Trước tình hình dịch bệnh vẫn đang lây lan dữ dội, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã quyết định nâng mức phong tỏa toàn quốc lên cấp độ 3.
Theo ông Ramaphosa, dịch bệnh lây lan nhanh tại hầu hết các tỉnh trên cả nước khiến các bệnh viện tại đây gần như đã quá tải do phải tiếp nhận số người nhập viện tăng đột biến mỗi ngày.
Nam Phi là nước bị COVID-19 hoành hành dữ dội nhất ở châu Phi, với hơn 1,8 triệu ca nhiễm và khoảng 58.000 ca tử vong tính đến nay. Nước này đã nâng mức phong tỏa toàn quốc lên cấp độ 2 hồi cuối tháng 5 trong bối cảnh chiến dịch tiêm ngừa cho người dân tiến triển chậm chạp.
Brazil tiếp tục là tâm dịch nóng nhất trên thế giới khi ghi nhận hơn 78.300 ca mắc mới và gần 2.300 ca tử vong. Đến nay, nước này đã có tổng cộng 17,5 triệu người mắc COVID-19 và khoảng 490.700 ca tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chưa đến 12% dân số Brazil được tiêm đầy đủ 2 liều vắc xin. Vắc xin chỉ yếu được tiêm tại Brazil là Sinovac và AstraZeneca.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro từng phản đối quyết định phong tỏa và giãn cách xã hội của các quan chức địa phương. Ông cho rằng các biện pháp này có thể làm nền kinh tế Brazil sụp đổ và cách ly chỉ dành cho những người đã bị nhiễm bệnh. Mới đây trong một buổi mít tinh vận động bầu cử, ông Bolsonaro cũng đã bị phạt vì không đeo khẩu trang.
Thượng viện Brazil vào tháng trước đã mở một cuộc điều tra xem liệu ông Bolsonaro, vốn là một người hoài nghi tác dụng của vắc xin, có đang cố tình trì hoãn việc tiêm chủng tại nước này hay không.
Ấn Độ ghi nhận thêm hơn 62.000 ca mắc mới vào danh sách chung 29,6 triệu người nhiễm COVID-19, và thêm gần 1.500 ca tử vong, nâng tổng số lên 379.600 ca.
Mới đây, New York Times đưa tin giới chức Ấn Độ đã vào cuộc điều tra sau khi một báo cáo nội bộ của chính phủ nước này cho thấy một cơ sở tư nhân phụ trách xét nghiệm COVID-19 cho những người hành hương tại lễ hội Kumbh Mela hồi đầu năm đã làm giả kết quả ít nhất 100.000 xét nghiệm.
Lễ hội này đã kéo dài suốt tháng 4, thu hút hàng triệu người đổ về thành phố Hariwar bên bờ sông Hằng ở bang Uttarakhand, miền Bắc Ấn Độ. Lễ hội này bị cho là nguyên nhân chính khiến làn sóng COVID-19 thứ hai bùng phát dữ dội tại Ấn Độ. Nhiều người trở về từ lễ hội này đã bị nhiễm COVID-19.
Mỹ vẫn là vùng dịch có nhiều ca tử vong nhất thế giới khi vượt qua mốc 600.000 ca vào ngày 15.6. Số ca tử vong ở nước này chiếm khoảng 15% tổng số ca tử vong do COVID-19 trên thế giới, ngoài ra nước này đã ghi nhận hơn 33,4 triệu ca mắc.
Tổng thống Joe Biden thừa nhận đã có quá nhiều người tử vong dù Mỹ đang có những diễn biến tích cực trong phòng chống dịch, trở lại cuộc sống bình thường nhờ chiến dịch tiêm chủng đạt hiệu quả cao.
Hiện nay, biến thể Delta đang lây lan khá nhanh tại Mỹ, chiếm khoảng 10% số ca bệnh tại nước này và có thể trở thành chủng chiếm phần lớn ca mắc trong những tháng tới.
Đến nay đã có khoảng 52,5% dân số Mỹ được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin và khoảng 43,7% hoàn thành tiêm đầy đủ 2 liều. Hiệu quả của vắc xin chống lại biến thể Delta khá cao đối với người đã tiêm đầy đủ 2 liều nhưng thấp hơn rất nhiều với nhóm người mới tiêm liều đầu tiên. Chính vì vậy, giới chức Mỹ đang kêu gọi người dân cần tích hơn trong việc đi tiêm phòng để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Tại Indonesia, số ca bệnh hằng ngày đã tăng gần 10.000 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 ở nước này vượt mốc 1,9 triệu ca. Các quan chức y tế lo ngại dịch sẽ đạt đỉnh điểm vào tháng 7. Đến nay biến thể Delta đã lan rộng tại khu vực Jakarta cùng nhiều vùng khác ở Java.
Dicky Budiman, nhà dịch tễ học người Indonesia tại Đại học Griffith Australia nhận định nếu chính phủ Indonesia không đưa ra chính sách phù hợp, tình hình đại dịch có thể tồi tệ hơn.