Mỹ và châu Âu đã lên tiếng cảnh báo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nên kiềm chế trong chiến dịch thanh trừng được thực hiện sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15.7, giữa lúc nhiều tin tức liên quan tới việc có nhiều sĩ quan cấp cao và các thành viên tư pháp bị bắt.

Mỹ và EU cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không được đàn áp phe đối lập

Hà Ngọc Bách | 18/07/2016, 20:36

Mỹ và châu Âu đã lên tiếng cảnh báo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nên kiềm chế trong chiến dịch thanh trừng được thực hiện sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15.7, giữa lúc nhiều tin tức liên quan tới việc có nhiều sĩ quan cấp cao và các thành viên tư pháp bị bắt.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Washingtonđứng cùng phíavới "những lãnh đạo được bầu ở Thổ Nhĩ Kỳ", nhưng cảnh báo Ankara không nên dùng cuộc đảo chính bất thành hôm 15.7 làm cái cớ đàn áp những người bất đồng chính kiến.

"Chúng tôi kêu gọi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ duy trì tôn trọng pháp luật ở tiêu chuẩn cao nhất", ông Kerry nói sau khi gặp các đối tác EU tại Brussels hôm 18.7. "Chúng tôi ủng hộ việc đưa các thủ phạm đảo chính ra ánh sáng công lý, nhưng chúng tôi cảnh báo những hành động xa hơn".

Các nhà lãnh đạo EU thậm chí còn chỉ trích Ankara mạnh hơn, xung quanh chiến dịch thanh trừng mà nước này đang thực hiện. Các quan chức thuộc Ủy ban châu Âu chịu trách nhiệm về Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lập một danh sách bắt giữ trước cả khi vụ đảo chính quân sự bất thành hôm 15.7 nổ ra.

"Có vẻ ít nhất có một danh sách đã được chuẩn bị trước", ông Johannes Hahn, Ủy viên EU phụ trách chương trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. "Danh sách đã được lập sẵn, nó được chuẩn bị để được sử dụng khi có cơ hội. Chúng tôi rất quan tâm vấn đề này. Đây chính xác là điều mà chúng ta đã sợ".

Sự lo lắng của các lãnh đạo EU và Mỹ đến từ việc số lượng người bị chính quyền của ông Erdogan bắt ngày càng tăng. Theo Thủ tướng Binali Yildirim cho biết hôm 18.7, tổng số người bị bắt vì liên quan đến đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ đến nay đã là 7.543 người, trong đó có 6138 quân nhân, 755 công tố viên và 650 thường dân.

"Chúng tôi không thể chấp nhận một chế độ độc tài quân sự, nhưng chúng tôi cũng phải cẩn thận cân nhắc rằng các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một hệ thống chính trị không quay lưng lại với thể chế dân chủ", ông Jean-Marc Ayrault, Ngoại trưởng Pháp nói. "Nguyên tắc của pháp luật phải được áp dụng... Chúng ta cần quyền lực nhưng chúng ta cũng phải thực hiện dân chủ".

Các quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức phản đối kịch liệt các cáo buộc của Mỹ và EU là họ đanglạm quyền. Một quan chức nói rằng các phê bình đã "bỏ qua thực tế là tòa nhà Quốc hội bị trúng tên lửa từ F-16 của quân đảo chính 11 lần".

Đề cập đến tuyên bố của ông Erdogan là cuộc đảo chính bất thành lần này là "một món quà của thượng đế" quan chức này nói thêm: "Không thể cắt nhỏ lời của Tổng thống ra khỏi bối cảnh của câu chuyện mà bỏ qua một thực tế là tòa nhà Quốc hội và tòa nhà Chính phủ đã bị tấn công lần đầu tiên từ năm 1923".

Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên trên cũng cho biết thêm là ông Erdogan suýt bị phe đảo chính giết, một dấu hiệu rõ ràng là ông không tìm cách tạo "đảo chính giả" để tổ chức chiến dịch thanh trừng trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ nhằmtiêu diệt các kẻ thù chính trị của ông. Quan chức trên nhấn mạnh là máy bay chiến đấu của phe đảo chính đã khóa mục tiêu vào máy bay chở Tổng thống nhưng không rõ vì sao lại không bắn.

Tuy nhiên, cuộc đảo chính thất bại đã giúp ông Erdogan cơ hội mở chiến dịch thanh trừng chống lại những kẻ chủ mưu, trong đó có các đối thủ chính trị của ông. Tốc độ của chiến dịch thanh trừng trong đó có việc 2.747 công tố viên đã bị sa thải chỉ trong ngày 16.7 và số lượng lớn người bị bắt cho thấy sự chuẩn bị trước danh sách cần phải bắt giữ của chính phủ.

Hơn 190 người thiệt mạng và 1.400 người bị thương trong cuộc đảo chính bất thành hôm 15.7. Tổng thống Erdogan đã đổ lỗi cho Fethullah Gulen, một giáo sĩ Hồi giáo đang sống lưu vong tại bang Pennsylvania của mỹ là người chủ mưu cuộc đảo chính.

Căng thẳng giữa Washington và Thổ Nhĩ kỳ đã tăng lên trong vài ngày qua khi chính quyền của ông Obama từ chối dẫn độ ông Gulen về nước mà không có yêu cầu dẫn độ chính thức từ phía Ankara.

"Mỹ là một nước bạn bè và là đồng minh thân cận. Nỗ lực đảo chính là cách tốt nhất để họ chứng tỏ bản thân (bằng cách dẫn độ ông Gulen)", ông Yildirim nói. "Chúng tôi sẽ rất thất vọng nếu bạn bè mà vẫn yêu cầu bằng chứng. Chúng tôi muốn xem xét lại tình bạn này".

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết là các nghi phạm tham gia đảo chính đã bị bắt trên toàn quốc và họ vẫn đang tiếnhành điều tra những nhân vật chỉ huy thật sự của vụ đảo chính lần này. Các nghi phạm bị bắt gồm nhiều quan chức hàng đầu, từ thống đốc tỉnh, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương cho đến các quan chức quân sự mới được bổ nhiệm.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng thừa nhận rằng họ đã tập trung điều tra các quan chức, dân thường ủng hộ Giáo sĩ Gulen. Một quan chức hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ còn khẳng định rằng những người trung thành với ông Gulen đã thâm nhập sâu vào hàng ngũ quân đội và chính quyền trong nhiều năm.

Thiên Hà (theo Financial Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương giới thiệu ông Tô Lâm để bầu làm Chủ tịch nước, ông Trần Thanh Mẫn bầu làm Chủ tịch Quốc hội
11 giờ trước Theo dòng thời sự
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, được giới thiệu để bầu Chủ tịch Quốc hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ và EU cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không được đàn áp phe đối lập