NATO hứa hẹn hỗ trợ quân sự mới cho Kyiv và bố trí thêm binh sĩ tới sườn phía đông sau khi London và Washington áp các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow.
Theo Nikkei, trong cuộc họp thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ) hôm 24.3, các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí giúp Ukraine tự bảo vệ mình trước bất kỳ cuộc tấn công hóa học, sinh học hoặc hạt nhân. Một quan chức Mỹ cho biết Washington và các đồng minh cũng đang nỗ lực cung cấp tên lửa chống hạm cho Kyiv.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo từ các quốc gia đại diện cho hơn một nửa GDP của thế giới không hài lòng với lời thỉnh cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt hơn. Ngoài ra, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang chia rẽ về việc áp đặt lệnh cấm vận năng lượng đối với Nga.
Nga hiện cung cấp 40% nhu cầu khí đốt chung của EU và hơn một phần tư lượng dầu nhập khẩu của EU. Đức, Ý và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Berlin đang miễn cưỡng thực hiện các lệnh trừng phạt sâu rộng có thể tác động kinh tế lớn.
Trong một động thái khiến tình thế tiến thoái lưỡng nan của châu Âu trở nên tồi tệ hơn, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 23.3 cho biết các quốc gia "thiếu thân thiện" phải bắt đầu trả bằng đồng rúp (ruble) cho mua dầu và khí đốt.
"Khác với một số đồng nghiệp, chúng ta coi trọng vị thế là đối tác và nhà cung cấp đáng tin cậy. Tất nhiên Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí tự nhiên với số lượng và mức giá được thống nhất trong các hợp đồng từ trước. Thay đổi duy nhất là phương thức thanh toán, trong đó sẽ sử dụng đồng rúp của Nga", ông Putin nói trong cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng.
Danh sách "thiếu thân thiện" gồm các quốc gia đã áp đặt cấm vận Nga, trong đó có Mỹ, các nước thành viên EU, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine. Các nhà phân tích cho rằng động thái mới của Nga là nỗ lực của Moscow nhằm gây áp lực lên EU để trả đũa các biện pháp cấm vận.
Một số nhà lãnh đạo EU cho biết nhu cầu này trái ngược với các hợp đồng cung ứng, và Thủ tướng Slovenia Jansa nói với các phóng viên khi đến dự hội nghị thượng đỉnh EU: "Sẽ không có ai trả bằng đồng rúp".
Xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự hôm 24.2. Moscow và Kyiv đã tiến hành nhiều vòng đàm phán kể từ khi nổ ra xung đột, với sự giúp đỡ tích cực từ một số quốc gia có quan hệ tốt đẹp với cả hai bên, song hiện vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về thỏa thuận hòa bình.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết: “Putin đã vượt qua ranh giới đỏ để trở thành chủ nghĩa man rợ” khi London công bố các hạn chế đối với Ngân hàng Nga Gazprombank và Ngân hàng Alfa, cũng như đối với con gái riêng của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
“Các biện pháp trừng phạt của chúng tôi càng gây khó khăn hơn cho Nga... chúng tôi có thể làm nhiều hơn để giúp Ukraine..., điều này có thể khiến cuộc chiến kết thúc nhanh hơn", ông Johnson nói.
Mặc dù các thành viên NATO đã thực hiện nhiều hỗ trợ để giúp Ukraine phòng vệ trước chiến dịch quân sự của Nga, song liên minh quân sự này đã từ chối nhiều lần Kyiv đề nghị bảo vệ bầu trời Ukraine bằng cách áp đặt vùng cấm bay cũng như tuyên bố sẽ không gửi quân đến nước này vì sợ bị kéo vào một cuộc đối đầu quân sự toàn diện với Nga - quốc gia vẫn đang sở hữu vũ khí hạt nhân.
"Chúng tôi vẫn đoàn kết và kiên quyết trong quyết tâm chống lại chiến dịch quân sự của Nga, viện trợ cho chính phủ và người dân Ukraine cũng như bảo vệ an ninh của tất cả các đồng minh", các nhà lãnh đạo NATO cho biết trong một tuyên bố chung hôm 25.3.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng thế giới phải đối mặt với một "cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có" sẽ còn tồi tệ hơn trong 12 đến 18 tháng nữa vì Ukraine là một nước trồng lúa mì, lúa mạch, ngô và hướng dương.
Các cường quốc phương Tây đã sẵn sàng gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga nếu cần thiết khi họ tiếp tục cô lập Moscow và buộc ngừng bắn ở Ukraine, theo ông Macron.
“Những biện pháp trừng phạt với Nga có tác động và hữu hình, và chúng ta phải tiếp tục áp dụng chúng vì tác động bất lợi của chúng", Tổng thống Pháp phát biểu trong một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh NATO.
Trong khi đó, Mỹ tuyên bố đang nhắm trừng phạt vào hàng chục công ty quốc phòng Nga và các thành viên trong nội các Nga bằng các biện pháp trừng phạt.
27 quốc gia EU đã tung ra 4 đợt trừng phạt chống lại Moscow trong tháng qua khiến Nga bị đóng băng phần lớn khỏi thương mại thế giới, nhưng dòng chảy năng lượng là kẽ hở lớn nhất trong các biện pháp.
Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ đồng ý tại hội nghị thượng đỉnh để cùng mua khí đốt và đồng ý một thỏa thuận với Tổng thống Joe Biden để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng bổ sung của Mỹ.
Đáng chú ý, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cũng cảnh báo Trung Quốc không nên "ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Nga dưới bất kỳ hình thức nào và kiềm chế bất kỳ hành động nào giúp Moscow lách lệnh trừng phạt".
“Nếu Trung Quốc giúp Nga, thì các lệnh trừng phạt sẽ không hoạt động như chúng tôi muốn", ông Marin nói tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra sau cuộc họp NATO và G7.
Trung Quốc kêu gọi chấm dứt xung đột nhưng không lên án chiến dịch quân sự của Nga. Bắc Kinh thậm chí còn lên tiếng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.