Foxconn cho biết tình trạng thiếu chip toàn cầu sẽ khiến lượng hàng xuất xưởng của họ giảm 10%, sự thừa nhận hiếm hoi cho thấy một số tên tuổi tiêu dùng lớn nhất thế giới từ Apple đến Amazon có thể đối mặt với sóng gió từ nguồn cung làm rung chuyển ngành công nghệ.

Chủ tịch Foxconn thấy sức nóng vì tình trạng thiếu chip, Apple đối mặt sóng gió

Nhân Hoàng | 30/03/2021, 20:14

Foxconn cho biết tình trạng thiếu chip toàn cầu sẽ khiến lượng hàng xuất xưởng của họ giảm 10%, sự thừa nhận hiếm hoi cho thấy một số tên tuổi tiêu dùng lớn nhất thế giới từ Apple đến Amazon có thể đối mặt với sóng gió từ nguồn cung làm rung chuyển ngành công nghệ.

Foxconn (Đài Loan) là đối tác sản xuất lớn nhất của Apple, làm ra hơn 50% số lượng iPhone trên toàn thế giới. Ngoài ra, Foxconn còn sản xuất iPad, MacBook và các linh kiện, phụ kiện khác cho Apple.

"Nguồn cung trong hai tháng đầu tiên của quý này vẫn ổn, vì khách hàng của chúng tôi đều rất lớn, nhưng chúng tôi bắt đầu thấy những thay đổi xảy ra trong tháng này", Young Liu, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Foxconn, nói trong buổi báo cáo thu nhập của công ty Đài Loan hôm 30.3.

Foxconn là hãng sản xuất iPhone chủ chốt và là nhà cung cấp lớn nhất cho nhiều tập đoàn công nghệ toàn cầu, bao gồm cả Google, Microsoft và HP. Việc Foxconn thừa nhận rằng đang gặp khó khăn trong việc mua linh kiện là dấu hiệu cho thấy ngay cả những công ty công nghệ nặng ký như Apple - xu hướng có nhiều nguồn lực hơn và khả năng thương lượng lớn hơn cùng các nhà cung cấp so với các đối thủ khác - cũng gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung.

Ông Young Liu nói Foxconn có khả năng xuất xưởng ít hơn 10% sản phẩm so với kế hoạch mà không nêu rõ khoảng thời gian. Chủ tịch Foxconn nói thêm, nguồn cung cấp cho "các sản phẩm kinh tế gia đình" đặc biệt bị hạn chế vì đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy lượng đơn đặt hàng gấp rút. Ngược lại, "tác động với các đơn đặt hàng đã được bảo đảm cách đây khá lâu là khá hạn chế".

Theo các cơ quan nghiên cứu, sự thiếu hụt có thể sẽ kéo dài đến ít nhất là quý 2/2022.

chu-tich-foxconn-noi-ve-tinh-trang-thieu-chip-apple-doi-mat-bao-to3.jpg
Chủ tịch Young Liu cho biết cuộc khủng hoảng chip toàn cầu đã bắt đầu ảnh hưởng đến Foxconn

Foxconn cũng trình bày chi tiết các kế hoạch của mình cho ngành công nghiệp ô tô điện, bao gồm đầu tư 1 tỉ USD cùng các đối tác để xây dựng nhà máy ô tô điện ở Bắc Mỹ. Công ty đang xem xét hai địa điểm khả thi - Wisconsin và Mexico - để thử nghiệm và sản xuất ô tô điện hàng loạt.

"Chúng tôi sẽ quyết định một nơi để chạy thử nghiệm và một địa điểm khác để sản xuất hàng loạt 10.000 chiếc ô tô điện mỗi tháng", ông Young Liu nói.

Ông Young Liu cho biết Foxconn đang đặt cược vào ô tô điện, robot và các giải pháp y tế thông minh để nâng tỷ suất lợi nhuận gộp lên 10% vào năm 2025. Con số năm ngoái là 5,65%.

Chủ tịch Young Liu tiết lộ kế hoạch lắp ráp chiếc ô tô điện đầu tiên của Foxconn với Fisker (công ty khởi nghiệp ô tô điện của Mỹ) vào cuối năm 2023. Foxconn có kế hoạch tung ra một chiếc ô tô điện du lịch cỡ nhỏ ở châu Âu và Mỹ cùng năm đó.

Đối tác hàng đầu của Apple đặt mục tiêu giới thiệu ít nhất một mẫu ô tô điện mới mỗi năm như phần nỗ lực đạt được mục tiêu. Foxconn sẽ ra mắt nguyên mẫu của một chiếc xe buýt điện, cũng như hai xe điện chở khách trong 2021. Vào năm 2022, Foxconn sẽ bắt đầu bán chiếc xe buýt điện đầu tiên của mình.

Bên cạnh đó, Foxconn cũng đang giúp Byton (công ty khởi nghiệp ô tô điện Trung Quốc) sản xuất chiếc ô tô điện đầu tiên của mình, theo ông Young Liu.

Là một phần của nỗ lực thúc đẩy ô tô điện, Foxconn đã phát triển nền tảng phần cứng và phần mềm mở MIH được thiết kế để giúp các hãng sản xuất ô tô điện. Foxconn thông báo rằng 1.350 đối tác từ 47 quốc gia châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu và châu Phi đã tham gia liên minh nền tảng MIH.

Nền tảng MIH có thể tùy chỉnh - bao gồm khung gầm, kiến ​​trúc điện tử và hỗ trợ lái xe tự hành - được thiết kế để rút ngắn thời gian và nguồn lực mà các nhà sản xuất ô tô cần để sản xuất ô tô điện mới.

nha-lanh-dao-doi-tac-hang-dau-cua-apple-o-to-dien-se-lai-iphone-moi.jpg
Nền tảng MIH dành cho ô tô điện được Foxconn công bố tại sự kiện ở Đài Bắc vào tháng 10.2020.

Trước đó, ông Young Liu cho biết ô tô điện là sản phẩm lớn tiếp theo của nhà lắp ráp iPhone và rất có khả năng phát triển thành ngành kinh doanh lớn hơn điện tử.

Ông Young Liu là người đứng đầu mảng kinh doanh chất bán dẫn của Foxconn trước khi kế nhiệm Terry Gou làm Giám đốc điều hành vào năm 2019.

Công ty Đài Loan đang cân nhắc kế hoạch sản xuất ô tô điện ở Trung Quốc và Mỹ, thâm nhập vào phân khúc thị trường ô tô đang phát triển nhanh chóng, nơi các hãng công nghệ có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô truyền thống.

"Với ô tô điện, chúng tôi có cơ hội cạnh tranh vì không còn động cơ trên xe nữa. Không có động cơ, nếu bạn nhìn vào các thành phần quan trọng của hệ thống truyền lực, đó là bộ truyền động cùng nhiều thành phần bán dẫn",
ông Young Liu Liu nói với trang Nikkei trong một cuộc phỏng vấn.

Foxconn lần đầu tiên tiết lộ kế hoạch lắp ráp xe điện cho các nhà sản xuất ô tô vào tháng 10 năm ngoái. Công ty đã đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần ô tô điện toàn cầu từ năm 2025 đến 2027. Thế nhưng, nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới không có kế hoạch tái tạo mô hình kinh doanh từng hoạt động cho smartphone và các thiết bị khác. Cách tiếp cận đó tập trung các nhà máy ở Trung Quốc và Đài Loan, vận chuyển hàng điện tử trên toàn thế giới.

Chúng tôi không dự đoán loại hình sản xuất tập trung tương tự này sẽ hoạt động. Chúng tôi nghĩ rằng sản xuất khu vực hóa hoặc phi tập trung sẽ là hướng đi cho ô tô điện", ông Young Liu nói.

Doanh thu của Foxconn năm ngoái đã tăng 0,31% lên 5,35 ngàn tỉ Tân Đài tệ (187,64 tỉ USD), kỷ lục với công ty. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng giảm 12% xuống 101,79 tỉ Tân Đài tệ.

Doanh thu tăng một phần nhờ doanh số bán iPhone 12 Pro và iPhone 12 Pro Max cao hơn dự kiến, mà Foxconn là nhà lắp ráp chính.

Bài liên quan
Nhà máy Samsung đóng cửa tàn phá chuỗi cung ứng chip, Apple gián đoạn sản xuất iPhone
Tình trạng thiếu chip từng khiến việc sản xuất ô tô chậm lại giờ đã lan sang sản xuất smartphone và máy tính cá nhân, đe dọa làm trật bánh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Foxconn thấy sức nóng vì tình trạng thiếu chip, Apple đối mặt sóng gió