Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 5.8 cho biết Mỹ đã bắt đầu đàm phán với ba đảo quốc Thái Bình Dương về chuyện gia hạn một thỏa thuận an ninh có thể giúp giới chức Washington chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại đây.
“Hôm nay tôi xác nhận rằng Mỹ sẽ giúp các bạn bảo vệ chủ quyền, an ninh, quyền được sống trong tự do - hòa bình. Tôi rất vui mừng thông báo hoạt động đàm phán vấn đề gia hạn hiệp ước giữa chúng ta đã bắt đầu. Hiệp ước giúp duy trì nền dân chủ trước nỗ lực phân chia lại Thái Bình Dương từ Trung Quốc”, Ngoại trưởng Pompeo phát biểu sau cuộc gặp ba nhà lãnh đạo Micronesia, Quần đảo Marshall và Palau.
Thỏa thuận an ninh mà Ngoại trưởng Pompeo nhắc đến là Hiệp ước Liên kết tự do (COFA), theo đó quân đội Mỹ có đặc quyền hoạt động tại vùng biển cùng không phận ba đảo quốc nêu trên. Đổi lại ba đảo quốc nhận về nhiều khoản viện trợ tài chính.
Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đón tiếp ba nhà lãnh đạo Micronesia, Quần đảo Marshall và Palau ngay tại Nhà Trắng, qua đó đặt nền tảng cho hoạt động đàm phán COFA.
COFA chuẩn bị hết hạn vào năm 2014. Bất kỳ sai lầm nào cũng có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc – thế lực không ngừng mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.
Vì nỗ lực bành trướng của giới chức Bắc Kinh mà Micronesia, Quần đảo Marshall và Palau giữ vai trò ngày càng quan trọng về mặt chiến lược. Chuyên gia chính sách đối ngoại Jonathan Pryke thuộc Viện Nghiên cứu Lowy phân tích: “Micronesia là một phần trong chuỗi đảo thứ hai (do Mỹ lập ra) nhằm kiềm chế Trung Quốc. Mối quan hệ rất quan trọng, nhưng Trung Quốc đang theo đuổi mạnh mẽ”.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc vươn lên trở thành bên cho vay lớn nhất tại Thái Bình Dương. Hầu hết khoản vay ưu đãi chảy vào những quốc gia mà họ xây dựng được quan hệ ngoại giao tốt như Fiji, Papua New Guinea, Tonga, Samoa và Vanuatu.
Cẩm Bình (theo Reuters)