Sau các cuộc đàm phán ba bên, Nhà Trắng sẽ mời Samsung thảo luận về sản xuất chip.

Mỹ, Nhật, Hàn Quốc thảo luận về chuỗi cung ứng chip an toàn, Nhà Trắng mời Samsung họp riêng

Nhân Hoàng | 02/04/2021, 18:13

Sau các cuộc đàm phán ba bên, Nhà Trắng sẽ mời Samsung thảo luận về sản xuất chip.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - Jake Sullivan sẽ thảo luận về tình trạng thiếu chất bán dẫn tại cuộc họp với quan chức đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc vào ngày 2.4, khi nguồn cung chip ngày càng trở thành vấn đề an ninh quốc gia liên quan đến việc duy trì các ngành công nghiệp ô tô và điện tử ở ba nước này. Một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ thông tin đó.

Một nguồn tin trong ngành nói với trang Nikkei rằng Samsung Electronics (có cơ sở sản xuất ở Mỹ) đã được mời tham dự một cuộc họp khác với Nhà Trắng vào cuối tháng này để thảo luận về tình trạng thiếu chip.

Cuộc họp ba bên cấp Cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên giữa ba nước dưới thời chính quyền Biden sẽ chủ yếu tập trung vào Triều Tiên và giữ gìn hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn cho các chuỗi cung ứng nhạy cảm này cũng là ưu tiên quan trọng.

"Chúng tôi sẽ nói chuyện rộng rãi về công nghệ, bao gồm chất bán dẫn, chuỗi cung ứng và công nghệ sinh học trong một hội nghị từ xa”, quan chức Mỹ cho biết và nói thêm rằng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc nắm giữ "nhiều chìa khóa cho tương lai của ngành sản xuất chất bán dẫn công nghệ".

my-nhat-han-quoc-hop-ve-chuoi-cung-ung-chip-an-toan-samsung-duoc-nha-trang-moi-ban-rieng.jpg
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nắm giữ "nhiều chìa khóa cho tương lai của công nghệ sản xuất chất bán dẫn"

Cố vấn an ninh quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc, Shigeru Kitamura và Suh Hoon, sẽ tham gia cùng Sullivan trong cuộc đối thoại ba bên tại Học viện Hải quân Mỹ ở thành phố Annapolis, bang Maryland.

Cuộc họp này giải quyết các vấn đề cung cấp chip, mà Mỹ và Nhật Bản kể từ tháng 1.2021 đã yêu cầu Đài Loan tăng sản lượng chip của mình. Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) của Đài Loan là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới.

Hàn Quốc là cường quốc khác trong sản xuất chip, với các công ty chủ chốt gồm Samsung Electronics và SK Hynix có trụ sở chính tại nước này.

Theo báo cáo được công bố vào tháng 9.2020 của công ty Boston Consulting Group, Đài Loan và Hàn Quốc được ước tính có năng suất sản xuất chất bán dẫn lớn nhất nhì thế giới vào năm 2020, chiếm lần lượt 22% và 21%. Trong khi Nhật và Mỹ lần lượt là 15% và 12%. Nhiều hãng Nhật Bản và Mỹ đã chuyển sang thiết kế chip nhưng không sản xuất mà nhờ bên thứ ba nên ít thâm dụng vốn hơn.

Samsung đang vận hành dây chuyền sản xuất chip ở thành phố Austin, bang Texas, Mỹ. Gã khổng lồ chip Hàn Quốc có kế hoạch xây dựng thêm dây chuyền đúc và Austin là ứng cử viên sáng giá cho khoản đầu tư này. Nguồn tin cho biết Samsung sẽ tham gia cuộc họp sắp tới với Mỹ vào ngày 12.4 cùng với các công ty chip khác.

SK Hynix vẫn chưa được mời vì không có cơ sở sản xuất ở Mỹ, nhưng tình hình có thể thay đổi.

Được thúc giục bởi một lá thư được gửi từ Phòng Thương mại Mỹ, Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn và 15 nhóm kinh doanh khác kêu gọi hành động nhanh chóng, Tổng thống Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp vào ngày 24.2 để giải quyết tình trạng thiếu hụt chip.

Biden cũng cho biết ông sẽ tìm kiếm 37 tỉ đô la tài trợ cho luật để tăng cường sản xuất chip ở Mỹ, bao gồm cả quỹ cho nhà máy mới của TSMC tại nước này.

Sự thiếu hụt nguồn cung chip xuất hiện trong khi nhu cầu ô tô phục hồi mạnh bất ngờ bắt đầu từ mùa thu năm ngoái, sau đợt lao dốc từ tháng 4 đến tháng 6 do đại dịch coronavirus.

Các hãng ô tô toàn cầu tăng cường sản xuất để bù đắp cho sản lượng bị mất do nhà máy ngừng hoạt động, nhưng điều này dẫn đến sự gia tăng nhu cầu với chất bán dẫn, vốn đã được dành hoàn toàn cho thiết bị điện tử tiêu dùng, từ máy tính xách tay đến thiết bị gia dụng, vì nhiều người hơn ở nhà.

Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng chip liên quan đến ô tô đang khiến các nhà sản xuất ô tô toàn cầu cắt giảm sản lượng. Honda Motor đã công bố việc cắt giảm sản lượng 34% so với cùng kỳ năm ngoái tại Nhật Bản vào tháng 2.2021, chủ yếu là do thiếu chất bán dẫn. Toyota Motor đã điều chỉnh sản xuất tại 6 nhà máy ở Mỹ, Mexico và dự kiến ​​sẽ hoạt động ở mức không ổn định ngay cả từ tháng 4 tới.

Ford Motor cho biết sẽ tạm dừng hoạt động tại 6 nhà máy ở Mỹ và Canada cho đến hết tháng 6.2021. Vào đầu tháng 2, General Motors cho biết cuộc khủng hoảng này có thể khiến hãng thiệt hại 2 tỉ USD lợi nhuận trong năm 2021.

my-nhat-han-quoc-thao-luan-ve-chuoi-cung-ung-chip-an-toan-nha-trang-moi-samsung-hop-rieng.jpg
Nhà máy sản xuất chip của Renesas Electronics ở Nhật Bản hư hại nghiêm trọng do hỏa hoạn hôm 19.3

Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang chuẩn bị cho sự gián đoạn dài hạn và khả năng cắt giảm sản lượng hơn nữa kể từ khi Renesas Electronics bị cháy nhà máy sản xuất chip hôm 19.3, không hy vọng sẽ đạt được sự phục hồi hoàn toàn cho đến giữa tháng 7.

Đám cháy bùng phát tại nhà máy Naka của Renesas Electronics ở thành phố Hitachinaka, tỉnh Ibaraki vào ngày 19.3, làm hư hại dây chuyền sản xuất làm tấm wafer bán dẫn.

Tấm wafer là miếng silicon mỏng được cắt ra từ thanh silicon hình trụ, được sử dụng như vật liệu nền để sản xuất vi mạch tích hợp.

Ông Hidetoshi Shibata nói vụ cháy đã ảnh hưởng đến 23 chiếc máy chứ không phải 11 như thông tin ban đầu.

Tại sao thiếu hụt chip toàn cầu?

Từ việc giao xe bị trì hoãn cho đến sự thiếu hụt nguồn cung thiết bị gia dụng cho đến smartphone đắt tiền hơn, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu đang phải đối mặt với sự thiếu hụt chưa từng có trong vi mạch bán dẫn.

Sự thiếu hụt bắt nguồn từ sự kết hợp các yếu tố khi các nhà sản xuất ô tô, vốn đóng cửa các nhà máy trong đại dịch COVID-19 năm ngoái, cạnh tranh với ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng rộng lớn để cung cấp chip. Người tiêu dùng đã tích trữ máy tính xách tay, máy chơi game và các sản phẩm điện tử khác trong thời kỳ đại dịch, dẫn đến lượng hàng tồn kho ngày càng eo hẹp. Họ cũng mua nhiều ô tô hơn dự kiến ​​của các quan chức trong ngành vào mùa xuân năm ngoái, khiến nguồn cung tiếp tục căng thẳng.

Các lệnh trừng phạt với các công ty công nghệ Trung Quốc (Huawei, SMIC) càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Ban đầu tập trung vào ngành công nghiệp ô tô, sự thiếu hụt hiện đã lan sang một loạt các thiết bị điện tử tiêu dùng khác, bao gồm smartphone, tủ lạnh và lò vi sóng.

Với việc các công ty sử dụng chip trong sản xuất đều hoảng sợ mua để tích trữ dự trữ, sự thiếu hụt đã làm giảm công suất và đẩy chi phí của các thành phần rẻ nhất của gần như tất cả các vi mạch lên, làm tăng giá thành sản phẩm cuối cùng.

Ô tô

Ô tô ngày càng phụ thuộc vào chip cho mọi thứ, từ quản lý động cơ bằng máy tính để tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn đến các tính năng hỗ trợ người lái như phanh khẩn cấp.

Cuộc khủng hoảng đã buộc nhiều người phải cắt giảm việc sản xuất các loại xe ít sinh lời hơn. General Motors và Ford Motor là những nhà sản xuất ô tô lớn cho biết sẽ giảm quy mô sản xuất, cùng với Volkswagen AG, Subaru, Toyota Motor và Nissan Motor.

Theo công ty dữ liệu IHS Markit, tình trạng thiếu chip bán dẫn ô tô có thể ảnh hưởng đến gần 1,3 triệu đơn vị sản xuất ô tô hạng nhẹ toàn cầu trong quý đầu tiên.

IHS Markit cho biết vụ hỏa hoạn tại nhà máy sản xuất chip Nhật Bản thuộc sở hữu của Renesas Electronics Corp, công ty chiếm 30% thị trường toàn cầu về các bộ vi điều khiển được sử dụng trong ô tô, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Thời tiết mùa đông khắc nghiệt ở Texas cũng buộc Samsung Electronics, NXP Semiconductors và Infineon phải tạm thời đóng cửa nhà máy một thời gian. Infineon, NXP là những nhà cung cấp chip ô tô lớn và các nhà phân tích kỳ vọng sự gián đoạn sẽ làm tăng thêm sự thiếu hụt trong lĩnh vực.

Gốc rễ từ châu Á

Gốc rễ của sự siết chặt là việc đầu tư quá ít vào các nhà máy sản xuất chip 8 inch thuộc sở hữu của hầu hết các công ty châu Á, có nghĩa là họ đã phải vật lộn để tăng cường sản xuất khi nhu cầu về smartphone và máy tính xách tay 5G tăng nhanh hơn dự kiến.

Thiết kế chip ứng dụng trong smartphone Samsung, Qualcomm là một trong những nhà sản xuất chip lớn đang vật lộn để theo kịp nhu cầu. Nhà cung cấp chính Foxconn của Apple cũng cảnh báo về việc thiếu chip ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cho khách hàng.

Phần lớn hoạt động sản xuất chip hiện nay diễn ra ở châu Á, nơi các nhà sản xuất theo hợp đồng lớn như TSMC và Samsung đảm nhận sản xuất cho hàng trăm công ty chip khác nhau. Các công ty bán dẫn của Mỹ chiếm 47% doanh số bán chip toàn cầu, nhưng chỉ 12% năng suất toàn cầu được thực hiện tại nước này.

Tăng cường sản xuất chip trong nước

Phải tiêu tốn hàng chục tỉ USD để xây dựng các nhà máy sản xuất tấm wafer. Việc mở rộng công suất của họ có thể mất tới 1 năm để thử nghiệm và đủ điều kiện cho các công cụ phức tạp.

Tổng thống Biden đã tìm kiếm 37 tỉ đô la tài trợ cho luật để tăng cường sản xuất chip ở nước này.

Trong 4 nhà máy sản xuất chip tại Mỹ có hai của Intel và một của TSMC ở bang Arizona, một của Samsung tại bang Texas.

Trung Quốc đã cung cấp vô số trợ cấp cho ngành công nghiệp chip khi nước này cố gắng giảm sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây.

Ấn Độ đang cung cấp hơn 1 tỉ USD tiền mặt cho mỗi công ty bán dẫn thành lập các đơn vị sản xuất trong nước khi tìm cách xây dựng ngành công nghiệp lắp ráp smartphone và củng cố chuỗi cung ứng điện tử của mình.

Bài liên quan
Nhà máy sản xuất chip bị cháy mất 3-4 tháng mới hồi phục, Nhật cầu cứu Đài Loan, Samsung báo tin vui
Renesas Electronics, hãng sản xuất chip Nhật Bản có nhà máy bị hư hại nghiêm trọng trong trận hỏa hoạn hôm 19.3, dự kiến ​​sẽ mất ​​3 - 4 tháng để sản lượng phục hồi trở lại mức trước vụ cháy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ, Nhật, Hàn Quốc thảo luận về chuỗi cung ứng chip an toàn, Nhà Trắng mời Samsung họp riêng