồn tin cho biết Nhà Trắng ngày càng lo ngại trước hoạt động tập kích cơ sở lọc dầu, trạm vận chuyển lẫn kho chứa dầu trên khắp miền tây nước Nga mà Ukraine đang thực hiện. Làm vậy khiến năng lực sản xuất của Moscow sụt giảm.
Nga hiện vẫn là quốc gia xuất khẩu dầu khí hàng đầu thế giới bất chấp phương Tây áp đặt trừng phạt. Năm nay giá dầu đã tăng khoảng 15% lên 85 USD/thùng, dẫn đến chi phí nhiên liệu tăng theo ngay khi Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chiến dịch tái tranh cử.
“Không điều gì khiến một tổng thống Mỹ đương nhiệm sợ hãi hơn việc giá xăng vọt trong năm bầu cử”, cựu cố vấn năng lượng Nhà Trắng Bob McNally nhấn mạnh.
Ngoài ra Washington còn nghĩ đến rủi ro nếu Ukraine tiếp tục tập kích, Nga sẽ trả đũa bằng cách nhắm vào hạ tầng năng lượng mà phương Tây phụ thuộc chẳng hạn như đường ống CPC vận chuyển dầu từ Kazakhstan qua Nga đến các quốc gia khác. Một số “ông lớn” như ExxonMobil hay Chevron đều sử dụng đường ống này, Moscow vào năm 2022 từng dừng vận chuyển trong thời gian ngắn.
Trước thông tin The Financial Times tiết lộ, Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi không khuyến khích hay tạo điều kiện tấn công vào bên trong Nga”. Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) từ chối bình luận.
Cả SBU lẫn GUR cũng không bình luận gì. Tuy nhiên Phó thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna cho biết: “Chúng tôi phản hồi lời kêu gọi từ Mỹ bằng cách được các mục tiêu của mình và thực hiện thành công loạt hoạt động trên lãnh thổ Nga. Chúng tôi thấu hiểu lời kêu gọi của họ”.
Vài tuần gần đây Kyiv đẩy mạnh hoạt động tập kích trên không trong bối cảnh chiến sự trên bộ diễn biến theo hướng có lợi cho Nga. Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày càng bất mãn với cách tiếp cận mâu thuẫn của phương Tây nhằm gây tổn hại nguồn thu từ năng lượng mà Nga nhận được.
Theo một quan chức tình báo quân sự, kể từ năm 2022 đã có ít nhất 12 vụ tập kích cơ sở lọc dầu lớn ở Nga. Riêng năm nay là 9 vụ và trạm vận chuyển, kho chứa cũng trở thành mục tiêu. Cựu chuyên gia phân tích CIA Helima Croft nhận định hoạt động này khiến khoảng 60% lượng dầu Nga xuất khẩu gặp nguy hiểm.