Một bản đánh giá của Lầu Năm Góc thừa nhận quân đội Mỹ chưa có đủ năng lực hậu cần để có thể tiếp tế và trang bị trong tình huống xung đột vũ trang nổ ra tại châu Á.
Bản đánh giá xuất hiện trong tài liệu lập kế hoạch cho Sáng kiến Thái Bình Dương của Mỹ (PDI) vừa nộp lên Quốc hội Mỹ vào giữa tháng 4. Lầu Năm Góc nhận xét: “Thế trận hậu cần cùng khả năng duy trì lực hiện tại là không đủ hỗ trợ cho các hoạt động trong một môi trường đầy tranh chấp”.
PDI ra mắt năm ngoái với mục đích cải thiện thế trận và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sáng kiến phân bổ kinh phí cho nhiều nỗ lực đối phó sự tăng cường quân sự của Trung Quốc.
Lầu Năm Góc ước tính PDI cần 27,1 tỉ USD trong 5 năm đầu tính từ năm tài khóa 2023, nhiều hơn ngân sách Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) yêu cầu 20%.
Lầu Năm Góc muốn dành 1,02 tỉ USD cho hậu cần, trong khi INDOPACOM một năm trước ước tính cải thiện năng lực hậu cần chỉ phải chi 490 triệu USD.
Lượng đạn dược, nhiên liệu, thực phẩm cùng vật tư y tế dự trữ ở các địa điểm khác nhau trước khi xung đột nổ ra sẽ rất quan trọng đối với năng lực tiếp tế cho quân đội Mỹ. Trong tình huống xung đột với Trung Quốc, cường quốc châu Á này sẽ tìm cách ngăn Mỹ tiếp cận chuỗi đảo thứ 2 trải dài từ quần đảo Ogasawara (Nhật) qua Guam (Mỹ) rồi đến Papua New Guinea.
Chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai là hệ thống đảo nằm giữa lục địa Trung Quốc và Tây Thái Bình Dương được Mỹ dùng để kiềm chế Trung Quốc kể từ thời Chiến tranh lạnh. Khái niệm này được nhà ngoại giao Mỹ John Foster Dulles đề cập lần đầu năm 1951.
Lúc xung đột nổ ra, máy bay vận tải cùng tàu dầu tiếp tế cho lực lượng Mỹ có khả năng bị Trung Quốc tấn công.
Khi được hỏi về bài học từ cuộc chiến tại Ukraine trong chuyến thăm Úc tháng trước, Tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ David Berger khẳng định chính là hậu cần: “Đây là yếu tố hạn chế nhưng cũng là yếu tố thúc đẩy bạn tiến quân xa và nhanh. Hậu cần không thể nằm cuối trong kế hoạch”.
Chiến dịch quân sự Nga thực hiện bộc lộ một số vấn đề nghiêm trọng như hậu cần, chỉ huy - kiểm soát, duy trì kiểm soát vùng trời. Đà tiến công vào vài thành phố lớn từng chững lại mặc dù nhiều cuộc không kích vẫn diễn ra.
Nhằm chuẩn bị chi tiêu mạnh mẽ cho hậu cần từ năm tài khóa 2023, Lầu Năm Góc đề xuất tăng khả năng dự trữ nhiên liệu phản lực tại căn cứ Iwakuni nơi thủy quân lục chiến Mỹ đồn trú. Lượng nhiên liệu dự trữ lớn sẽ đảm bảo duy trì hoạt động dự phòng trong lúc chờ tàu tiếp tế.
Đề xuất trên dường như phục vụ cho kịch bản khủng hoảng quân sự eo biển Đài Loan hoặc biển Hoa Đông. Ngoài căn cứ Iwakuni, Lầu Năm Góc còn muốn mở rộng kho chứa nhiên liệu tại căn cứ Yokota.
PDI cũng lập nên kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ ở Guam để đối phó tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình cùng vũ khí siêu thanh Trung Quốc. Guam ngày càng giữ vai trò quan trọng trong nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ lẫn hậu cần ở khu vực. Đây là nơi không quân, hải quân, thủy quân lục chiến Mỹ đặt căn cứ. INDOPACOM đặt ưu tiên phải trang bị hệ thống phòng không “360 độ” cho căn cứ này.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang phát triển tàu hỗ trợ cơ động tốc độ cao, dự kiến đưa vào sử dụng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tàu có thể vận chuyển nhanh khí tài cùng vật tư khác đến các đảo.
Bên cạnh rút ra bài học từ cuộc chiến tại Ukraine, lý do khác khiến Lầu Năm Góc muốn nâng cao năng lực hậu cần tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là vì quân đội Mỹ chuyển từ tập trung sang phân tán lực lượng.
Loạt căn cứ tại châu Âu lẫn phía tây Thái Bình Dương có lính Mỹ đồn trú lâu nay thường là địa điểm cố định quy mô lớn, rất dễ trở thành mục tiêu của vũ khí tầm xa ngày càng nhiều của Trung Quốc. Theo học giả Jacob Stokes thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS): “Lực lượng càng dàn trải càng khó tiếp tế và tái trang bị. Thế trận phân bố lực lượng tốt hơn sẽ linh hoạt hơn khi đối mặt với tấn công từ đối thủ, nhưng như vậy có nghĩa lực lượng nhiều nơi khác nhau chỉ được hỗ trợ hậu cần từ vài điểm cụ thể”.
Quân đội Mỹ đang suy tính đến việc chia nhỏ lực lượng ra khắp chuỗi đảo thứ nhất trải dài từ Okinawa, Đài Loan đến Philippines theo hình thức hoạt động căn cứ viễn chinh tiền phương (EABO): thiết lập căn cứ tạm thời cho tên lửa chống hạm, hệ thống phòng không và thu thập thông tin tình báo, chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn trước khi chuyển đến địa điểm tiếp theo.