Đài CNN dẫn lời 3 quan chức quốc phòng cho biết Lầu Năm Góc đang chuẩn bị phân tích chi tiết và bàn bạc tìm cách hỗ trợ quân đội Ukraine trong cả trung lẫn dài hạn, kể cả sau khi cuộc chiến với Nga kết thúc.
Nỗ lực trên được dẫn đầu bởi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley, dựa trên viện trợ quân sự hàng tỷ USD mà Washington cung cấp cho Ukraine từ lúc chiến tranh nổ ra đến nay. Quá trình bàn bạc mới ở giai đoạn đầu. Lầu Năm Góc hiện xem xét tương lai của các lực lượng Ukraine đồng thời cân nhắc hỗ trợ trong ít nhất là 5 năm sau khi cuộc chiến đang diễn ra kết thúc.
Phân tích của Lầu Năm Góc được thực hiện cùng với phía Ukraine, nếu được Tổng thống Joe Biden chấp thuận có thể mở đường cho nhiều thương vụ bán khí tài cùng chương trình huấn luyện quân sự dài hạn. Mỹ sẽ cung cấp cho Kyiv lộ trình chi tiết nêu rõ phương án phát triển quân đội mà Washington tin rằng là tối ưu nhất.
Theo 3 nguồn tin quan chức trên, kết quả phân tích dự kiến được tổng hợp trong 1 - 2 tháng tới. Kế hoạch có thể thay đổi tùy tình hình chiến sự.
Vào tháng trước trong lúc thảo luận về viện trợ cho Ukraine, Thứ trưởng Quốc phòng Colin Kahl khẳng định khí tài Mỹ cung cấp dù không trực tiếp đóng góp cho cuộc chiến đang diễn ra nhưng sẽ tạo thành “xương sống” cho quân đội Ukraine mạnh mẽ trong tương lai, đủ sức bảo vệ Ukraine nhiều năm tới.
Phân tích của Lầu Năm Góc sẽ xem xét nhu cầu hiện đại hóa phi đội máy bay hỗ trợ lực lượng mặt đất cơ động cao của Kyiv. Lực lượng mặt đất Ukraine chứng minh được khả năng chiến đấu trong cuộc chiến với Nga thời gian qua. Cơ quan này cũng thành lập nhóm làm việc phụ trách sắp xếp hợp lý quy trình bán khí tài quân sự cho nước ngoài, giúp xử lý yêu cầu từ đồng minh cùng đối tác, gồm cả Ukraine.
Lầu Năm Góc xác định hiện Ukraine sở hữu khoảng 1.000 máy bay không người lái (UAV) các loại. Nguồn tin cho biết cả Washington lẫn Kyiv đều phát hiện ra rằng UAV tầm hoạt động gần mang ít chất nổ không hữu ích bằng UAV cỡ lớn, vì vậy trong vòng 1 tháng tới sẽ có một thương vụ cung cấp 10 chiếc Switchblade 600. Sau đó Mỹ có thể quyết định cung cấp thêm khí tài cần thiết.
Khí tài mà Ukraine cần nhiều nhất là đạn pháo 155 mm. Phía Kyiv đang sử dụng rất nhiều và Mỹ cũng phải bổ sung kho dự trữ của chính mình.
Cuối tháng trước, Lầu Năm Góc trao hợp đồng cho nhiều nhà cung cấp trong nước lẫn nước ngoài. Các thương vụ cung cấp 100.000 quả đạn trong vòng 90 ngày và 15.000 quả trong 1 tháng sau đó. Mục tiêu dài hạn là trong vòng 2 - 3 năm tới mỗi tháng cung cấp 30.000 quả.
Lầu Năm Góc đang làm việc với ngành quốc phòng để tăng năng suất phục vụ xuất khẩu sang Ukraine lẫn tái lấp đầy kho vũ khí Mỹ. Để giảm bớt áp lực nguồn cung, một số hợp đồng sản xuất bổ sung tên lửa đất đối không, UAV, radar, rocket phóng từ mặt đất chính xác cao đã được trao từ tháng 4.