Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa xác nhận đã phát hiện nước ở bán cầu nam của Mặt trăng, gần miệng núi lửa Clavius.
Nước được phát hiện gần miệng núi lửa Clavius, một trong những miệng núi lửa lớn nhất của Mặt trăng và có thể nhìn thấy bằng mắt thường, Paul Hayne - nhà khoa học hành tinh tại Đại học Colorado, cho biết trong cuộc họp báo trực tuyến. Hayne là tác giả chính của một trong những nghiên cứu được công bố về chủ đề này.
Casey Honniball, tác giả chính của nghiên cứu khác, cho biết có từ 100 đến 400 phần triệu nước, hay “gần tương đương với một chai nước 12 ounce (gần 355ml) trong một mét khối đất Mặt trăng”.
Nghiên cứu do Casey Honniball dẫn đầu đã tìm thấy sự hiện diện của nước trực tiếp trên bề mặt của Mặt trăng. Trong khi đó, những phát hiện từ nhóm của Paul Hayne nhận định rằng, nước có thể bị mắc kẹt trong các “quy mô không gian nhỏ” trên khắp bề mặt vệ tinh này.
“Chúng tôi đã tìm ra những manh mối cho thấy nước hiện diện trên Mặt trăng trước đây. Giờ đây, chúng tôi có thể chắc chắn về nó. Khám phá mới thách thức hiểu biết của nhân loại về hành tinh này và đặt ra nhiều câu hỏi hấp dẫn về các nguồn tài nguyên liên quan không gian”, Paul Hertz, Giám đốc Bộ phận Vật lý thiên văn tại trụ sở của NASA cho biết.
Các nhà khoa học nói rằng phát hiện mới góp phần vào nỗ lực của NASA trong việc tìm hiểu về Mặt trăng, hỗ trợ cho việc khám phá không gian sâu. Theo chương trình Artemis của NASA, cơ quan này sẽ cử người phụ nữ đầu tiên và người đàn ông tiếp theo lên bề mặt Mặt trăng vào năm 2024, hướng đến đặt nền móng cho việc đưa con người đến sao Hỏa vào những năm 2030.
“Nếu có thể sử dụng nguồn tài nguyên tại Mặt trăng, chúng ta hoàn toàn có thể mang ít nước và thiết bị hơn, từ đó tạo ra những khám phá khoa học mới”, Jacob Bleacher, Trưởng ban Khoa học thám hiểm tại NASA, cho biết.
Theo Fox News, phát hiện trên dựa vào dữ liệu từ Đài quan sát thiên văn hồng ngoại (SOFIA) của NASA. Là đài quan sát trên không lớn nhất thế giới, SOFIA là một chiếc máy bay 747SP đã được chỉnh sửa để bay cao trong khí quyển và mang theo kính viễn vọng phản xạ cỡ lớn.
Khác với các kính viễn vọng trên mặt đất, SOFIA hoạt động ở độ cao 11km trên tầng bình lưu, cung cấp cái nhìn rõ ràng về vũ trụ và các vật thể trong hệ Mặt trời. SOFIA bay cao hơn 99% hơi nước trong khí quyển, thực hiện các quan sát ở bước sóng hồng ngoại và có thể phát hiện hiện tượng không thể nhìn thấy bằng ánh sáng khả kiến.
Trước đây, những thiết bị của SOFIA phát hiện ra dấu hiệu của oxy trong khí quyển của sao Hỏa, cùng vô số các tia hồng ngoại phát ra từ những vụ va chạm giữa các ngoại hành tinh. Ngoài ra, SOFIA còn xác định được trung tâm của các thiên hà trong vũ trụ, bao gồm dải Ngân hà. Lần này, SOFIA hướng tới mục tiêu gần hơn là Mặt trăng.